Ly hôn là chuyện của người lớn, nhưng người chịu nhiều ảnh hưởng và thiệt thòi nhất lại là con cái của họ. Có những mặc cảm không tả được bằng lời, nó ám ảnh và đè nặng lên tâm lý của trẻ khi lớn lên khiến chúng sợ… yêu!
Có dịp ra Nha Trang công tác, cô bạn thân hẹn tôi tới một quán cafe để hàn huyên. Gặp nhau sau 2 năm kể từ khi ra trường, bạn vẫn thế, nụ cười vẫn rạng ngời, chỉ có mái tóc được uốn hơi xoăn, nhìn già dặn hơn so với ngày học đại học. “Chọn được “khăn”, được “túi” chưa?”, tôi hỏi nửa đùa nửa thật. “Nhiều quá, chẳng biết chọn mẫu nào…”, bạn cười mà ánh mắt buồn hẳn lại.
Tôi biết chuyện của bạn. Bố mẹ bạn ly dị khi bạn mới chân ướt chân ráo bước qua cổng trường đại học. Buổi tối hôm đó, vừa đi học về, bạn đã thấy bố mẹ ngồi đối diện mà không nhìn nhau, khuôn mặt lạnh lùng. Bạn chợt thấy rợn người, rón rén bước ra sau lưng mẹ, chẳng dám nói câu nào. Sau vài phút im lặng như thế, dường như không chịu nổi, bố bạn cất giọng khẽ khàng mà bạn nghe choáng váng: “Con sẽ ở với ba hay với mẹ?”. Đầu óc bạn quay cuồng, cố gắng vịn chặt tay vào thành ghế mà hai hàng nước mắt tuôn trào.Bố bạn hít sâu rồi nói theo hơi thở hắt ra: “Ba mẹ sẽ ly dị, con muốn ở với ai?”. Mẹ bạn hét lên: “Nó sẽ ở với tôi”, rồi quay ra sau nắm chặt lấy cánh tay bạn, mắt ướt đẫm: “Con không được bỏ mẹ, không được bỏ mẹ…”. Bạn chạy ào vào phòng, đóng sầm cửa, thả phịch người xuống giường mà nghe lòng trĩu nặng. Bạn chẳng nghĩ được gì, cứ ôm gối khóc mãi…
“Mình vẫn còn bị ám ảnh từ buổi tối hôm đó, không quên nổi. Lên giảng đường, mình không nghe thầy nói gì, cứ văng vẳng trong tai chuyện ba mẹ sẽ ly dị, con muốn ở với ai. Mình dường như nghe thấy câu nói đó mọi lúc mọi nơi”, bạn nghẹn ngào nhớ lại. Chẳng cần nói cũng biết bạn đã suy sụp đến mức nào. Thời gian đó, cũng nhờ bạn bè động viên, an ủi mà bạn dần khuây khỏa, nhanh chóng chuyên tâm học hành trở lại.
Thực ra, bạn chưa bao giờ oán trách ba hay mẹ. Mẹ bạn không nói lý do vì sao bố mẹ bạn chia tay, chỉ cho biết bố mẹ ly thân từ khi bạn học lớp 11, nhưng phải kiềm chế, giấu để bạn yên tâm học hành. Bạn vẫn vô tư không hay biết đến ngọn núi lửa đang âm ỉ trong mối quan hệ của bố mẹ. Bạn không biết chính xác nguyên cớ dẫn đến sự chia ly của bố mẹ, nhưng ấn tượng sâu sắc về cái ngày “phán xét” ấy thì cứ ám ảnh mãi trong bạn…
Đôi mắt long lanh phảng phất nét u hoài của bạn khiến bao chàng trai mê mẩn. Bao nhiêu chàng thay nhau tỏ tình với bạn, bạn đều phớt lờ. Thế rồi bạn cũng chấp nhận “mở lòng” trước sự chân thành, nồng nhiệt của một chàng trai tuấn tú. Những buổi đi chơi cùng đám bạn dần ít lại, nhường chỗ cho những cuộc hẹn hò riêng của hai người. Mỗi lần đi chơi với người yêu về, bạn lại tíu tít kể cho đám bạn, và nói rằng bạn yêu anh chàng đó lắm!
Ai cũng mừng vui cho hạnh phúc của bạn. Vậy mà, một ngày nọ, bạn gọi điện thoại cho tôi báo tin hai người vừa mới chia tay. Hôm đó, khi hai đứa bên nhau, bạn nghe lời người yêu thủ thỉ “mình sẽ cưới nhau nhé” mà như nghe sấm bên tai. Bạn chẳng hiểu nổi tại sao câu nói ngọt ngào như thế lại khiến bạn nhớ tới câu nói ám ảnh ngày nào: “Ba mẹ sẽ ly dị, con muốn ở với ai?”. Bạn vùng khỏi vòng tay của người yêu, cảm giác cú sốc ngày bố mẹ thông báo ly hôn như vẫn còn vẹn nguyên. Khi yêu, bạn chưa từng nghĩ đến chuyện gì sâu xa hơn, chưa từng nghĩ đến chuyện sẽ gắn bó đời mình với một ai đó. Lẽ ra, khi được người mình thương yêu ngỏ lời, bạn phải cảm thấy hạnh phúc. Trái lại, như một sự ngạc nhiên không mong muốn, sự ngọt ngào lại có thể gợi cho bạn nhớ về một ký ức rất buồn. Bạn cảm thấy sợ hãi một điều gì đó rất mơ hồ, không tin vào sự bền vững của tình yêu, và chuyện hôn nhân thì càng không. Như ngày xưa, bạn vẫn tưởng bố mẹ mình sống hạnh phúc bên nhau, có cãi nhau bao giờ đâu, vậy mà bỗng dưng lại xòe lá đơn ly hôn ra trước mặt nhau. Bạn chợt nhận ra chẳng có gì là không thể tan vỡ, bây giờ bạn và anh ta đang yêu nhau thắm thiết nhưng ai biết được lúc nào sẽ chia tay.
Bạn đã từng phải chứng kiến một lần, và sợ điều đó sẽ xảy ra thêm lần nữa. Bạn nghĩ, tốt nhất nên chia tay với người yêu ngay lập tức.
“Đến giờ, mình vẫn còn bị cuộc ly hôn của bố mẹ ám ảnh, trở nên mất lòng tin vào tình yêu”, bạn nói. Tôi từng nghe nhiều chuyện cha mẹ ly dị sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tinh thần của trẻ nhỏ, chứ chưa từng nghĩ đến việc nó có thể làm cho người ta trở nên không dám… yêu. Ngày xưa, khi bạn gọi cho tôi kể chuyện chia tay, tôi từng khuyên bạn hạnh phúc là do chính mình nắm giữ, đừng vì những ám ảnh không hay mà bỏ lỡ hạnh phúc của mình. Bạn đã lắng nghe, nhưng xem ra để có thể vượt qua được nỗi ám ảnh đó, bạn cần có thêm thời gian. Xung quanh bạn có rất nhiều người thân và bè bạn, nhưng họ cũng chỉ có thể an ủi, động viên, chứ không thể bù đắp được những thiệt thòi, mất mát trong tâm hồn bạn. Nhưng tôi tin, bạn - môt cô gái xinh đẹp và nhiều nghị lực - sẽ sớm tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn để mở cửa trái tim đón nhận tình yêu mới, và nắm bắt lấy hạnh phúc của mình.
MI CA