04:07, 10/07/2011

Giúp con định hướng nghề nghiệp

Vì khao khát các con có một tương lai vững chắc mà nhiều bậc phụ huynh đã gây áp lực với con trong việc chọn trường, chọn ngành học.

Vì khao khát các con có một tương lai vững chắc mà nhiều bậc phụ huynh đã gây áp lực với con trong việc chọn trường, chọn ngành học. Hậu quả là nhiều em cảm thấy mất phương hướng, chán nản trong học tập. Theo các nhà tâm lý, cha mẹ hãy tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của con để giúp con định hướng nghề nghiệp một cách cụ thể, phù hợp với sở thích và năng lực của các em.

Minh là học sinh giỏi tại một trường chuyên nên chị Hà và chồng - anh Hùng rất kỳ vọng vào con trai. Tuy Minh say mê máy tính, thích tin học từ nhỏ, nhưng vợ chồng chị Hà khăng khăng bắt con trai phải thi vào đại học Y để trở thành bác sĩ. Cuối cùng, Minh đành từ bỏ ước mơ của mình, làm theo quyết định của bố mẹ. Năm đó, Minh dễ dàng đậu vào trường Đại học Y. Nhưng học được 2 năm, Minh chán nản, than thở với bạn bè: “Mình không thể chịu đựng thêm nữa. Mỗi lần lên lớp hay vào bệnh viện là một cực hình đối với mình. Kiểu này không biết mình có thể tốt nghiệp được không chứ đừng nói sau này hành nghề!”. Thấy con lâm vào tình trạng mệt mỏi, lực học sa sút dần, cuối cùng anh chị chấp nhận cho Minh bỏ trường Y, làm lại từ đầu. Hiện nay, tuy mới năm thứ 3 ngành viễn thông của Trường Đại học Bách Khoa, Minh đã được một công ty của Nhật “đặt hàng” vào làm việc. Chị Hà nói: “May mà mình đã kịp thời sửa sai! Nếu không, chưa biết hậu quả thế nào?”.

Trường hợp của Thảo, đang là sinh viên năm thứ 3 ngành Ngân hàng cũng là một ví dụ về việc tuân thủ “quyết định” của bố mẹ. Vốn học khá Văn, lại thích làm cô giáo nên Thảo muốn thi vào Sư phạm Văn. Nhưng chị Hương, mẹ Thảo lại muốn con thi vào ngành Ngân hàng. Sợ mẹ buồn, Thảo nghe lời mẹ, trở thành sinh viên Đại học Ngân hàng. Song, chỉ đến năm thứ hai, Thảo đã thấy đuối, lúc nào cũng bị áp lực, học kỳ nào cũng phải thi lại vài môn. Chán nản, Thảo quyết định bỏ học. Thấy con gái cương quyết, chị Hương đành chấp nhận cho Thảo năm sau thi lại vào trường sư phạm.

Trường hợp của Hồng lại khác. Hồng muốn trở thành phóng viên để được đi đây đi đó. Song, biết sức học của con chỉ làng nhàng, lại không có năng khiếu viết lách, anh Phong, bố Hồng khuyên cô không nên chọn ngành báo chí, mà nên thi vào cao đẳng du lịch. “Trước hết, học cao đẳng phù hợp với sức học của con. Sau nữa, khi trở thành hướng dẫn viên, con sẽ có điều kiện đi nhiều nơi. Lúc đó, từ những cảnh đã thấy, những điều đã nghe… con có thể mô tả, viết lại cảm nhận của mình về những nơi đã đến, những địa danh đã đi qua, những sự việc đã chứng kiến… thế là thành bài báo. Nếu cố gắng học hỏi, trau dồi thêm, con có thể thành công với nghề tay trái này’’ - anh khuyên con. Nghe lời bố, giờ đây, Hồng đang là một hướng dẫn viên năng động, yêu nghề. Và đúng như bố Hồng nói, cô đã có vài bài viết trên chuyên mục “Đất nước mến yêu” của các báo.

Những ví dụ trên cho thấy, việc giúp con định hướng nghề nghiệp đúng là thành công bước đầu trên con đường vào đời của con cái như các chuyên gia tâm lý khẳng định.

DUY THẢO