Lan Ngọc - 29 tuổi và Quốc Khương - 31 tuổi quen nhau trong buổi tiệc sinh nhật của một người bạn. Bạn bè thấy hai người còn đang là “lính phòng không” nên ra sức vun vén.
Trong tình yêu, đôi khi thế chủ động lại thuộc về phái đẹp… |
Sau nhiều tháng tìm hiểu, Ngọc mới biết “đối tượng” của cô cũng thích mình từ lâu nhưng mỗi lần nói đến chuyện xa xôi hay đơn giản chỉ là một câu tỏ tình, không hiểu sao Khương cứ lúng ta lúng túng như gà mắc tóc! Vốn là người kín đáo và nhẹ nhàng, Ngọc tìm cách “mở đường”, tạo điều kiện cho Khương, qua đó cũng để kiểm chứng tình cảm của “chàng”. Cuối tuần, Ngọc chủ động rủ Khương đi uống cà phê hoặc đi nhà sách. Được mấy lần như thế, bỗng dưng có dạo Khương không thấy cô nhắn tin hay gọi điện rủ rê đâm ra lại thấy… nhớ. Thế là anh chủ động gọi cho Ngọc. Thật ra, đây cũng là một “chiêu” của Ngọc để Khương để ý hơn tới mình. Khi cô cảm nhận Khương đã giành nhiều tình cảm cho mình nhưng vì bản tính ngại ngùng, nhút nhát nên anh chưa thổ lộ, trong một lần đi dã ngoại cuối tuần, Ngọc đã sử dụng “chiêu” cuối để “đánh” vào tâm lý của Khương: “Chắc là em không còn nhiều cơ hội để đi chơi với anh nữa vì bố mẹ em đã sắp đặt và muốn em nên duyên với một người khác”. Quả nhiên, cả buổi hôm đó, Khương rầu rĩ, buồn ra mặt. Tối hôm ấy, trước khi đi ngủ, Ngọc nhận được tin nhắn của Khương: “Anh yêu em từ lâu mà chưa dám ngỏ lời. Anh muốn lấy em làm vợ, em có đồng ý không?”. Đêm ấy, có hai người thức trắng vì… vui. Sau này, khi đã nên duyên vợ chồng, Ngọc thường nhắc lại chuyện này và trêu chồng: “Ngày ấy, em mà không mạnh dạn tấn công thì bây giờ chắc anh vẫn còn… ê sắc ế!”.
Với lứa tuổi 8X, 9X, chuyện “cọc” đi tìm “trâu” không còn là vấn đề “nhạy cảm” hay “khó nói”. Trên một diễn đàn, khi có người đưa ý kiến “bạn nghĩ sao nếu “cọc” đi tìm “trâu”, lập tức nhận được nhiều comment (bình luận) cho rằng, tại sao lại phải đặt nặng vấn đề ai đi tìm ai, chủ động đi tìm tình yêu cho mình thì có gì là xấu? Ngày trước, cụ Nguyễn Du đã từng xây dựng chân dung một Thúy Kiều “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” trong đêm tối đi tìm Kim Trọng để đi theo tiếng gọi của tình yêu. Ngày nay, với suy nghĩ thoáng hơn, nhiều người không còn quan trọng chuyện này nữa, vì nếu đó là tình yêu đích thực, trong sáng, tại sao lại phải bỏ lỡ cơ hội chỉ vì mang tiếng “cọc” đi tìm “trâu”? Thủy Băng - nhân viên marketing của một hãng sữa kể: “Ngày mới vào làm ở công ty, tôi đã thầm để ý người ấy. Anh không đẹp trai nhưng có duyên ăn nói, hài hước và là mẫu người năng động. Sau nhiều tháng “theo dõi”, tôi biết anh vẫn còn “độc thân vui tính”. Tôi chủ động làm quen với anh qua một lần… giả vờ nhắn tin nhầm số. Chúng tôi làm bạn với nhau từ đó và dần dần tình yêu đã “gõ cửa trái tim” của cả hai. Nhiều lúc tôi thầm nghĩ, nếu mình không chủ động làm quen với anh ấy, chắc là tôi sẽ không có cơ hội được gần anh…”. Thực tế, có nhiều chàng tỏ ra bất ngờ và thú vị trước sự đổi vai… “cưa thủ” của các nàng. Nhưng cũng có nhiều người cảm thấy khó chịu vì bị đối phương săn đón và thể hiện tình cảm một cách lộ liễu. Đó là tình cảnh của N.P - nhân viên quản trị mạng. Mấy tháng nay, P. đang khổ sở tìm cách “chạy” khỏi sự quan tâm quá mức của một đồng nghiệp nữ làm cùng công ty. Cô này khiến P. cảm thấy sốc khi tuyên bố: “Sẽ trở thành bạn gái của P. bằng mọi giá”. Nhiều khi, P. thấy phát ngượng vì đang giữa giờ làm việc, cô này cứ tìm mọi cách để gặp anh, lúc thì mang cho anh ly cà phê, khi lại tình nguyện tặng nguyên cặp lồng cơm để P. ăn trưa… Từ chối thì sợ cô ấy giận dỗi, “quê” với mọi người; mà không từ chối thì P. sợ cô ấy hiểu lầm mình cũng có tình cảm. P. ngao ngán tâm sự: “Đúng là “theo tình tình chạy, chạy tình tình theo”! Con gái mà “mạnh bạo” kiểu này thấy… ớn quá!”. Nhiều cô tấn công đối phương ở công sở chưa được, chuyển sang chiến thuật “đánh vào trung tâm” bằng cách đến nhà chơi thường xuyên; gọi điện thoại di động không được thì gọi máy cố định, cố tình cho các bậc phụ huynh nhận thấy con trai mình đang có “đối tượng”… Chưa thấy hiệu quả thế nào, chỉ thấy nhiều bà mẹ “hăm he” con trai: “Không được đâu nghe con! Con gái gì mà vô duyên, ai đời “cọc” lại đi tìm “trâu” bao giờ”!
Đối với những cô nàng có cá tính, trong tình yêu đôi khi cũng phải can đảm chấp nhận thất bại. Minh Phương - viên chức của một ngân hàng kể: “Tôi và anh ấy quen nhau từ hồi còn học phổ thông. Vào đại học, 2 đứa lại chung trường. Thấy anh quan tâm, chăm sóc tôi, tôi cứ ngỡ anh ấy có tình cảm với mình. Nhưng đợi hoài mà vẫn không thấy anh thổ lộ, tôi đánh liều viết thư tỏ tình với anh. Tưởng đâu sẽ nhận được một kết quả như mình mong ước, ngờ đâu đọc thư xong, anh cốc nhẹ vào đầu tôi: “Ngốc ạ, lo học đi! Với anh, em luôn là một cô em gái bé bỏng, đáng yêu”. Mới đầu, tôi cũng buồn và sốc. Nhưng dần dần tôi cũng hiểu, tình cảm không phải như trái cây… chín ép. Tôi chấp nhận sự thật và xem anh như một người anh đúng nghĩa”. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được như Phương. Có nhiều cô gái, sau khi không được đối phương đáp trả đã chuyển từ tình yêu sang… tình thù, tìm mọi cách chọc phá, kiểu như “ăn không được thì phá cho hôi”, khiến nhiều chàng “toát mồ hôi, lạnh sống lưng” khi cứ bị “cọc” không cho “trâu” đi tìm “đồng mới”!
Rõ ràng là chuyện “cọc” đi tìm “trâu” thời buổi hiện nay không còn là suy nghĩ cổ hũ, khắt khe, bởi tìm cho mình một tình yêu chân chính, trong sáng và cùng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp không phải là chuyện từ một phía! Trong nhiều trường hợp, bạn gái cũng phải chủ động nhưng cách chủ động phải có nét riêng, nét duyên của mình; còn nếu cứ bị trói buộc bởi suy nghĩ “cọc” sao lại phải đi tìm “trâu”, bạn sẽ đánh mất nhiều cơ hội, trong khi thời gian và tuổi xuân không chờ ai cả…
HẢI NGUYỆT