09:05, 14/05/2011

Đổ vỡ

Khi trao nhau nhẫn cưới, ai cũng muốn sẽ cùng người bạn đời “trăm năm hạnh phúc”. Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng có màu hồng.

Khi trao nhau nhẫn cưới, ai cũng muốn sẽ cùng người bạn đời “trăm năm hạnh phúc”. Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng có màu hồng. Chia tay “đường ai nấy đi” là giải pháp cuối cùng cho một cuộc hôn nhân không trọn vẹn. Song để đi đến quyết định ấy, nhiều người đã rất khó khăn, thậm chí phải sau một thời gian dài, họ mới lấy lại sự cân bằng tâm lý…

1. Anh Hùng - kỹ sư điện máy lập gia đình với chị Hoa - nhân viên tư vấn của một hãng bảo hiểm cách đây 6 năm. Họ đã có một thời gian dài tìm hiểu trước khi quyết định “góp gạo thổi cơm chung”. Theo nhiều người nhận xét, họ là một cặp khá đẹp đôi, hiểu nhau đến… từng milimet! Thời còn yêu nhau, anh Hùng thường thích tụ tập, lai rai cùng bạn bè sau giờ đi làm; chị Hoa không cằn nhằn như những người khác mà còn rất chịu khó “tháp tùng” người yêu, thậm chí còn làm tài xế đưa anh về nhà những khi anh quá chén. Bù lại, anh Hùng rất chiều chuộng chị Hoa. Cuối tuần, anh thường đưa chị đi mua sắm, nấu những món ngon để chị thưởng thức… Nói chung, trong mắt nhiều người, họ là một đôi khá hoàn hảo. Vậy nhưng, không ai ngờ, sau 6 tháng cưới nhau, anh Hùng và chị Hoa quyết định chia tay. Quyết định của họ làm nhiều người khá bất ngờ. Anh Hùng tâm sự, không hiểu sao từ ngày lấy nhau, tính khí chị Hoa trở nên thất thường. Chị khó chịu với những cuộc vui của chồng với bạn bè - điều mà trước đó chưa hề có; chị kiểm soát chặt chẽ anh bằng cách không cho anh đi công tác xa vì ghen tuông vớ vẩn… Còn chị Hoa lại cho rằng, anh Hùng chưa làm hết trách nhiệm của một người chồng. Anh thường xuyên để chị ăn cơm một mình; không còn chiều chuộng vợ như trước; bực nhất là anh ấy không biết từ chối những cuộc nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng với bạn bè… Cãi nhau, giận nhau rồi lại làm lành. Nhưng cuối cùng, họ vẫn quyết định ký vào đơn ly dị. Khi ấy, cả hai không hề biết chị Hoa đang mang trong mình giọt máu của anh Hùng. Những tưởng có tin vui ấy, họ sẽ hàn gắn với nhau dễ dàng hơn. Nhưng vì cái tôi của 2 người đều quá cao nên rút cuộc vẫn “đường ai nấy đi”…

                                                                                                      ảnh minh họa.
Một năm sau, anh Hùng có “đối tượng” mới. Chị Hoa vẫn một mình nuôi con. Cuối tuần, anh Hùng vẫn qua thăm con. Nhưng tuần nào anh có việc bận, không qua được là y như rằng cả nhà chị Hoa làm ầm lên, gọi điện thoại mắng anh xối xả. Ngay cả khi anh tổ chức “đám cưới lần hai”, nhà chị Hoa cũng kiếm cớ thằng bé bị bệnh, bắt anh phải sang nhà đưa đi bệnh viện… Cũng may, vợ sau của anh là người biết chuyện nên hiểu và thông cảm với anh Hùng. “Cô ấy dường như vẫn còn bị sốc sau khi ly dị nên không chấp nhận việc tôi có gia đình mới. Cô ấy lúc nào cũng kiếm cách quấy rầy tôi, thậm chí còn không cho tôi gặp con, lôi cả gia đình đứng về phía cô ấy để gây khó khăn cho tôi…”. Người ngoài nhìn vào, chưa biết ai đúng ai sai nhưng đều thấy tội nghiệp đứa con chung của họ, vừa mới ra đời đã chịu cảnh phân tán, chia lìa, bị tiêm nhiễm vào đầu những nhận xét không tốt về bố nó… Ngay cả đến người vợ sau, nhiều khi bị chị Hoa làm phiền quá mức cũng bắt đầu bị stress, không biết trút vào ai lại đổ hết lên đầu anh Hùng, làm vợ chồng họ lục đục một thời gian dài…

2. Chia tay được gần nửa năm, mới đầu chị Nga - cán bộ ngân hàng - cũng cảm thấy buồn và chênh vênh khi ngôi nhà thiếu vắng bóng dáng đàn ông. Nguyên nhân đổ vỡ của gia đình chị xuất phát từ người thứ ba. Chồng chị Nga là giám đốc một doanh nghiệp lớn. Anh khéo léo trong giao tiếp lại có ngoại hình dễ nhìn nên rất đào hoa. Anh thường nói với vợ: “Đàn ông có ham vui đến mấy, đi đâu rồi cũng quay về gia đình”. Bởi vậy, chị rất tin chồng. Nhưng đến một ngày, chị phát hiện anh không chỉ có một “gia đình” mà có tới hai… “cơ sở nhỏ”. Chị làm ầm lên, anh không chối mà còn nhận là mình đã có người khác từ lâu, dù bấy lâu nay anh luôn làm tròn trách nhiệm với chị, với con, không có một sơ sẩy gì khiến chị nghi ngờ. Chị Nga tâm sự: “Lúc đầu, tôi gần như điên lên, không tin rằng mình bị chồng phản bội. Sự thật đau lòng ấy cứ ám ảnh tôi, khiến tôi bị stress và rơi vào trạng thái trầm cảm một thời gian dài. Thậm chí, khi đã chia tay, nhiều đêm tỉnh dậy tôi lặng lẽ khóc vì cảm thấy cô đơn, trống vắng. Nhưng thời gian là liều thuốc chữa lành mọi vết thương. Tôi lấy niềm vui từ con cái, từ công việc để làm lại từ đầu. Tôi nghĩ cứ xem như đó là một khối u, nếu mình không can đảm cắt bỏ thì cuộc đời mình sẽ còn chịu nhiều bất hạnh hơn…”. Bây giờ, chị đã có thể đảm đương được hai vai, vừa là cha, vừa là mẹ của các con; đồng thời vừa được đề bạt lên trưởng phòng. Những niềm vui ấy khiến chị có thêm động lực để đứng lên sau đổ vỡ. Chị kể, mới đầu khi chia tay, chị căm ghét người đàn ông đã phản bội mình, thậm chí không muốn nhìn mặt anh ta. Nhưng sau đó, chị cũng mở lòng hơn, đối xử với chồng cũ như một người bạn vì “dù sao đó cũng là cha của các con mình…”.

Một thẩm phán chuyên xử các vụ án ly hôn ở Tòa án nhân dân TP. Nha Trang cho biết, hầu hết trong các vụ ly hôn, nguyên đơn và bị đơn thường tìm mọi cách giải quyết để được việc cho mình mà quên mất, đằng sau họ còn những đứa con cần một chỗ dựa tinh thần sau những mất mát. Trầm cảm, khép kín, sống nghi ngờ, không biết cách chia sẻ tình cảm, suy nghĩ với mọi người, mất tự tin trong giao tiếp, cư xử… là một số những thay đổi về tâm lý của những trẻ em có cha mẹ ly hôn. Tuy nhiên, nhiều ông bố, bà mẹ mải lâm vào “trận chiến” tranh giành tài sản và những quyền lợi khác sau khi ly hôn mà quên không làm công tác tư tưởng cho con, để chúng không bị sốc khi lâm vào cảnh gia đình “tan đàn sẻ nghé”. Thậm chí, có những cuộc chia tay thiếu văn hóa diễn ra ngay trước mặt bọn trẻ khiến chúng bị ám ảnh trong một thời gian dài; không dám yêu, không dám lập gia đình vì sợ rơi vào cảnh giống bố mẹ mình ngày trước…

Ly hôn là điều không ai muốn. Nhưng đôi khi đó lại là giải pháp cuối cùng đối với những trường hợp không còn cứu vãn nổi. Vết thương lòng rồi cũng sẽ nguôi ngoai, điều quan trọng là khi đối diện với nguy cơ ấy, những thành viên trong gia đình nên tìm cách giải quyết để sau đổ vỡ, họ có thể vượt qua những khó khăn để làm lại từ đầu, không nên kéo dài sự thù hận và những tổn thương tâm hồn…

TUỆ VĂN