Những năm gần đây, trong xã hội xuất hiện tình trạng ly hôn giả để kết hôn giả với người đang định cư ở nước ngoài, nhằm nuôi giấc mộng làm giàu ở xứ người. Nhưng có khi chuyện giả ấy lại trở thành chuyện thật khi chính tờ ly hôn giả đã tiếp tay, “bật đèn xanh” cho một số ông chồng đi kiếm… vợ mới.
Những năm gần đây, trong xã hội xuất hiện tình trạng ly hôn giả để kết hôn giả với người đang định cư ở nước ngoài, nhằm nuôi giấc mộng làm giàu ở xứ người. Nhưng có khi chuyện giả ấy lại trở thành chuyện thật khi chính tờ ly hôn giả đã tiếp tay, “bật đèn xanh” cho một số ông chồng đi kiếm… vợ mới.
. Gian nan để được sang xứ người
Thấy chị K. - người bạn cùng xóm lấy chồng Việt kiều, chỉ sau một thời gian ngắn được sang Mỹ định cư, H. thấy “thèm” lắm. Trước đây, cô từng mơ ước được làm vợ của một Việt kiều nhưng không được. Ôm sầu, cô đành yêu và lấy anh chàng không có việc làm, nhưng lại rất bảnh bao. Sống với nhau được hơn 10 năm, việc làm không ổn định nên H. đã nghĩ ra cách giả vờ ly hôn để kết hôn giả với người Việt có quốc tịch nước ngoài. H. bàn với chồng: “Gia đình khó khăn quá, hay là mình ly hôn giả. Em sẽ làm “vợ” của một Việt kiều rồi sang Mỹ định cư. Sang bên đó em “thanh lý hợp đồng”, bảo lãnh cho anh và con qua luôn”. Thấy vợ tâm đắc với kế hoạch đưa ra, anh chồng không hề ngần ngại, gật đầu cái rụp. Thế là cuộc chạy đua vào con đường ly hôn, rồi kết hôn giả bắt đầu. Sau những lần hòa giải không thành, H. và chồng đã được Tòa án cho ly hôn. Tòa tuyên, đứa con giao cho chồng H. nuôi.
Cùng lúc đó, H. nhờ chị bạn đang ở Mỹ kiếm một anh chàng Việt kiều cần tiền để kết hôn giả với mình. Theo đúng kịch bản, “nửa bên kia” của H. đã được tìm thấy. Những lần hồi hộp làm giấy tờ, chờ phỏng vấn, H. thót cả tim. Câu hỏi mà người phỏng vấn đặt ra cho “đôi uyên ương” mới này thật hóc búa, vượt khỏi tiên liệu của người trong cuộc. Chẳng hạn: Chồng chị có sở thích gì? Bạn thân là ai? Vì sao hai người quen nhau? Chồng chị và chị gặp nhau mấy lần trước khi làm lễ cưới? Rồi cả chuyện kín đáo trong phòng the… Được biết, trước khi đi phỏng vấn để lấy visa ra nước ngoài làm vợ, H. đã tham khảo kinh nghiệm của không biết bao nhiêu người từng qua cửa ải này, vậy mà cô vẫn luôn ở trong trạng thái tim đập chân run. Bởi lẽ, nếu thông tin từ phía hôn thê và hôn phu không khớp nhau, họ sẽ từ chối cấp visa, vì cho rằng quan hệ vợ chồng trong trường hợp này là giả. Nhưng, mọi chuyện rồi cũng qua. Sau một thời gian dài “diễn kịch” và chờ đợi, ngày lên đường của H. cũng đến. Chia tay chồng “cũ” và con, H. ngậm ngùi với vui buồn lẫn lộn. Miền đất hứa ở phía trước đã được H. đặt vào đó niềm hy vọng tuyệt đối.
Vì giấc mơ làm giàu nơi xứ người, hạnh phúc của nhiều gia đình đã tan vỡ… |
Tới nơi đất khách quê người, H. cố gắng hòa nhập, bằng cách học thêm các lớp tiếng Anh; giao tiếp thường xuyên với người bản xứ. Tất nhiên, “ông chồng” bảo lãnh cho chị sau khi lấy được tiền (vài chục ngàn USD) không thể sống cùng chị. Tá túc nơi này một thời gian, nơi khác một thời gian, cuộc sống của chị vô cùng vất vả. Những ngày cô đơn nơi xứ lạ đã làm chị già, ốm hơn trước rất nhiều, bởi phần vì nhớ chồng, nhớ con; phần vì cuộc sống có quá nhiều khó khăn. Ngày tháng trôi qua, công việc làm nail (làm móng) ở Mỹ mà chị từng học trước khi đi cũng kiếm đủ tiền nuôi thân và thỉnh thoảng gửi cho gia đình. Ở nhà, ông chồng vất vả với cảnh “gà trống nuôi con”, cố chịu đựng được gần 1 năm cũng đành đầu hàng. Rượu vào, anh ta suốt ngày say xỉn. Những đồng tiền ít ỏi người vợ gửi về chẳng đủ cho chồng nhậu nhẹt. Đứa con trai 5 tuổi không có mẹ, sau khi ba “bó tay”, không chăm nổi đã được đưa về nhà ngoại. Trong lúc hợp đồng kết hôn giả với người chồng ngoại chưa “thanh lý” được thì bên này, chồng chị đã có người mới.
Tuy gia đình hạnh phúc, ấm êm, nhưng không ít cặp vợ chồng đã lâm vào cảnh dở khóc, dở cười, đánh đổi cả tổ ấm của mình nhằm chạy theo khát vọng hão huyền: xuất cảnh ra nước ngoài để cải thiện kinh tế gia đình. Không phải muốn là được, ai ra đi cũng trót lọt. Có người tan giấc mộng ngay từ khi còn ở trong nước; có người từ chỗ ly dị giả thành chia tay thật, bỏ chồng, bỏ con đi theo người mới ở nước ngoài. Nhưng, phổ biến hơn cả vẫn là những trường hợp ông chồng ở nhà có vợ mới. Xét về lý, anh ta không có lỗi, bởi không còn sự ràng buộc pháp lý nào (nếu chưa có con). Tờ giấy ly hôn kia đã vô hình trung trở thành vật chứng, “bật đèn xanh” cho chồng đi … kiếm người khác. Mất tất cả, H. tuyên bố với chồng: “Tôi đi đường tôi, anh đường anh”. Nhưng điều đáng nói vẫn là số phận của đứa trẻ vô tội. Chỉ vì sự nông nổi, vọng ngoại của cha mẹ mà đứa con phải chịu mất mát quá lớn trong cuộc đời.
THANH HOÀI