Thời gian gần đây, báo chí đề cập khá nhiều đến game online với những mặt tiêu cực của nó. Điều này đòi hỏi xã hội phải có những giải pháp nhằm siết chặt quản lý game online. Đối với các game thủ, đấy có thể là một… tin buồn nhưng đối với các bà vợ - những người đã từng đau khổ khi chồng, con trở thành “con nghiện” của game thì đây lại là một tin vui…
Thời gian gần đây, báo chí đề cập khá nhiều đến game online với những mặt tiêu cực của nó. Điều này đòi hỏi xã hội phải có những giải pháp nhằm siết chặt quản lý game online. Đối với các game thủ, đấy có thể là một… tin buồn nhưng đối với các bà vợ - những người đã từng đau khổ khi chồng, con trở thành “con nghiện” của game thì đây lại là một tin vui…
. Mê game hơn… mê vợ!
Tuy đã biết chồng mình mê game từ lúc mới quen nhau nhưng lấy nhau rồi, chị Hoa (chủ tiệm bán đồ khô ở chợ Đầm, Nha Trang) vẫn không thể tưởng tượng chồng mình lại có thể mê game hơn… mê vợ! Trừ tuần trăng mật hai vợ chồng còn quấn quýt bên nhau, còn lại lúc nào cũng thấy chị Hoa thui thủi một mình. Anh K. - chồng chị, hết giờ làm việc lại giam mình trong phòng máy để say sưa với Võ Lâm truyền kỳ, Phong thần, Kiếm thế… Hầu như hôm nào cũng đến tận nửa đêm, anh K. mới đi ngủ. Giận chồng, chị Hoa dùng phương pháp “chiến tranh lạnh”. Anh K. năn nỉ, hứa sẽ giảm bớt thời gian chơi nhưng được vài hôm, mọi chuyện lại… y như cũ. Lần này, chị Hoa chịu hết nổi, từ “lạnh” chuyển sang “nóng”, tổ ấm mới xây cứ lục đục suốt ngày vì… game. Có khi giận chồng quá, chị Hoa bỏ về nhà mẹ đẻ. Anh K. lại sang năn nỉ, làm lành, lại hứa hẹn… “Không lẽ tôi lại đòi ly hôn chỉ vì chồng mê game. Tôi không cấm anh ấy chơi game, chỉ cần chơi có giới hạn để giữ sức khỏe, không thành con nghiện là được. Vậy mà đằng này, anh ấy mê game đến nỗi quên mất mình đã có gia đình, chơi đến nỗi rộc người, quên ăn quên uống…” - chị Hoa tâm sự.
Còn với Trang - một game thủ của Võ Lâm truyền kỳ ở TP. Hồ Chí Minh, tuy quen và yêu chồng mình - cũng là một “bang chủ” trên mạng nhưng sau khi về chung sống với nhà chồng ở Nha Trang đã quyết định từ giã “giang hồ”. Cô cũng ra điều kiện với chồng không được dành thời gian quá nhiều cho game online, vì Trang thừa biết tác hại của thứ “thuốc nghiện” này ghê gớm như thế nào. “Anh ấy hứa và đã làm được trong… 1 tháng, sau đó mọi chuyện trở lại như cũ, giống như hồi còn độc thân. Đi làm về, anh ấy lao ngay vào máy; đêm đến cũng “dính” chặt lấy máy. Tôi cũng đã nhiều lần hờn dỗi, trách móc nhưng không… xi-nhê! Tôi quyết định “lấy độc trị độc” bằng cách… “tái xuất giang hồ”. Thấy vợ mình được nhiều game thủ tán tỉnh, anh ấy nóng mặt. Nhưng muốn vợ bỏ game thì chồng phải làm gương. Vì thế, anh ấy giảm dần tần suất xuất hiện trong game, ăn ngủ điều độ và quan tâm đến vợ nhiều hơn” - Trang cho biết bí quyết “cai nghiện” cho chồng mình.
Tuy nhiên, nhiều bà vợ thú nhận, rất khó “cai” cho chồng, dù đã vận dụng nhiều “chiêu”, kể cả chiêu… “cấm vận”. Chỉ trừ những ông chồng “vô công rồi nghề” mới gắn với game online suốt ngày, còn những trường hợp chỉ chơi game sau giờ làm việc, các bà vợ chỉ nhắc nhở chơi có chừng mực để giữ gìn sức khỏe chứ không dám làm căng, vì “để ổng ở nhà chơi như vậy còn an toàn hơn chơi… ngoài đường, bây giờ nhiều cạm bẫy lắm” - như lời một bà vợ tâm sự khi chọn cách “sống chung với… con nghiện game”!
. Khổ vì cả chồng lẫn con mê game
Đó là trường hợp của không ít các bà vợ khi trong nhà có cả bố lẫn con là “tín đồ” của game online. Chị Trà (đường 23-10, Nha Trang) kể: “Nhà mở tiệm net, mới đầu chỉ có chồng vừa trông tiệm vừa chơi; đến khi thằng con được “phổ cập” tin học thì được bố bày cho chơi, bây giờ nhà tôi có 2 “con nghiện”. Tôi đang tính đóng cửa tiệm net vì thấy lo quá, thấy con cứ lao vào game thế này, có ngày hối hận cũng không kịp…”. Với chồng, chị ngọt nhẹ thế nào cũng không xong vì chồng chị cứ phải trông tiệm suốt ngày, có bỏ cũng không được. Với con, tuy đã giao hẹn với con không biết bao nhiêu lần về việc chỉ được chơi game từ 1-2 giờ đồng hồ nhưng rồi đâu lại vào đấy, vì nhà sẵn máy lại sẵn “đồng môn” nên càng ngày con chị càng mê game, đến nỗi còn vượt mặt bố về cái khoản level trong game.
Mùa Hè, nhiều bà mẹ đau đầu khi quản lý các cậu con trai mê game. Chị Xuân - chủ tiệm kinh doanh vàng bạc ở Nha Trang cho biết, con trai chị năm nay 14 tuổi. Lúc chưa biết game, cháu học giỏi, ngoan hiền, biết giúp mẹ làm việc nhà. Từ lúc “rơi” vào thế giới ảo, cháu như trở thành một người khác: ít nói, ù lỳ, lúc nào cũng thiếu ngủ, thụ động trong giao tiếp. Khi biết con đã “nghiện” game, chị Xuân không lắp máy vi tính trong phòng con nữa. Thế nhưng, chị càng cấm đoán, con chị càng… nổi loạn; thậm chí có lần cháu còn lấy cắp tiền của mẹ để đi chơi game. Hè này, để giúp con cai nghiện game, chị bàn cùng chồng cho con tham gia một khóa sinh hoạt “trại hè quân đội” ở TP. Hồ Chí Minh rồi tham gia lớp cai nghiện game. Chưa biết game thủ nhà chị tiến bộ như thế nào nhưng tuần trước đi đón con về Nha Trang, chị phấn khởi: “Mới có vài tuần mà thấy cháu khỏe hẳn, lanh lợi, chững chạc hơn, không còn thấy xin mẹ tiền chơi game nữa…”.
Game online đang “tràn” vào các gia đình với những ma lực khó cưỡng và để lại nhiều hậu quả khôn lường. Với các bà vợ, thời buổi này không chỉ lo chuyện cơm - áo - gạo - tiền mà còn phải đương đầu với cơn nghiện game của chồng và con. Không ít bà mẹ bất lực nhìn con ngày càng sa đà vào thế giới ảo, tâm tính đổi khác, học hành sút kém. Nói như một bà mẹ từng có con vào tù vì phạm tội cướp giật để lấy tiền chơi game: “Chúng tôi mất rất nhiều công sức để nuôi dạy con, để gìn giữ hạnh phúc gia đình, nhưng bây giờ game online đã lấy đi tất cả, kể cả đứa con ngoan ngoãn ngày nào…”.
Thế mới biết, có chồng, con cùng nghiện game cũng khổ, nhất là khi người vợ, người mẹ bất lực, không tìm được cách “cai nghiện” hiệu quả.
HẢI NGUYỆT