Ngày Thúy và Hưng đến với nhau, ai cũng mừng và chúc phúc cho cặp uyên ương “trai tài gái sắc” này.
Ngày Thúy và Hưng đến với nhau, ai cũng mừng và chúc phúc cho cặp uyên ương “trai tài gái sắc” này. Bẵng đi một thời gian, gặp lại Thúy, hỏi chuyện gia đình, cô ngân ngấn nước mắt. Thúy tâm sự, thời gian đầu, vợ chồng cô sống rất hạnh phúc. Nhưng bây giờ, mọi thứ có vẻ nhạt hẳn đi, nhất là khi sau mấy năm chung sống, họ vẫn là vợ chồng son, dù đã tìm hết cách để mong có một mụn con cho vui cửa vui nhà…
Có lần đến Trung tâm Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tỉnh, chúng tôi chứng kiến hai cảnh tượng trái ngược nhau: phòng bên này, nhiều bà mẹ trẻ nôn nóng chờ đến lượt “giải quyết”, dứt bỏ giọt máu của mình; phòng bên kia, nhiều đôi vợ chồng trẻ ưu tư chờ khám để xác định nguyên nhân hiếm muộn, vô sinh. Trường hợp hiếm muộn như vợ chồng Thúy kể trên khá phổ biến. Ngồi chờ đến lượt mình vào khám, anh T. (phường Ngọc Hiệp, Nha Trang) trải lòng: “Vợ chồng tôi lấy nhau đã gần 3 năm. Cưới xong, chúng tôi muốn có con ngay nên không áp dụng biện pháp kế hoạch. Vậy mà đợi mãi vẫn không có kết quả. Sau gần 2 năm, cô ấy đi khám. Bác sĩ nói không có vấn đề gì. Nghe vợ nói, tôi thật sự hoang mang. Cô ấy thuyết phục mãi, đến bây giờ tôi mới quyết định đi khám để may ra còn có cơ hội…”. Anh T. cho biết, người bị áp lực nhiều nhất trong chuyện này là vợ anh. Thấy hai vợ chồng lấy nhau đã lâu mà chưa có con, bố mẹ anh T. lúc nào cũng giục. giục hoài không thấy, các cụ quay ra nghi ngờ cô con dâu bị “điếc”, “không biết đẻ”. Rồi thì họ hàng, hàng xóm xầm xì, đàm tiếu. Vợ anh có một thời gian bị stress nặng. Đến khi cô ấy đi khám, mọi người mới hiểu và thông cảm. “Giờ thì tôi chỉ mong bệnh của tôi không quá khó chữa để sớm mang lại niềm vui có con cho cô ấy…” - anh T. tâm sự.
Nhưng không phải ai cũng có “tinh thần phối hợp” như anh T. Chẳng hạn như chồng của Thúy. Tuy biết vợ mình không có lỗi trong chuyện này nhưng Hưng nhất định không chịu đến gặp bác sĩ, nhất là từ sau lần khám đầu tiên, anh nhận được kết quả “yếu sinh lý”. Anh nói rằng mình cao to, khỏe đẹp, “thực hiện nghĩa vụ” đều đều thì chẳng có lý do gì để mà “yếu sinh lý”. Cho rằng bác sĩ hoặc là có sự nhầm lẫn hoặc là kém chuyên môn nên từ đó trở đi, anh từ chối mọi phương thức điều trị của bác sĩ. Vợ chồng họ mỗi lần nói đến chuyện này lại mâu thuẫn, to tiếng với nhau. “Tôi nói với Thúy nếu không có con thì mình đi xin con nuôi, tôi không quan trọng chuyện đó thì thôi, cớ gì cô ấy lại bị áp lực đến vậy?” - Hưng phân trần. Trong khi đó, Thúy lại có nỗi khổ tâm khác. “Ai cũng khao khát có được một đứa con, anh ấy chỉ vì sĩ diện mà tước đi cơ hội của chính mình. Tôi giấu bố mẹ chồng về chuyện anh ấy có vấn đề nên các cụ lúc nào cũng nghĩ lỗi là ở tôi… Tuy chưa bao giờ chì chiết, nặng nhẹ với tôi nhưng mỗi lần gặp, các cụ lại thở dài thở ngắn khiến tôi cảm thấy rất buồn…” - Thủy tâm sự.
Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có khoảng 15% các cặp vợ chồng trong tuổi sinh đẻ “có vấn đề” về đường con cái. Ước tính, cả thế giới có gần 80 triệu cặp vợ chồng gặp phải tình trạng vô sinh, hiếm muộn. Riêng tại Việt Nam, tổ chức này ước tính hiện có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng trong tuổi sinh sản gặp khó khăn khi muốn có con. Nguyên nhân của tình trạng vô sinh ngày càng gia tăng ở Việt Nam phần nhiều do ô nhiễm môi trường, chất độc hại trong thức ăn, lối sống không lành mạnh như quan hệ tình dục bừa bãi, lạm dụng các chất kích thích, kết hôn quá muộn. Tuy có rất nhiều nguyên nhân gây vô sinh, song tỷ lệ xuất hiện đều ở nam và nữ. Theo thống kê của các nhà chuyên môn, tần suất vô sinh khoảng 10-15%, trong đó nguyên nhân do vợ chiếm 40%, do chồng 40%, cả hai vợ chồng 10% và không rõ nguyên nhân chiếm 10%. Nhưng có một nghịch lý là, khi rơi vào tình huống vô sinh, hiếm muộn, phụ nữ là người bị thành kiến nhiều nhất. Các bác sĩ ở Trung tâm Bảo vệ sức khỏe sinh sản bà mẹ và trẻ em tỉnh cho biết, các cặp vợ chồng có vấn đề ít đi khám cùng nhau mà thường là vợ đi trước, nếu vợ “không có gì trục trặc” thì các ông chồng khi ấy mới chịu ghé thăm bác sĩ! Trong khi đó, nếu chỉ xác định là hiếm muộn thì các cặp vợ chồng vẫn có nhiều cơ hội để trở thành cha mẹ, nếu được thăm khám và chẩn đoán sớm. Do đó, để nỗi buồn này không bị kéo dài, các cặp vợ chồng cần có sự thông cảm, chia sẻ và phối hợp tốt trong việc điều trị.
Được trở thành cha, mẹ là điều mà ai cũng mong muốn. Nhưng với những người không may mắn có được thiên chức này, đó là nỗi buồn, là sự bất hạnh. Tuy nhiên, ngày nay với sự tiến bộ của y học, căn bệnh này có thể chữa được. Do đó, điều quan trọng nhất là các cặp vợ chồng khi lâm vào trường hợp hiếm muộn hay vô sinh cần phải có sự cảm thông, đồng thuận và kiên trì trong việc chữa trị, không nên tạo áp lực tâm lý, nhất là cho phụ nữ.
TUỆ VĂN