11:04, 04/04/2011

Vợ chồng và…“bão” giá

Thay vì cùng nhau đi ăn sáng như mọi ngày, vợ chồng chị Chi (phường Lộc Thọ, Nha Trang) quyết định ăn ở nhà cho khỏi tốn kém.

Thay vì cùng nhau đi ăn sáng như mọi ngày, vợ chồng chị Chi (phường Lộc Thọ, Nha Trang) quyết định ăn ở nhà cho khỏi tốn kém. “Ra quán thứ gì cũng đắt, ăn hai tô phở mất toi 50.000 đồng, vị chi cả tháng tốn hơn 1 triệu, tiếc đứt ruột. Ăn sáng ở nhà, tuy phải dậy sớm một chút để vào bếp nhưng vừa no bụng vừa không tốn hầu bao, đó cũng là cách tiết kiệm thời “bão” giá” - chị  Chi tính toán. Xem ra, “bão” giá đã ảnh hưởng không ít đến các gia đình…


Lục đục vì… 
“bão” giá

Mấy hôm nay, nhà chị Hồng ở xóm trọ khu Bình Tân có “chiến tranh lạnh”. Chuyện là, chị Hồng quyết định cắt giảm ngân sách gia đình bằng cách giảm bớt chi tiêu một số khoản, ngay cả tiền chợ hàng ngày cũng phải tính toán sao cho hợp lý. Trong khi vợ đang thực hiện kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” thì chồng lại cao hứng rủ bạn đi nhậu một chầu hết gần nửa tháng lương. Chị Hồng biết chuyện, càu nhàu mãi. Anh chồng nghe chán, bực bội, xô bát đá mâm. Thế là xảy ra “chiến sự”. “Cả hai vợ chồng đều làm công nhân, lương thì thấp, giá cả lại tăng. Chưa kể tiền nhà trọ, tiền điện nước, chỉ riêng tiền ăn mỗi tháng cũng “bay” đứt hơn triệu bạc. Mình thì điên đầu lên vì phải tính toán, trong khi ông ấy lại vô tư, tiền vào túi là hết vèo. Bảo thế sao không bực?” - chị Hồng phân trần. Còn anh Hùng - chồng chị thì lại cho rằng, mấy tháng nay biết vợ khổ sở vì bài toán chi tiêu của gia đình, anh cũng tằn tiện, cắt bớt những thứ “sở trường”: hút thuốc và khoản lai rai mỗi chiều. Nhưng hôm đó có anh bạn “nối khố” từ quê ra chơi, không lẽ lâu ngày gặp lại mà chẳng có gì nhâm nhi, thế là anh mời bạn ra quán làm vài chai. Chuyện chỉ có thế mà về nhà vợ làm ầm ĩ cả lên, nói nặng nói nhẹ, tức quá anh “gây sự” lại và kết quả là, hai tuần nay vợ chồng chẳng ai nói với ai câu nào…

Vừa đến cơ quan, chị Xuân (phường Vĩnh Hải) đã mệt mỏi than thở với chị em trong phòng: “Sáng vừa cãi nhau với chồng, tức không thể tả. Tháng này, ông ấy đưa cho mình có 2 triệu đồng. Giá cả thì tăng chóng mặt, đi chợ một ngày mất gần 100.000 đồng, chưa kể tháng này hai đứa con bị ốm cùng lúc, tiền thuốc thang tốn gần triệu bạc. Sáng nay, mình vừa hỏi còn tiền không đưa vợ một ít, lão ấy cáu gắt ầm ĩ: “Xài gì mà phí thế, vừa đưa tiền đầu tháng, giờ mới đến giữa tháng đã hết tiền là cớ làm sao?”. Đúng là… đàn ông, chỉ biết đưa tiền chứ chẳng biết đủ thiếu thế nào, để mặc vợ xoay xở, đến khi hết tiền thì lại trách móc vợ không biết quản lý chi tiêu, không biết tiết kiệm!”. Đề tài của chị Xuân được chị em hưởng ứng rất… nhiệt tình. Hầu như nhà ai cũng có chuyện để kể về thời “bão” giá. Có chị trước kia còn cổ vũ cho chồng đi đánh tennis cho khỏe người, cho “bằng anh bằng em”; nay quyết định “cắt cái rụp” khoản này, bảo chồng chuyển sang… đi bộ mỗi tối cho đỡ tốn kém. Có chị thì giữ luôn thẻ ATM của chồng cho chắc, để sau giờ tan sở, chồng khỏi đi nhậu nhẹt… Nhưng hầu như chị nào cũng công nhận, từ ngày có “bão” giá, vợ chồng thường xảy ra xích mích hơn. Các ông chồng ngán ngẩm với cảnh cứ vào bữa cơm là vợ than thở chuyện giá cả leo thang, còn các bà vợ thì cứ ca cẩm chuyện chồng chẳng biết chia sẻ, cứ “quẳng gánh lo”… cho vợ; thậm chí còn so sánh chồng mình với… ông hàng xóm làm được nhiều tiền hơn, lo cho vợ con đầy đủ hơn nên vợ người ta lúc nào cũng tươi hơn hớn, chả phải đầu bù tóc rối tính tính toán toán như vợ mình… Chỉ có thế mà xảy ra lục đục, thậm chí là đủ kiểu chiến tranh nóng, lạnh!

Bài toán chung cho vợ chồng

Thời buổi đắt đỏ, vợ chồng phải cùng “thắt lưng buộc bụng” mới hiệu quả. Những khó khăn như thế cũng là thử thách để vợ chồng cùng nhau vượt qua. Anh Sơn (xã Vĩnh Ngọc, Nha Trang) kể: “Mình không đi chợ hàng ngày nhưng cũng biết giá cả mỗi ngày một đắt đỏ, tuy vợ mình rất tâm lý, không bao giờ nói chuyện giá cả trong bữa cơm nhưng mình vẫn tự nguyện giao hết “ngân khố” cho cô ấy quản lý. Làm như thế, vợ sẽ chủ động trong tính toán chi tiêu, mặt khác mình cũng sẽ tiết kiệm được nhiều khoản chi không cần thiết. Khi cần mua gì, mình bảo vợ đưa một ít, thế là đủ”. Nhưng cách này nhiều khi cũng khiến anh Sơn lâm vào những tình huống dở khóc dở cười. Đó là khi anh đi ăn sáng, gặp người quen ngồi cùng bàn. Ngồi ăn mà anh cứ bị mất tập trung, phân vân không biết nên “ai ăn người nấy trả” hay là giả bộ ăn chậm hơn để người kia đi trước, bởi trong túi anh chỉ có đủ tiền để trả phần ăn sáng của mình. May là hôm ấy, bạn anh giành trả tiền, nếu không thì chỉ có nước… chui xuống đất cho đỡ quê! Bận khác, một cô bạn đồng nghiệp có việc gấp nên mượn anh 200.000 đồng. Anh hào phóng móc bóp ra nhưng rồi lại cất ngay vào vì trong bóp chỉ còn đúng 100.000 đồng. Anh mượn cớ đi rút tiền ở máy ATM nhưng cô bạn đồng nghiệp nói để mượn người khác vì việc gấp, không thể chờ được! Sau những sự cố bất ngờ ấy, anh bảo với vợ cứ giữ thẻ ATM để quản lý “đầu vào” nhưng nên cho anh giữ một khoản nho nhỏ để “phòng thân”. Vợ anh cũng đồng ý với phương án này. Thế là anh Sơn vừa được tiếng là người biết lo lắng, chia sẻ với vợ vừa được phép có khoản xài riêng theo “nghị quyết” chung của hai vợ chồng.

“Bão” giá đang quét qua nhiều gia đình. Nếu không “đồng vợ đồng chồng” trong lúc này, chắc chắn gia đình sẽ có nhiều “cơn bão” khác. Thay vì cáu gắt, trách móc, bực bội, vợ chồng nên ngồi lại với nhau để cùng bàn bạc, thống nhất cắt giảm khoản nào, chi tiêu ra sao cho hợp lý. Được như vậy, không khí gia đình sẽ vui vẻ, đầm ấm hơn. Chị Phương Thy - trình dược viên kể: “Ông xã mình là người khá hài hước. Có hôm đang ăn trưa, mình đang tính kể lể cá, thịt dạo này tăng giá chóng mặt thì ổng vừa ăn vừa ngân nga đọc thơ “nhái”: “Sao em không về xem bão giá/Từ mấy ngày qua chới với luôn/Tiền lương vừa lãnh cầm đi chợ/Bão giá vây quanh mặt xanh rờn…”. Rồi thấy giá xăng tăng, ông xã nhắn tin bảo ngày mai sẽ cõng vợ đi làm. Giá điện tăng thì cả nhà cùng làm “Giờ Trái đất” cuối tuần để có thời gian ngắm phố phường, “tám” chuyện thiên hạ, chứ ăn cơm xong ai cũng “ôm” ti vi, chẳng ai nói chuyện với ai, chán òm!”. Nhờ vậy mà vợ chồng chị vẫn bình thản trước “bão” giá, dù bữa cơm gia đình có phần đạm bạc hơn trước.

Có bà vợ lại áp dụng “chiêu”… “luân chuyển cán bộ”, giao cho chồng làm tay hòm chìa khóa, đi chợ để thấu hiểu nỗi khổ của vợ khi chưa đi hết chợ đã… tiêu hết tiền! Chị Lan (chung cư Lê Hồng Phong, Nha Trang) kể: “Có lần ăn cơm, ông xã nhăn nhó, chê cơm không có gì ăn. Ngày hôm sau tui giả bộ ốm cả tuần, đưa tiền nhờ ổng đi chợ. Không biết ra chợ xoay xở ra sao mà về nhà… thỏ thẻ: “Em nhanh hết bệnh để đi chợ nhé, anh ăn gì cũng được”!”. Quả là có đi chợ mới biết phụ nữ khổ như thế nào khi tiền thì có hạn mà giá thì… vô hạn!

“Bão” giá ảnh hưởng chung nên mỗi gia đình phải biết cách sống chung với nó. Điều quan trọng là, dù có bão hay không thì vợ hay chồng cũng cần biết tiết kiệm, chi tiêu hợp lý, không “vung tay quá trán” để khi có khó khăn thì cùng nhau vượt qua một cách dễ dàng.

HẢI NGUYỆT