03:07, 17/07/2011

Con hư tại ai?

Người ta thường nói: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Nhiều bậc phụ huynh nhầm lẫn thương con có nghĩa là phải chiều con, nhưng chiều con quá mức sẽ làm hư con…

Người ta thường nói: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Nhiều bậc phụ huynh nhầm lẫn thương con có nghĩa là phải chiều con, nhưng chiều con quá mức sẽ làm hư con…

Vợ chồng anh Trần Thanh (Nha Trang) chạy chữa mãi mới “nặn” được một “hoàng tử”. Năm nay, cu Bin con của anh chị chuẩn bị học lớp 1. Là con một, lại là “của quý hiếm” nên cu Bin được bố mẹ rất cưng chiều. Bé đòi gì, thích gì, lập tức được bố mẹ đáp ứng ngay. Đi chơi ở đâu, hễ ưng mua gì, cu cậu lại “réo” bố mẹ, nếu không đồng ý, cu Bin sẵn sàng “ăn vạ” giữa đường. Chuyện ăn uống cũng vậy. Có hôm bị ốm, Bin thèm ăn bún bò, anh Thanh chạy đi mua. Về đến nhà, Bin chê tô bún, bảo thích ăn mỳ quảng, bố lại tất tả đi mua. Mua xong, Bin lại không ăn, đòi hết thứ này đến thứ khác. Nhiều khi bực mình vì sự mè nheo của bé nhưng vợ chồng anh Thanh không dám rầy con, đánh con. Vì thế, cậu bé càng “phát huy” lợi thế của mình, dần trở thành “ông tướng con” trong nhà. Mọi người góp ý, anh chị bảo bé còn nhỏ, chưa biết gì, khi nào bé lớn anh chị sẽ nghiêm khắc hơn với con. Ông bà có câu: “dạy con từ thuở còn thơ…” nhưng với anh chị Thanh, dường như họ không có quan niệm này.

Cũng là con một nên bé Thu được bố mẹ khá cưng chiều. Bố mẹ đi đâu, Thu cũng được đi theo từ hồi còn bé tẹo. Thế nên, mới 4 tuổi nhưng Thu đã nắm rõ lịch “ăn chơi” của bố mẹ: cuối tuần đi nhậu, nhậu xong sẽ đi karaoke hoặc cà phê… Có hôm, đang ngồi với mấy người bạn, bé Thu ăn xong đã nằng nặc đòi đi… hát karaoke! Thay vì dạy con, vợ chồng anh Hoàng lại có vẻ khoái chí với sự sành điệu của cô con gái. Khổ nỗi, được đi chơi với người lớn quá nhiều nên bé Thu bị “nhiễm” cách nói chuyện của người lớn, cô bé thậm chí còn nói leo, cắt ngang câu chuyện… Thấy bạn bè tỏ thái độ khó chịu, vợ chồng anh Hoàng chỉ cười cười: “con nít mà…”! Quá nuông chiều con nên nhiều lúc đi tiếp đối tác, anh chị cũng phải “tha” cục cưng đi cùng, nếu không, cô bé sẽ làm trời làm đất. Vậy nhưng ít khi nào thấy anh Hoàng rầy rà con; mà nếu có ý định la mắng con, ngay lập tức vợ anh đã bênh chằm chặp cô con gái, dù chưa biết đúng sai thế nào!

Nhỏ chiều theo kiểu nhỏ, lớn chiều theo kiểu lớn. Xã hội hiện đại, một gia đình chỉ có 1-2 con nên các bậc phụ huynh dồn hết tình thương, sự quan tâm cho con cái. Nhưng nhiều khi, chiều quá lại hóa… hại con. Có trường hợp cậu quý tử nhà nọ cứ đòi bố mẹ mua cho một chiếc xe phân khối lớn nhân dịp cậu vừa đậu đại học. Có xe, đêm nào cậu cũng đi “bão”. Hậu quả là, chỉ sau đó ít tuần, xe còn mà người mất! Cậu bé bị tai nạn trong một đêm đi chơi với bạn bè. Bố mẹ cậu bé vừa đau buồn vừa ray rứt khôn nguôi vì nếu cứng rắn hơn một chút, không nuông theo ý thích của con, có lẽ họ sẽ không bị mất con… Nhiều cậu ấm, cô chiêu khác có bố mẹ làm ra tiền nên được cung phụng, xài tiền như rác. Không ít học sinh cấp 2, cấp 3 bây giờ xài điện thoại Iphone hay Ipad loại mấy chục triệu đồng, đi xe máy tay ga đắt tiền… Được cưng chiều thành quen, nếu không được bố mẹ đáp ứng nhu cầu, nhiều cậu ấm, cô chiêu chuyển sang “chiêu”… dọa bỏ nhà đi bụi; thấy vậy, bố mẹ lại mềm lòng, sẵn sàng cung ứng!

Các chuyên gia tâm lý phân tích, những trẻ khi còn nhỏ làm “vua” trong nhà khi lớn lên ra ngoài xã hội thường ít thành đạt hơn. Luôn đặt cái tôi lên hàng đầu, sai khiến người khác làm theo ý mình, trẻ trở nên ích kỷ và thường bị cô lập. Nguy hiểm hơn nữa, có những trẻ còn bị lâm vào trạng thái trầm cảm rồi lao vào còn đường của tệ nạn xã hội như rượu chè, nghiện hút. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần thận trọng hơn trong cách nuôi dạy con cái ngay từ bây giờ, càng sớm càng tốt, bởi trẻ càng lớn thì càng khó thay đổi tính tình.

HẢI NGUYỆT