04:05, 06/05/2011

Bệnh “ghen”

“Vợ tôi là người hay ghen, điều ấy khiến tôi luôn cảm thấy ngột ngạt. Chỉ có một lần tình cờ đọc được e-mail của bạn gái cũ gửi cho tôi, cô ấy lúc nào cũng thường trực trong đầu ý nghĩ tôi không chung thủy với cô ấy. Tôi đi đâu, làm gì, nói chuyện với ai…

“Vợ tôi là người hay ghen, điều ấy khiến tôi luôn cảm thấy ngột ngạt. Chỉ có một lần tình cờ đọc được e-mail của bạn gái cũ gửi cho tôi, cô ấy lúc nào cũng thường trực trong đầu ý nghĩ tôi không chung thủy với cô ấy. Tôi đi đâu, làm gì, nói chuyện với ai… cũng bị vợ kiểm soát chặt chẽ. Thậm chí, cô ấy còn kiểm tra điện thoại di động hàng ngày, hàng giờ. Thái độ của cô ấy khiến tôi luôn phải tìm cách đối phó, bởi nói thật cũng không được mà nói dối cũng không xong. Dần dần, tôi không còn hứng thú để tâm sự với vợ nữa…”.

Đó là tâm sự của anh N.M - 43 tuổi, kiến trúc sư ở Nha Trang. Anh M. cho biết, không chỉ vợ anh khổ sở vì lúc nào cũng lo kiểm soát chồng mà chính anh cũng bị stress nặng bởi “bệnh” ghen của vợ!

. Kiểm tra… ngược

Một số ông chồng thường tâm sự với nhau, từ ngày có cái “a-lô” di động, tiện thì tiện thật nhưng vợ lại có thêm công cụ để kiểm tra, kiểm soát mọi hành tung của chồng. Anh M. kể: “Công việc của tôi thường đi công trường và tiếp khách. Ra khỏi nhà chừng nửa tiếng, cô ấy đã gọi hỏi anh đang ở đâu, đang làm gì. Về nhà, đợi lúc tôi đi tắm, cô ấy kiểm tra điện thoại, xem tất cả các cuộc gọi đến, gọi đi và cả tin nhắn. Khi nào thấy có dấu hiệu khả nghi, chẳng hạn như có lần có một khách hàng tên Trà gọi cho tôi; cô ấy muốn kiểm tra xem khách hàng này là “Trà nam” hay “Trà nữ” nên bấm máy gọi thử. Khi đầu dây bên kia vang lên giọng đàn ông, cô ấy cúp máy. Báo hại, anh này tưởng tôi gọi để trao đổi công việc nên gọi lại, lúc ấy tôi mới biết điện thoại của mình bị vợ… “nghịch”!”. Chưa hết, mấy lần anh M. “xin phép” vợ đi nhậu với mấy người bạn cũ, đang cuộc vui thì vợ gọi hỏi đang ngồi với ai, anh phải kể tên từng người, sau đó còn đưa “a-lô” cho bạn nói chuyện với vợ để làm tin! Nhiều lần, anh tâm sự nhỏ to với vợ đừng nên làm như vậy thì cô ấy giận dỗi: “Em thương nên mới ghen. Cũng chỉ vì em lo cho hạnh phúc của gia đình thôi. Xã hội bây giờ nhiều cám dỗ, ai mà biết được bụng dạ đàn ông các anh thế nào…”. Có lần bị “quê” trước đám bạn, anh về nhà nổi cáu với vợ. Những tưởng làm căng như thế thì vợ anh sẽ biết đâu là điểm dừng, ai ngờ cô ấy lại bù lu bù loa, cho là anh M. có người khác nên mới đối xử với vợ như thế! “Đến nước ấy thì tôi cũng đành bó tay, nói sao cũng không được” - anh M. than!
Còn với ông D. - giám đốc một công ty TNHH ở Nha Trang, nỗi khổ tâm của ông là có một bà vợ mắc bệnh ghen đến nỗi… hết thuốc chữa. Điện thoại của ông luôn nằm trong vùng kiểm soát của vợ. Hễ thấy số máy nào ông D. thường liên lạc, bà vợ gọi ngay để kiểm tra. Nhưng cách kiểm tra của bà khiến người khác cảm thấy khó chịu và xúc phạm bởi bên kia vừa bắt máy, bà đã tuôn một tràng: “Cô là ai, cô gọi cho chồng tôi có việc gì?”. Chưa hết, sau khi cúp máy, bà này còn nhắn tin hăm dọa: “Lần sau cô còn nhắn tin hay điện thoại cho chồng tôi thì đừng có trách!”. Bị ghen oan, nhiều đối tác nữ quay sang trách ông D. Ông D. phân trần: “Bà xã tui hình như bị mắc bệnh ghen… hoang tưởng hay sao đó, tui đi đâu, làm gì… bả cũng kiểm tra sát sao. Khổ nhất là bả ghen qua… điện thoại. Nhiều người nói sao tui không sắm một máy điện thoại riêng để tiện liên hệ công việc, nhưng làm vậy càng đổ dầu vào lửa. Nhiều lúc muối mặt với khách hàng, đối tác, tui chỉ biết xin lỗi họ. Mới đầu, tui còn giải thích cho bả nghe, bây giờ càng ngày càng chán, chẳng buồn nói nữa!”.

Phụ nữ ghen tuông - đó là chuyện thường tình. Nhưng đàn ông mắc bệnh ghen, trong thực tế cũng không hiếm. Đó là trường hợp nhà chị Thu (phường Phước Hải, Nha Trang). Chồng chị Thu làm quản lý ở một công ty nước ngoài, thường xuyên đi công tác; còn chị ở nhà mở shop bán mỹ phẩm. Biết tính chồng hay ghen nên chị Thu rất hạn chế giao lưu, tiếp xúc với bên ngoài. Ngay cả mấy cô bạn thân thỉnh thoảng rủ đi uống cà phê tán dóc, chị cũng từ chối. Vậy mà, mỗi khi đi công tác về, việc đầu tiên chồng chị làm là kiểm tra máy điện thoại của vợ. Có lần, anh đọc được tin nhắn của một người bạn gái rủ đi họp lớp, không để cho vợ giải thích, anh đã làm ầm lên: “Cô giỏi lắm, chờ chồng đi vắng thì tụ tập với bạn bè. Họp lớp cái gì, cô đi gặp thằng người yêu cũ phải không?”. Chị Thu cho biết, chị thay điện thoại cầm tay liên tục vì mỗi lần chồng… lên cơn ghen, anh lại đập điện thoại không thương tiếc. “Tôi biết anh ấy yêu tôi nên mới ghen, nhưng nhiều khi ảnh cứ ghen tuông vô cớ khiến tôi mệt mỏi. Tôi thường nói với chồng, lẽ ra em mới là người phải ghen vì anh thường xuyên đi xa, đằng này em suốt ngày ở nhà, không chơi bời, giao lưu với ai lại bị anh… ghen ngược. Nhiều lần anh ấy hứa sẽ không xử sự như thế nữa nhưng rồi vẫn chứng nào tật nấy…”.

. Trị bệnh “ghen”

Yêu thì không thể nào không ghen. Tuy nhiên ghen quá mức độ sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường. Nhiều trường hợp đưa nhau ra Tòa để “đường ai nấy đi” chỉ vì “anh ấy (hoặc cô ấy) quá ghen”. Trường hợp anh M., sau một thời gian “nghiên cứu”, anh đã tìm cách làm cho vợ… bớt ghen. Biết tính vợ hay tò mò về cái “a-lô”, đi làm về anh đưa điện thoại cho vợ, nhờ cô ấy cài đặt nhắc việc cho ngày hôm sau. Đó là cách gián tiếp để vợ anh biết công việc của chồng phải làm những gì, tiếp xúc với ai… Những hôm công ty tổ chức liên hoan, tiệc tùng, thỉnh thoảng anh đưa vợ theo cùng để cô ấy thấy anh không hề có “bóng hồng” nào ở công ty như cô ấy vẫn tưởng tượng. Cuối tuần, thay vì lai rai với bạn ở quán nhậu, anh mời họ về nhà. Những câu chuyện không đầu không cuối của những đấng mày râu trong lúc “rượu vào lời ra” cũng là dịp để vợ anh kiểm chứng chồng mình không có máu “lăng quăng” như mình tưởng. Dần dần, vợ anh cũng hiểu và tin tưởng chồng hơn, ít can thiệp vào “khoảng trời riêng” của chồng hơn.

Theo các chuyên gia tâm lý, ghen tuông quá mức còn được xem là một triệu chứng bệnh lý cần phải điều trị. Nhiều người mắc bệnh ghen hoang tưởng đã chuyển sang bị chứng tâm thần phân liệt. Đó là trường hợp của chị P. (đường Lê Hồng Phong, Nha Trang). Chồng chị là chủ một khách sạn lớn, giao thiệp rộng và cũng rất đào hoa. Chính cái máu “trăng hoa” của chồng mà chị P. ăn không ngon, ngủ không yên, lúc nào cũng âu sầu, buồn rầu. Chị P. ghen nhưng không làm ầm lên như nhiều phụ nữ khác. Biết chồng có cô này, cô kia, chị âm thầm chịu đựng nhưng vì không giải tỏa được nên lúc nào chị cũng căng thẳng và thường xuyên bị stress. Vốn là người ít nói, chị P. càng ngày càng thu mình trong vỏ ốc, không muốn nói chuyện với ai, người lúc nào cũng lơ mơ vì mất ngủ. Cho đến một ngày, chồng chị nhận thấy vợ mình có dầu hiệu bị trầm cảm, anh đưa vợ đi khám thì đã quá muộn. Bác sĩ cho biết, chị bị tâm thần phân liệt, cần phải điều trị trong một thời gian dài. Những bệnh nhân như thế này, nếu không vượt qua được những cú sốc về tinh thần thì sẽ bị tái đi tái lại, rất nguy hiểm. Vì vậy, theo các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, những người có triệu chứng ghen hoang tưởng cần phải được điều trị kịp thời. Hầu hết những bệnh nhân ghen tuông hoang tưởng này đều không thừa nhận rằng đây là bệnh và không bao giờ chịu đi chữa bệnh, không tự giác uống thuốc. Nếu muốn chữa cho bệnh nhân thường phải cưỡng chế trong giai đoạn đầu cho đến khi bệnh nhân ý thức được tình trạng bệnh lý của mình.

Bà S. - một cán bộ hưu trí kể, bà cũng từng bị trầm cảm vì ghen. Sau khi được khám và chữa trị, bà đã tìm cách cân bằng cuộc sống để tinh thần thoải mái hơn. Bà S. chia sẻ: “Tôi đã rất đau khổ khi phát hiện chồng mình ngoại tình. Kể từ đó, đầu óc tôi lúc nào cũng bấn loạn với ý nghĩ mình bị phản bội. Tôi cứ trượt dài theo những cuộc theo dõi chồng, bắt ghen chồng… và dần dần rơi vào chứng bệnh trầm cảm. Khi được chữa khỏi, tôi đã tự nhủ cần phải biết quý trọng cuộc sống của mình. Tôi thấy ghen tuông chỉ mang lại cho mình cảm giác mệt mỏi, không giải quyết được vấn đề gì; thà đừng biết còn hơn biết để rồi tự mình đau khổ, buồn bã. Ông ấy có cuộc sống của ông ấy và tôi cũng có cuộc sống của tôi. Đàn ông thường thích những điều mới lạ nhưng nếu có một mái ấm gia đình hạnh phúc và bền vững, họ không dám đánh đổi điều đó…”.

Lời khuyên của bà S. xem ra cũng rất cần thiết cho những phụ nữ có bệnh “ghen”.

HẢI NGUYỆT