07:06, 30/06/2011

Vợ chồng hoàn hảo

Được khen là vợ chồng hoàn hảo, ai chẳng thích. Thế nhưng, có khi chính người trong cuộc lại không thích sự hoàn hảo này…

Được khen là vợ chồng hoàn hảo, ai chẳng thích. Thế nhưng, có khi chính người trong cuộc lại không thích sự hoàn hảo này…

Khi trong nhà có “vua”

Gia đình chị Như Quỳnh (phường Vĩnh Hải, Nha Trang) được nhiều người ngưỡng mộ vì sự thành đạt và hạnh phúc. Anh Hoàng là giám đốc công ty về bất động sản; chị Quỳnh trước kia là kế toán, từ ngày lấy anh, chị chỉ ở nhà lo chuyện nội trợ. Anh chị có 2 con, đủ cả “nếp” và “tẻ”. Trong nhà, mọi chuyện đều do anh Hoàng quyết, chị Quỳnh chỉ có mỗi việc quán xuyến việc nhà, chăm sóc hai con; chuyện nấu nướng, giặt giũ, ăn uống đã có ô-sin. Bạn bè gặp chị Quỳnh, ai cũng khen chị có số sướng. Chị Quỳnh cười nhưng ánh mắt lại buồn rười rượi. “Anh ấy quá hoàn hảo, thành đạt, chính vì thế nên lúc nào cũng tự cho mình là nhất. Sống bên cạnh anh ấy, nhiều khi tôi có cảm giác mình là người thừa” - chị Quỳnh tâm sự. Hàng tháng, anh Hoàng đưa tiền cho chị để lo chi phí trong nhà, nhưng mỗi khi chị Quỳnh muốn mua một món đồ nào, chị phải hỏi ý kiến của anh, anh “duyệt” thì chị mới dám mua. Chuyện học hành của con cũng vậy, anh quyết hết, từ chuyện cho con đi học thêm môn nào đến việc thuê gia sư về nhà dạy kèm. Kể cả chuyện thỉnh thoảng gia đình chị đi du lịch, anh lên lịch theo kiểu “đặt đâu ngồi đó” mà không hề tham khảo ý kiến của vợ. Dần dần, chị Quỳnh có cảm giác mình như thân cây tầm gửi, sống trong nhà nhưng không có ý kiến, chính kiến, dù là những việc nhỏ nhất mà chị có thể quyết định được. Điều khiến chị buồn là chồng chị lúc nào cũng tỏ vẻ gia trưởng, anh không quan tâm đến việc vợ mình nghĩ gì, muốn gì mà lúc nào cũng chỉ làm theo ý thích của mình.

Còn với nhà bà Linh - cán bộ hưu trí ở Cam Ranh, 50 năm sống với chồng, tất tần tật mọi việc bà đều phải hỏi ý kiến của chồng. Người ngoài nhìn vào, ai cũng bảo vợ chồng bà hạnh phúc: ông giỏi giang, bà chu toàn, con cái thành đạt. Chính cái sự “giỏi giang” ấy của ông làm cho ông trở thành “vua” trong nhà, ông nói gì, quyết gì mọi người đều phải làm theo. Bà Linh kể: “Ông ấy hồi xưa làm sếp nên oai phong, làm việc đâu ra đấy. Khi về hưu, ông ấy vẫn còn tác phong ấy, lúc nào cũng muốn trong nhà phải có trật tự, quy củ. Nhiều khi tôi muốn mua một món đồ gì đó, tôi cũng phải hỏi ý kiến của ổng. Ngay cả chuyện học của con, ông ấy cũng định hướng cho chúng theo học ngành nào, nghề gì, đôi khi con cái không muốn nhưng cũng phải theo vì ý của bố là ý của “vua”, nào dám cãi”! Bà Linh nói, dù con cái ngoan ngoãn, học hành tử tế, gia đình chưa bao giờ lục đục, bất hòa nhưng bà vẫn cảm thấy ngột ngạt và bị xem thường vì trong mắt chồng, bà luôn là người “không thể làm được việc lớn, lúc nào cũng ỷ lại chồng”.

Tình yêu vợ chồng phải có sự tôn trọng, sẻ chia...           (Ảnh minh họa)

Khi vợ là “sếp”!

Cuộc sống hiện đại, nhiều phụ nữ có cơ hội thăng tiến, thành đạt trong xã hội. Không khó gặp những mẫu gia đình mà ở đó chồng lui về lo chuyện “hậu cung”, còn vợ thì mải mê chốn thương trường. Gia đình anh Hậu (đường Hùng Vương, Nha Trang) là một ví dụ điển hình. Anh Hậu vốn là giảng viên của một trường cao đẳng trong thành phố, vợ anh – chị Phương là chủ của một quán cà phê khá nổi tiếng ở Nha Trang. Khéo ăn nói, giỏi ngoại giao lại gặp thời, việc làm ăn của chị Phương cứ phất lên như diều gặp gió. Chị mở thêm quán cà phê, nhà hàng, góp vốn kinh doanh bất động sản với một vài người bạn. Từ ngày kinh tế khá lên, trong nhà chị Phương bỗng dưng thành… “sếp”. Chị “bao sân” hết mọi việc trong nhà, anh Hậu chỉ làm mỗi việc đi dạy, đưa đón con và dạy cho chúng học. Chuyện làm ăn của chị, anh cũng không nắm được. “Nhiều khi tôi có cảm giác cô ấy chỉ xem gia đình mình như cái nhà trọ, chỉ để về ngủ một giấc sau một ngày bôn ba ở thương trường. Thấy vợ vất vả, căng thẳng mỗi khi chuyện làm ăn không như ý, tôi hỏi thăm, cô ấy lại cằn nhằn: “Anh thì biết gì mà nói, chuyện của em, em tự quyết. Anh chỉ việc coi ngó 2 đứa nhỏ là được rồi!”. Tôi cảm thấy buồn và thấy khoảng cách giữa mình và vợ ngày càng lớn hơn…” – anh Hậu tâm sự.

Còn với anh Trần Hùng (Diên Khánh), 10 năm nay anh cũng lui về hậu trường để vợ có cơ hội thể hiện mình. Khi anh quyết định nghỉ hưu non vì sức khỏe không đảm bảo cũng là chị Tình – vợ anh được thăng chức. Công việc bận rộn, chị Tình hầu như ít ăn cơm với cha con anh vì những chuyến công tác đột xuất hay phải đi tiếp đối tác. Vắng chị, anh vẫn nấu những bữa cơm ngon, vẫn chăm các con tốt. Tuy có “điều kiện” hơn chồng nhưng chị Tình không bao giờ tỏ ra mình là người “được việc” hơn chồng. “Tôi rất biết ơn anh ấy vì nếu không có anh ấy chu toàn việc nhà, tôi sẽ không được như bây giờ. Tuy anh ấy không còn đi làm, nhưng tôi vẫn chia sẻ công việc với chồng, hỏi ý kiến của chồng trước khi mình định làm một điều gì đó quan trọng” – chị Tình nói về bí quyết giữ gìn hạnh phúc của mình. Chính sự khéo léo trong cách xử sự của chị Tình đã làm cho anh Hùng cảm thấy mình vẫn được vợ yêu thương, tôn trọng. “Điều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là có một người vợ giỏi giang, thành đạt. Cô ấy là sếp của hàng trăm nhân viên nhưng khi về nhà, cô ấy chỉ đơn thuần là một người vợ, người mẹ yêu thương chồng con…” – anh Hùng tâm sự.

Có một gia đình hoàn hảo như vợ chồng anh Hùng là điều ai cũng mong muốn. Nhưng đôi khi, sự hoàn hảo quá mức lại là nguyên nhân gât xung đột, mâu thuẫn cho các cặp vợ chồng, nhất là khi người vợ hoặc người chồng lúc nào cũng muốn thể hiện cái tôi quá mức. Tự tin là điều cần thiết cho mỗi người nhưng tự tin đến mức luôn cho mình đúng trong mọi việc, xem thường ý kiến của người bạn đời sẽ gây nhiều sự cố trong nhà. Nếu không biết cách xử sự, sự “hoàn hảo” này sẽ khiến “một nửa” còn lại cảm thấy mình bị thừa trong gia đình, sống bị phụ thuộc, không bình đẳng. Và như thế, khoảng cách giữa vợ chồng ngày một lớn hơn, nếu không giải quyết kịp thời, nguy cơ đổ vỡ là điều khó tránh khỏi…

LINH NGA