03:06, 24/06/2011

Khổ cả hai!

Đối với những ông bố, bà mẹ đang có con sắp thi vào đại học, điều họ quan tâm nhất là làm sao để con có đủ sức khỏe để vượt qua “cửa ải” này. Nhưng có nhiều bậc phụ huynh lại quá chú trọng đến vấn đề “bồi bổ”  khiến cả bố mẹ và con đều bị áp lực.

Đối với những ông bố, bà mẹ đang có con sắp thi vào đại học, điều họ quan tâm nhất là làm sao để con có đủ sức khỏe để vượt qua “cửa ải” này. Nhưng có nhiều bậc phụ huynh lại quá chú trọng đến vấn đề “bồi bổ”  khiến cả bố mẹ và con đều bị áp lực.

Còn hơn 10 ngày nữa là đến kỳ thi đại học. Để con có đủ sức khỏe “chiến đấu” trong cuộc thi quan trọng này, chị Thu (phường Phước Tân, Nha Trang) lên hẳn thực đơn cho từng ngày, trong đó hai món sữa và thịt bò là không thể thiếu. Chưa kể, hễ nghe ai bày ăn món gì bổ óc, bổ não, chị Thu cũng “cập nhật” ngay. Kết quả là bé Thanh con chị… lãnh đủ. Cuối tuần qua, Thanh phải nhập viện vì hội chứng ăn không tiêu, đầy bụng. Theo bác sĩ, có thể chị Thu cho con ăn quá nhiều chất đạm, chất  béo làm bé Thanh khó hấp thụ thức ăn. Bé Thanh than thở: “Ngày nào mẹ cũng bắt con ăn bí đỏ, ngũ cốc, uống sữa tươi, đậu nành… khiến con ngán tới óc. Nhiều lúc con muốn tập trung học nhưng mẹ cứ “tiếp tế” thực phẩm liên tục làm cho con cảm thấy… bội thực”. Kể với mấy đứa bạn cùng lớp, bé Thanh mới biết có nhiều “đồng minh” giống mình. Một bạn gái còn than vãn đã mấy tuần nay, cô bé không được ăn món khoái khẩu là trứng chiên chỉ vì mẹ sợ… ăn trứng không đậu!

Trong khi đó, nhiều bậc phụ huynh lại lo lắng vì sợ con không đủ sức khỏe để thi nên cố gắng “nhồi nhét”. Đôi khi, chính chuyện này lại khiến hai vợ chồng lục đục. Anh B. (đường Dã Tượng, Nha Trang) kể: “Thấy vợ cứ bắt con uống thuốc bổ gì đấy, tôi can ngăn vì sợ uống thuốc không rõ nguồn gốc hại con. Cô ấy làm ầm lên, cho rằng tôi không quan tâm đến con cái, thuốc này quảng cáo ra rả hàng ngày, có gì mà phải sợ! Ngay đến chuyện ăn uống của con, cô ấy cũng bắt ép con đủ thứ, nhiều món cháu nó không thích ăn cũng phải cố nuốt để mẹ vui. Đến là khổ!”. Còn vợ anh thì lý giải: “Bình thường cháu cũng đã lười ăn uống. Tôi sợ đến ngày thi cử, bài vở dồn dập mà cứ ăn uống thất thường kiểu này lại đổ bệnh nên buộc phải ép con ăn”. Tuy nhiên, chị lại không ngờ, kiểu ép ăn không khoa học này khiến con chị mắc bệnh… sợ ăn!

Ở gia đình chị Thy (Cam Ranh), có con sắp thi đại học, hai vợ chồng cùng… khổ. Sau khi thi tốt nghiệp xong, chồng chị xin nghỉ phép để đưa con ra Nha Trang luyện thi. Còn chị, cứ cuối tuần lại bắt xe đò để “tiếp tế” thực phẩm cho hai cha con. Con trai chị không phải thuộc dạng kén ăn nhưng từ khi có mẹ chăm sóc, cậu chỉ được ăn theo thực đơn của mẹ mà chỉ toàn là món ngon, bổ dưỡng. “No bụng, chùng mắt”, cu cậu ăn no quá đâm ra lại chỉ muốn ngủ, không muốn học. Sợ con không ôn kịp để thi, chị bảo chồng phải… học cùng con, ngồi cạnh con để lỡ con có ngủ quên thì còn đánh thức dậy… học tiếp! Chị Thy than: “Chăm từng ly từng tý thế này mà còn không đậu nữa thì khỏi nói. Con học đã khổ, bố mẹ chăm còn khổ hơn! Thời của mình làm gì được như chúng nó. Bây giờ, “thả” con ra thì sợ, cứ phải theo sát nút mới yên tâm”.

Xem ra, chuyện chăm con thì nhà nào cũng giống nhà nào. Nhưng lo cho các “sĩ tử” đi thi thì đúng là có 1001 chuyện để lo! Tuy nhiên, riêng về vấn đề ăn uống, các bậc phụ huynh cũng cần để ý, không phải cứ “nhồi nhét” cho con là tốt. Ăn uống khoa học, cơ thể mới khỏe mạnh. Thêm vào đó, các bậc phụ huynh nên bố trí cho con có thời gian thư giãn, giải trí, không nên tạo áp lực cho con mà phải tạo cho con sự thoải mái trước giờ G để trẻ có tâm lý tốt nhất khi đối mặt với những thử thách trong mùa thi.

H.N