07:04, 15/04/2011

Tình yêu sinh viên thời “thắt lưng buộc bụng”

Đang trong giai đoạn “cưa cẩm”â cô bạn gái cùng lớp, Huy - sinh viên (SV) Trường Đại học Nha Trang tìm mọi cách để tiếp cận, khi thì rủ cô ấy đi ăn kem, uống cà phê; lúc lại xem phim hay đi dã ngoại.

Đang trong giai đoạn “cưa cẩm”â cô bạn gái cùng lớp, Huy - sinh viên (SV) Trường Đại học Nha Trang tìm mọi cách để tiếp cận, khi thì rủ cô ấy đi ăn kem, uống cà phê; lúc lại xem phim hay đi dã ngoại. Những khoản phát sinh này thường được SV gọi là “tình phí”. Tuy có thêm thu nhập từ việc nhận chạy bàn cho một quán cà phê nhưng nhiều lúc Huy cũng không tránh khỏi tình trạng “cháy túi” vì phải chi cho “tình phí” khá nhiều…

Thời “bão” giá, SV là đối tượng phải “thắt lưng buộc bụng” nhiều nhất. Tiền nhà trọ, điện, nước, chi phí học tập… là nỗi lo thường trực, có thêm khoản “tình phí” thì càng phải tính toán kỹ hơn. Huy kể: “Để tiết kiệm, mình rủ cô ấy đi dạo biển buổi tối. Không lẽ cứ nói chuyện… chay, mình mua bắp nướng để có cái gọi là “đầu câu chuyện”. Tiết kiệm đến thế mà cũng mất 10.000 đồng rồi. Được cái bạn gái mình cũng rất hiểu ý nên không đòi hỏi gì. Có lần mình rủ cô ấy xuống phố, cô ấy bảo lấy xe đạp đi cho khỏi tốn xăng. Tuy mệt bở hơi tai nhưng bù lại là mình có thời gian ở bên cô ấy lâu hơn, lại tiết kiệm được tiền xăng, đỡ tốn!”. Nhiều bạn trai cùng ký túc xá cũng bắt đầu tiết kiệm hơn. Thay vì ăn cơm bụi, họ hùn lại nấu cơm ăn chung. “Ăn như thế vừa no vừa rẻ, dư được một khoản cũng đủ để đãi bạn gái một chầu chè hay cà phê” - Hưng, SV năm cuối Khoa Kinh tế hài hước. Dịp 8-3 hay Valentine vừa qua, có không ít đấng mày râu đã tự tay “thiết kế” quà để tặng bạn gái, đó có thể là một bó hoa hồng… giấy đỏ rực hay đơn giản là một khung ảnh có lồng hình “hai chúng ta”. Các bạn gái cũng rất thông cảm với “đối tượng” vì cùng hoàn cảnh “thắt lưng buộc bụng”. Minh Ý - SV năm thứ hai Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang kể: “Vừa rồi là sinh nhật của “chàng”. Đang trong giai đoạn khó khăn nên mình và anh ấy quyết định chỉ mua một cái bánh kem nhỏ, đem ra biển ngồi… lai rai. Năm trước, anh ấy còn tổ chức nhậu với cánh mày râu cùng phòng, giờ thì cắt luôn khoản ấy, chỉ đãi các bạn một nồi chè, vậy mà ai cũng vui”. Riêng cô thì cũng tự tay làm một tấm thiệp tặng người yêu. Món quà đơn giản nhưng… cả hai cùng thích!

Có đôi - vì muốn cải thiện đời sống nên cùng rủ nhau đi làm thêm. Chẳng hạn như dịp 8-3 vừa rồi, có rất nhiều bạn SV hùn vốn mua hoa để bán. “Chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì được làm cùng nhau, cùng chia sẻ, cùng lo lắng cho nhau và quan trọng là sau đó, kiếm thêm được một ít để cùng trang trải khoản học thêm và các chi phí khác” - Tuấn, SV năm hai Trường Đại học Nha Trang cho biết. Đa số các bạn SV đều kiếm việc làm thêm ngoài giờ học để có thêm thu nhập. Có bạn sáng đi học, chiều đi làm phục vụ nhà hàng, có bạn làm gia sư, thậm chí làm cả người giúp việc. Có thêm thu nhập không có nghĩa là được quyền phung phí. Minh Ý cho biết, cô và bạn trai trước đây thường đi ăn sáng với nhau (dù chỉ là quán cóc bình dân), nhưng từ ngày có “bão” giá, Ý chủ động cắt khoản này. Cô bàn với người yêu mua mỳ tôm hoặc nấu cơm nhiều một chút vào chiều hôm trước để hôm sau ăn cơm nguội, vừa no vừa không tốn tiền. Cũng từ ngày có “bão” giá, rất nhiều cặp đang yêu nhau chọn biển là nơi hò hẹn, tâm sự; thay vì phải vào quán cà phê nào đó…

Hình như “bão” giá làm cho người ta gần nhau hơn, thông cảm và dễ chia sẻ với nhau hơn. Tình yêu SV thời “thắt lưng buộc bụng” cũng trở nên dễ thương hơn với cách thể hiện, quan tâm đúng nghĩa… SV. Như Bảo - SV năm cuối Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch tâm sự: “Trong khó khăn mới thấy hết tình cảm dành cho nhau. Từ ngày có “bão” giá, tôi và bạn gái biết cách tính toán, tiết kiệm hơn. Đó cũng là một đức tính cần thiết cho cuộc sống tương lai…”.

NHẬT MINH