Thành ngữ Việt Nam có câu “Gái có công thì chồng chẳng phụ”, với nghĩa đen: người phụ nữ nào biết chăm lo cho gia đình sẽ được chồng thương yêu, tôn trọng. Theo logic, điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng thực tế, có trường hợp không phải như vậy. Gái có công, đôi khi vẫn bị chồng phụ bạc.
Thành ngữ Việt Nam có câu “Gái có công thì chồng chẳng phụ”, với nghĩa đen: người phụ nữ nào biết chăm lo cho gia đình sẽ được chồng thương yêu, tôn trọng. Theo logic, điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng thực tế, có trường hợp không phải như vậy. Gái có công, đôi khi vẫn bị chồng phụ bạc.
Ảnh minh họa |
° Tất cả vì chồng - con
“Có chồng thì phải theo chồng”, chị H. rất hiểu câu nói đó, nên sau khi xây dựng gia đình, chị đã khăn gói vào miền Trung theo chồng. Anh là kỹ sư xây dựng khá có tiếng, lại là người hoạt bát nên vừa tốt nghiệp đại học, anh đã được một công ty TNHH ở miền Trung mời về với mức lương trả cao hơn bình thường. Chồng giỏi giang, có công việc nên chị H. rất mừng. Thấy con muốn theo chồng về “dinh”, bố mẹ chị H. không ngăn cản nhưng cũng không tỏ ra hồ hởi. Bởi lẽ, theo ông bà, nếu ngăn cản, con không hạnh phúc thì sao? Còn khuyến khích thì không, xa con ai mà chẳng nhớ. Tiếng gọi của tình yêu và hạnh phúc đã thôi thúc chị đến vùng đất mới. Hai trái tim vàng ở trong căn nhà thuê chật chội, lúc đầu khá bỡ ngỡ, nhưng sau rồi cũng quen. Tuy có bằng đại học, nhưng hơn 1 năm chị H. vẫn không xin được việc làm. Ở nhà một mình chán nản, chị đã tìm việc dạy kèm cho học sinh tại nhà. Trong thời gian ấy chị mang bầu đứa con trai đầu lòng. Còn anh, công việc mỗi ngày một thăng tiến; hết làm công trình ở miền Trung, anh lại lên Tây Nguyên. Một tháng, có khi anh chỉ ở nhà vài ngày. Hôm chị sinh, chỉ có bà hàng xóm đi theo cùng đến bệnh viện. Anh bận việc nên không thể về được. Hiểu công việc của chồng nên chị không một lời trách móc anh. Anh bảo, em ráng nuôi con một mình, khi nào xong công trình, anh sẽ về và đền đáp lại sự vất vả của em. Đứa con đầu lòng được 2 tuổi, rồi đứa thứ hai chào đời, chị đợi mãi xem khi nào anh thực hiện lời hứa ấy nhưng không thấy. Lâu lâu anh mang ít tiền về để chị nuôi con. Nhưng chị đâu chỉ cần có thế. Điều chị cần và khao khát hơn cả chính là tình cảm của người chồng; là sự chia sẻ trong cuộc sống; là cảnh đầm ấm của vợ chồng, con cái. Hai đứa con của chị rất kháu khỉnh. Hàng ngày các cháu thường hỏi: “Mẹ ơi, ba đi đâu không về?”. Chị chỉ biết nuốt nước mắt vào trong, và nói: “Ba đi kiếm tiền cho mẹ con mình”. Cứ như thế, 5 năm sau, trong một lần gặp người bạn của anh, chị mới biết chồng mình đang sống với người đàn bà khác ở một tỉnh Tây Nguyên. Lòng chị tái tê nhưng không biết chia sẻ cùng ai. Về nhà, sau khi nghe vợ nói, anh tỏ ra hối hận và xin chị tha thứ. Từ khi lập gia đình, chị sống hầu như khép kín. Công việc không có, người thân ở xa, cuộc sống vất vả, một nách hai con… tất cả điều đó đã làm cho khuôn mặt của chị hằn lên những nếp nhăn. Có lúc chị muốn đưa con về quê, từ bỏ người chồng bội bạc, nhưng rồi lại thôi. Chị muốn ở lại nơi này để anh quay về. Chị chấp nhận sự hy sinh để 2 đứa con có cha.
. “Có cam, phụ quýt”
Chị M. lấy chồng được hơn 20 năm. Trong quãng thời gian ấy, chị vừa nuôi em chồng, vừa chăm sóc cha mẹ chồng. Họ hàng bên chồng ai cũng bảo: “Nhà bà T. có phúc, con dâu còn hơn con đẻ, một tay nuôi cả gia đình”. Ấy vậy mà chị có được đối xử một cách công bằng như người ta vẫn thường nói về quy luật nhân quả. Cách đây 3 năm, do kinh tế thị trường có nhiều biến động, chị làm ăn thua lỗ. Vốn liếng làm mấy chục năm nay dần vơi đi. Nhiều lúc buồn chán, chị than với chồng thì chồng lại cằn nhằn, nào là “em khờ quá, không biết làm ăn”, nào là “tiền để đâu, chồng con được nhờ những gì?”. Lúc đầu chị thường tâm sự với anh, nhưng sau những lần như vậy, chị cảm thấy mâu thuẫn giữa hai vợ chồng ngày càng sâu thêm. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi công việc làm ăn của chị đi vào bế tắc. Anh bắt đầu mượn rượu để giải sầu; mượn những cuộc vui với “em út” để giết thời gian, mặc cho chị đối mặt với khó khăn. Gần đây, người ta lại xầm xì khi thấy anh cặp bồ với một cô gái trẻ như… con gái của anh. Nghe vậy, chị điếng cả người. Không thể khác được, cuối cùng hai vợ chồng chị cũng phải đưa nhau ra Tòa. Theo chị, đó là cách tốt nhất để chị lấy lại thăng bằng, mặc dù tuổi không còn trẻ nữa. Gia tài, nhà cửa sau khi chia tay, mỗi người được một chút, nhưng điều lớn hơn tất cả là con chị không còn một tổ ấm.
MINH HOÀNG