Là con gái duy nhất, được cha mẹ cưng chiều nên từ nhỏ, Hồng chỉ có mỗi việc “học cho giỏi” mà không bao giờ phải đụng tay vào bất cứ việc gì.
Tốt nghiệp đại học, Hồng được tuyển chọn làm trợ lý giám đốc cho một công ty nước ngoài. Xinh đẹp, nói tiếng Anh như gió… Những ưu thế đó khiến không ít chàng trai ao ước chiếm lĩnh được trái tim của Hồng. Và rồi Vĩ, trưởng phòng kinh doanh công ty đối tác của Hồng đã chiến thắng trong cuộc chiến giành trái tim người đẹp. Sau ngày cưới, Vĩ đưa người vợ xinh đẹp, có học thức của mình đi giới thiệu với bạn bè một cách hãnh diện.
Vậy mà, vừa rồi gặp lại, chúng tôi không nhìn thấy trên mặt Vĩ vẻ rạng rỡ, ngời ngời hạnh phúc nữa. Gặng hỏi mãi, Vĩ mới bộc bạch: Thì ra, điều khiến Vĩ buồn là anh nhận ra người vợ mới cưới khiến mình từng rất hãnh diện ấy lại quá đoảng. Nếu trước đây, Vĩ từng rất mê vẻ ngoài xinh đẹp, sự thông mình và năng động trong công việc của Hồng, thì giờ đây, anh nhận ra Hồng không phải là người phụ nữ mà anh mơ ước. Có vẻ như những ưu điểm ấy của Hồng chẳng giúp ích gì trong việc làm vợ của cô.
Ngay sau tuần trăng mật, trở về với cuộc sống đời thường, Hồng tỏ ra rất lúng túng khi gánh vác vai trò của một người vợ. Đụng vào đâu, cô cũng réo chồng: “Anh ơi, cái này sử dụng như thế nào? Cái kia vặn làm sao?…”. Thương vợ vụng về, thời gian đầu, đến bữa, hai vợ chồng chở nhau ra quán hay tranh thủ “ăn ké”, lúc bên bố mẹ chồng, lúc sang nhà vợ. Nhưng rồi, Vĩ thấy không ổn nên quyết định tập cho Hồng làm việc nhà. Song, nếu Hồng thông minh bao nhiêu khi ở công ty thì lại tỏ ra đoảng bấy nhiêu khi ở nhà. Đơn giản nhất là việc nấu cơm bằng nồi điện, Hồng cũng phải hỏi Vĩ. Cô cũng chẳng biết đi chợ nên lúc đầu Vĩ phải “tháp tùng”. Đến chợ, Vĩ chỉ từng thứ, giảng giải cho Hồng cách phân biệt cá tươi, ươn, thịt ngon dở, rau tươi, héo… Về nhà, Vĩ ngồi kè kè bên cạnh Hồng để hướng dẫn vợ cách làm cá, xắt thịt, nhặt rau…
Nhớ lại hồi còn yêu nhau, Hồng từng thú nhận không biết nấu ăn, nhưng ngày đó Vĩ chỉ an ủi: “Không sao! Anh dễ tính lắm! Chúng mình ăn quán hay mua đồ ăn sẵn trong siêu thị cũng được!”. Lại nữa, khi trao con gái cho Vĩ, bà mẹ vợ đã năn nỉ chàng rể tương lai: “Hồng vụng về nữ công gia chánh! Con cố gắng giúp đỡ. Nó rất thông minh nên mẹ tin nó sẽ học hỏi nhanh thôi!”. Vì những điều đó nên Vĩ rất kiên trì trong việc “huấn luyện” vợ. Song, dường như sự tiến bộ của Hồng lại rất chậm chạp. Sau 3 tháng “học tập”, tay nghề của Hồng vẫn “giậm chân tại chỗ”. Hôm nào Vĩ bận, Hồng vào bếp thì y như rằng hôm đó hai vợ chồng phải ra quán vì bữa cơm dọn ra không ai nuốt nổi…
“Cái vụng của nàng đâu phải chỉ chừng đó?”, Vĩ ngán ngẩm lắc đầu. Hồng không chỉ chẳng bao giờ để ý đến việc dọn dẹp nhà cửa, mà còn rất hay bày bừa bộn. Khi Vĩ nhắc “nhà dơ quá, Chủ nhật này em tranh thủ lau dọn nhé!”, Hồng lơ đãng nhìn quanh: “Em đâu thấy dơ!”. Quen thói tiểu thư khi còn ở nhà mẹ, đồ đạc của Hồng tiện đâu quăng đó, khi cần phải lục tung lên tìm. Hôm nào cũng vậy, trước khi ra khỏi nhà, hai vợ chồng lại cuống quýt tìm chìa khóa xe máy. Nếu Vĩ góp ý hay nhắc nhở, Hồng xịu mặt: “Có chút xíu đó mà sao anh cũng kêu? Chắc là không còn thương em nữa phải không?”. Cứ vậy, mỗi thứ một chút xíu, nhưng gom góp lại thành nhiều cái chút xíu khiến Vĩ bắt đầu chán… vợ. Anh nói: “Tưởng lấy vợ để ổn định cuộc sống, ai dè, có vợ rồi lại thấy lộn xộn, xô bồ hơn cả hồi còn độc thân. Sắp tới có con, không biết Hồng làm sao nuôi con đây! Nghĩ tới là thấy ớn!”. Nghe Vĩ than, chúng tôi đành an ủi: “Thôi! Chịu khó dành thời gian huấn luyện nàng, rồi sẽ ổn thôi”.
Thật ra, suy cho cùng, đâu phải chỉ một mình Hồng là vợ vụng? Cuộc sống hiện tại, nhiều cô vợ hiện đại rất năng động trong công việc nhưng lại rất vụng trong vai trò người vợ. Đâu chỉ riêng một mình anh chàng Vĩ mang nỗi buồn vợ vụng?
DUY THẢO