02:03, 03/03/2011

Đẹp thì có đẹp, nhưng…

Tôi có cô bạn rất chịu khó trong việc làm đẹp cho “góc con người”. Cứ vài ba tuần gặp lại đã thấy cô ấy thay kiểu tóc xoành xoạch, mắt thì lúc nào cũng long lanh với cặp mi dày, dài, cong vút. Cô bạn cho biết, nối tóc và nối mi đều rất tốn thời gian và công chăm sóc.

Tôi có cô bạn rất chịu khó trong việc làm đẹp cho “góc con người”. Cứ vài ba tuần gặp lại đã thấy cô ấy thay kiểu tóc xoành xoạch, mắt thì lúc nào cũng long lanh với cặp mi dày, dài, cong vút. Cô bạn cho biết, nối tóc và nối mi đều rất tốn thời gian và công chăm sóc. Nhưng với phụ nữ, đã làm đẹp thì phải chịu khó. Tuy nhiên, cô cũng thừa nhận rằng đôi khi những thứ này cũng rất… khó chịu!

° Đẹp thì có đẹp…

Hiện nay ở Nha Trang, hầu hết các tiệm làm tóc đều có dịch vụ nối tóc, nối mi. Nối tóc thì cầu kỳ hơn, giá cũng cao hơn. Nếu như vài ba năm trở về trước, giá của một bộ tóc nối có khi lên đến 6 - 7 triệu đồng thì bây giờ đã hạ xuống, chỉ khoảng từ 1,2 - 4 triệu đồng. Một chủ tiệm tóc trên đường Hoàng Hoa Thám cho biết, những người có nhu cầu nối tóc thường có tóc ít, tóc ngắn hoặc muốn thay đổi kiểu tóc cho đẹp. Có cô đang để kiểu đầu tomboy hôm trước, hôm sau đã thấy tóc dài thướt tha, mượt mà; có người hôm trước còn đang tóc thẳng, hôm sau đã thấy khác lạ với mái tóc uốn bồng bềnh, hai, ba line… Có 3 kiểu nối: nối keo, nối kẹp và nối tết. Nối kẹp là hình thức dùng kẹp sắt, hoặc chì, cho lọn tóc thật và tóc nối vào, dùng kìm kẹp thật chặt, một số nơi còn tra thêm keo cho chắc. Kiểu này chắc chắn nhưng lại làm cho “khổ chủ” cảm thấy đau đầu, mặt khác còn nhanh làm cho tóc thật và tóc nối… rụng, vì vậy ít ai khoái nối tóc kiểu này. Nối keo là dùng keo (sáp) để gắn lọn tóc giả vào tóc thật. Thường một kiểu đầu hoàn chỉnh có khoảng 200 - 300 mối nối. Tất cả đều được làm bằng tay nên rất lâu, mất khoảng 3 - 4 tiếng đồng hồ. Kiểu này đẹp và tiện, nhìn vào không ai biết là nối tóc nhưng cứ sau 1 tháng là phải đến tiệm để tra keo vào, không thì “tóc giả đi, tóc thật ở lại”. Cách nối theo kiểu tết tóc hiện nay đang thông dụng. Thợ làm tóc sẽ tỉ mẩn ngồi tết từng lọn tóc giả vào tóc thật, sau đó tra keo để chúng kết dính với nhau. Kiểu này bền, xài được khoảng 3 tháng. Sau đó, bạn phải đến tiệm cho thợ tháo ra thay bộ mới. Thời gian tháo tóc mất khoảng 4 - 5 tiếng đồng hồ, cũng phải “chịu cực hình” như lúc tết tóc. Nhưng bù lại là bạn có một mái tóc ưng ý, đẹp như thật!

Nối tóc - đẹp nhưng mất thời gian và tốn công chăm sóc. 

Tương tự, nối mi cũng rất tốn thời gian. Đây là cách dùng keo gắn sợi mi giả vào sợi mi thật. Thợ nối sẽ chăm chút gắn từng sợi, trong khi người muốn nối sẽ phải nhắm mắt trong vài tiếng đồng hồ chờ keo khô. Nếu biết cách nối, mắt sẽ chỉ thấy cộm và hơi ngứa, còn nếu nối không chuẩn sẽ khiến khách hàng bị dính keo vào mắt, gây đau mắt. Thông thường, bộ mi giả này sẽ tồn tại trong 2 - 3 tháng. Nhiều tiệm quả quyết là sẽ không rụng mi nhưng thật ra sau một thời gian, lông mi giả cứ rơi rụng dần, kéo theo cả… lông mi thật! Tuy vậy, không thể phủ nhận cách làm đẹp này mang đến cho chị em phụ nữ một đôi mắt đẹp với hàng mi vừa dày vừa dài, nhìn rất tự nhiên.

° Lợi bất cập hại

Chị T. - chủ một cửa hàng trang trí nội thất trên đường Lý Thánh Tôn (Nha Trang) là người thường xuyên nối tóc. Do tóc chị ít, thưa, để ngắn nhìn tóc rất mỏng, để dài lại không đẹp nên chị rất chịu khó làm đẹp cho tóc bằng cách đi nối. Chị thường vào TP. Hồ Chí Minh để tìm mua những lọn tóc đẹp, từ xoăn - thẳng, đen - màu… rồi mang về Nha Trang “chọn mặt gửi vàng” để nối tóc. Những bộ tóc chị mua có giá từ 2 - 4 triệu đồng, tiền công nối khoảng trên dưới 1 triệu đồng, tổng cộng “góc con người” của chị có giá không dưới 5 triệu đồng. Cứ 3 tháng một lần, chị lại thay một bộ tóc mới. Khi nào không thích, chị lại tháo ra, “xài” tóc thật. Chị T. cho biết: “Nối tóc rất mất thời gian, mới đầu nối tôi cũng thấy khó chịu, có cảm giác như ai đang xiết từng lọn tóc trên đầu mình. Dần dần cũng thấy quen, có điều không bao giờ tự gội đầu được, phải ra tiệm. Chưa kể, nếu chăm không đúng, tóc thật cũng bị rụng khá nhiều”. Trong khi đó, Quyên - nữ sinh Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang lại rất kết các kiểu tóc thẳng, nhuộm màu thời trang. Tuy nhiên, vì là sinh viên nên cô không có điều kiện để đổi tóc thường xuyên. Có một lần, Quyên đến tiệm yêu cầu nối một bộ tóc thẳng màu đen. Sau khi “nghiến răng” chịu khổ, chịu đau, Quyên cũng có một bộ tóc ưng ý. Có điều, sau đó không lâu, cô bỗng dưng phát hiện mình có… tóc bạc, mà lại là từ tóc giả. Quyên tự tìm hiểu và được biết, nhiều tiệm tận thu mua tóc giả không chất lượng, có thể tóc cô là của một bà cụ nào đó, còn sống hay đã chết thì không rõ! Tóc bạc được người ta ngâm hóa chất cho đen, đến một lúc nào đó thì hết màu và “lộ nguyên hình”! Nghĩ đến bộ tóc giả của mình có thể là của một người đã chết, Quyên sởn gai ốc và từ đó quyết định không chơi “món” này nữa! Cô thường nói với bạn bè: “Nối tóc thì đẹp thật nhưng nguồn gốc tóc giả ở đâu mình không biết, chẳng may đó là tóc của những người chết, những người bị bệnh gì đó thì sao? Tốt hơn hết là nên xài đồ thật cho an tâm”. Một số chủ tiệm tư vấn, nếu muốn tóc nối bền và đẹp thì thỉnh thoảng nên đi hấp dầu. Nhưng nói vậy là không đúng, bởi tóc giả không còn gốc thì làm sao mà dưỡng với giữ?

Không chỉ thế, nhiều người còn than đã dùng tóc nối thì khó mà cột hoặc kẹp, vì nếu làm thế sẽ lộ hết các mối nối. Chưa kể, thường xuyên đi gội đầu ở tiệm cũng tốn khá nhiều chi phí. Nhưng đã lỡ theo thì phải theo cho cùng. Vì vậy, không ít người sau một lần nối tóc là ngưng luôn, một là quá tốn tiền, hai là ít nhiều gây hại cho tóc thật.

Việc nối mi cũng lợi bất cập hại như thế. Đẹp thì có đẹp nhưng với nhiều chị em, sau một thời gian nối mi đã thừa nhận lông mi thật bị rụng khá nhiều. Có người còn phải đến bác sĩ điều trị vì bị mất lớp mi bảo vệ mắt. Đó là chưa nói đến việc chăm sóc, bảo vệ mi nối cũng rất nhiêu khê. Cứ để nước thấm vào mi nối là “cái hàng rào” này tự nhiên xộc xệch, lem nhem, trông rất mất thẩm mỹ.

Nối tóc, nối mi là cách làm đẹp được nhiều người chọn vì nó góp phần giúp cho một “góc con người” đẹp hơn. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó. Vì vậy, chị em cũng nên cân nhắc, cẩn thận khi quyết định đi nối tóc, nối mi, nên chọn tiệm có uy tín để tránh “tiền mất tật mang”.

TUỆ VĂN