12:06, 21/06/2010

Vì sao “ông xã” ít nói?

Có một thực tế, khi còn yêu nhau, mồm miệng các ông chồng tương lai thường “tía lia như tép nhảy”. Vậy mà, sau khi thành vợ thành chồng, nhiều ông bỗng dưng đổi tính, có khi cả ngày chẳng mở miệng

Có một thực tế, khi còn yêu nhau, mồm miệng các ông chồng tương lai thường “tía lia như tép nhảy”. Vậy mà, sau khi thành vợ thành chồng, nhiều ông bỗng dưng đổi tính, có khi cả ngày chẳng mở miệng. Lý giải chuyện này, nhiều người giải thích: “Tại mấy bà vợ nói nhiều quá, tranh hết cả phần chồng”. Người khác lại cho rằng: “Đã là vợ chồng, ra vào gặp nhau, có chuyện gì muốn nói thì đã nói hết rồi nên không cần nói chuyện với nhau nữa!”. Cũng có anh lại biện luận: “Đi làm suốt ngày mệt mỏi, về nhà chỉ muốn nghỉ ngơi. Hơi sức đâu mà nói chuyện cho mệt!”. Liệu đó có phải là tất cả lý do?

Một hôm, các “bà xã” gặp nhau và bàn luận về chủ đề này như sau:

Chị Hà than thở: “Hồi còn yêu nhau, Huy - chồng mình cũng mồm miệng lắm. Trông củ mỉ cù mì vậy mà biết khối chuyện hài hước. Vậy mà, không hiểu sao, lấy nhau được ít lâu, ổng trở chứng, cứ câm như hến! Có khi suốt ngày không thèm nói tiếng nào. Ổng chỉ mở miệng khi mình hỏi. Mà cũng “hết sức tiết kiệm hơi”, chỉ gật hay lắc hoặc ừ hử. Nhiều khi ngồi với nhau, mình đang bô la bô loa đủ thứ, quay sang, thấy ổng say sưa dán mắt vào tờ báo. Còn buổi tối, lắm lúc đang thao thao, nhìn lại, ổng đã ngáy khò khò từ lúc nào”.

Nhỏ Thái tiếp lời: “Ông xã mình cũng vậy! Về đến nhà là “khóa miệng” lại. Vợ nói vợ nghe. Mình gặng hỏi, lão chỉ ừ hử qua loa, tay chân chỉ trỏ, lắc đầu, gật đầu… rồi nằm dài xem ti vi, ngồi rung đùi đọc báo, hoặc tắm rửa nhanh rồi vọt… đi nhậu!”.

Chị Sinh lớn tuổi nhất đám, trầm ngâm: “Trước đây, khi con cái còn nhỏ, thỉnh thoảng hai vợ chồng chị cũng nói chuyện với nhau về việc nuôi dạy con. Bây giờ, chúng nó đi học xa, còn lại hai vợ chồng. Nhiều khi chị có cảm tưởng vợ chồng mà như người ở trọ. Anh Thắng - chồng chị đi về lặng lẽ. Mà đi đâu, làm gì, chị không hay biết. Có lần, một người bạn học cũ của anh từ xa đến thăm mà anh đi vắng. Khi về, anh trách sao không gọi một tiếng, anh chỉ sang nhà hàng xóm chứ có đi đâu xa? Chị nói, anh đi đâu có bao giờ nói đâu mà biết? Anh làu bàu: “Ai bảo bà không hỏi tui?”. Ổng nói cũng có lý! Tại chị không chủ động gợi chuyện, thành ra vợ chồng ở cùng một nhà mà xa cách vậy đó.

Chị Thái phụ họa: “Phải đó! Kể ra, phụ nữ chúng mình cũng có lỗi trong cái “hội chứng chồng câm” này! Có lần, mình hỏi ông xã về chuyện chọn trường cho con. Lão khoát: “Tùy em! Trường nào cũng được”. Mình bực quá, gắt lên: “Nó là con anh hay con ông hàng xóm thế?”. Lão ấy bảo: “Cái gì em cũng quyết hết rồi, hỏi anh làm gì? Mà anh có nói, em cũng có thèm nghe đâu”. Nghe lão nói, thấy đúng là vậy. Thảo nào mà mình hỏi gì lão cũng khoát: “Sao cũng được!”.

Chị Thúy im lặng theo dõi chuyện của mọi người, giờ mới lên tiếng: “Chồng Thúy cũng là người kiệm lời nhưng vợ chồng vẫn rất hạnh phúc. Bởi Thúy biết, đàn ông hay che giấu trong lòng những bận tâm, lo lắng chứ không như phụ nữ dễ dàng bộc lộ. Vì thế, Thúy không bao giờ đường đột đặt những câu hỏi thiếu tế nhị, sục sạo vào cõi riêng tư của chồng. Mỗi khi thấy ảnh trầm tư suy nghĩ, Thúy thường để ảnh một mình chứ không bám theo hỏi. Có lúc, Thúy pha cho ảnh ly nước hoặc đến bên cạnh, nhẹ nhàng xoa lưng, bóp gáy… Kết quả là, sau đó tự ảnh nói ra những suy tư trong lòng. Có thể Thúy nói vài câu an ủi, cũng có khi chỉ im lặng lắng nghe. Đơn giản vậy mà ảnh nói ảnh thấy được chia sẻ, nhẹ nhõm hơn nhiều”.

Cả bọn nhìn nhau: “Ừ nhỉ! Hóa ra trong chuyện “bỗng dưng ông xã ít nói” cũng có lỗi của các bà xã chúng mình !”.

PHƯƠNG NGA