03:05, 14/05/2010

Cần lắm bàn tay người “giữ lửa” tổ ấm

Từ xưa đến nay, nói đến tính cách và sự khéo léo của người phụ nữ, người ta thường xem họ có hội đủ 4 yếu tố “công, dung, ngôn, hạnh” hay không. Tục ngữ cũng đã có câu: “Xem trong bếp biết nết đàn bà”.

Từ xưa đến nay, nói đến tính cách và sự khéo léo của người phụ nữ, người ta thường xem họ có hội đủ 4 yếu tố “công, dung, ngôn, hạnh” hay không. Tục ngữ cũng đã có câu: “Xem trong bếp biết nết đàn bà”. Thấy bếp núc gọn gàng ngăn nắp, biết là bà chủ nhà đảm đang công việc nội trợ; thấy bếp nguội lạnh, chắc chắn bà chủ nhà chỉ thích “cơm hàng, cháo chợ”, sống tạm bợ, sinh hoạt thất thường.

Chẳng thế mà có những bà vợ đảm đang công việc bếp núc, lúc nào cũng muốn tự tay nấu món ngon cho chồng cho con; và cũng có những phụ nữ chỉ thích vi vu… ra quán hoặc mua cơm hộp để cả nhà dùng cho xong bữa.

Chia sẻ việc nhà cùng vợ sẽ làm tổ ấm thêm hạnh phúc

. Hạnh phúc khi được phục vụ chồng, con

Không hẳn người con gái nào trước khi lập gia đình cũng biết nấu nướng. Vậy mà với thiên chức làm vợ, làm mẹ, không ít các chị khi có gia đình đã trở thành những bà nội trợ đảm đang. Chị MT. ở đường Lê Hồng Phong, Nha Trang là một ví dụ. Là con nhà giàu, có người giúp việc lo toàn bộ, trước khi xây dựng gia đình với anh V.M., chị hầu như chẳng biết gì về chuyện bếp núc. Thấy con gái đoảng như vậy, bà mẹ đã than vãn: “Con vụng về thế này thì làm sao có chồng có con được đây!”. Như chợt tỉnh ra, chị MT. lập tức xin tiền mẹ học thêm lớp nấu ăn ở một trung tâm dạy nghề. Vốn khéo tay, lại chăm chỉ nên chẳng bao lâu chị đã thành thạo trong việc chế biến các món ăn trong gia đình. Lấy chồng, chị đã vận dụng kinh nghiệm nấu nướng của mình để phục vụ đức lang quân và đứa con trai bé bỏng. Qua những bữa cơm dẻo canh ngọt, chị lại càng hiểu câu nói của người đời: “Con đường vào trái tim của người đàn ông đi ngang qua dạ dày”. Mỗi khi thưởng thức món ăn ngon, ông xã chị lại nịnh vợ: “Sau này mình mở nhà hàng được đấy em ạ”, “Ăn ở đâu cũng không bằng ở nhà. Vợ nấu ngon quá!”. Được anh động viên, chị đọc thêm tài liệu về những chất bổ dưỡng hợp lý dành cho từng lứa tuổi và cho những người làm việc trí óc như anh để lên thực đơn các bữa ăn trong tuần. “Tay nghề” của chị theo đó ngày càng nâng cao. Khi được hỏi về niềm đam mê của mình, chị nói: “Tôi thích chế biến những món ăn ngon cho gia đình. Người phụ nữ cảm thấy hạnh phúc là được phục vụ chồng con; được nhìn thấy các thành viên trong gia đình ăn ngon miệng”. Khéo léo trong việc nấu nướng, nên lúc nào gia đình bên nội, bên ngoại giỗ chạp, chị đều có mặt để phục vụ. Chị được cha mẹ chồng thương yêu cũng bởi tính cách dịu dàng, nết na, chịu thương chịu khó ấy.

. Không để cơm hàng, cháo chợ

Làm việc ở cơ quan ngày 8 tiếng, đối với chị T.H., chẳng có thời gian nào để lo việc nhà. Sáng, 2 vợ chồng mỗi người chở một đứa con đi ăn, rồi đến trường. Trưa đi chợ, đón con; trời nắng nóng phải vào bếp nấu ăn, chị thấy lích kích quá. Thế là chị chọn cách mua cơm hộp về ăn cho qua bữa. Cả tháng trời như vậy không ai chịu được, người nào người nấy ốm nhom ốm nhách, chị xót lắm. Chị nghĩ bạn bè mình hoàn cảnh như vậy, ai cũng làm được, tại sao mình lại không? Nhưng quyết tâm được vài bữa, chị lại tuyên bố “ăn cơm hộp cho khỏe!”. Lần này chị đặt dịch vụ mang đến tận nhà. Ăn cơm rẻ tiền nên có bữa cả nhà phải… ôm bụng chạy. Cứ thế, buổi trưa cơm hàng, cháo chợ; buổi chiều tối chị mới vào bếp “vật lộn” với mấy món ăn. Thấy vợ vất vả, anh đã cùng vào bếp với chị. Nếu như buổi trưa mỗi người ngồi một góc thì buổi tối, cả nhà ai cũng tươi tỉnh. Từ thực tế ấy, chị rút ra một điều, bữa cơm do chính tay mình nấu mang lại sự đầm ấm cho gia đình. Bây giờ, mỗi khi thấy chị em nào trong cơ quan có ý định cho cả nhà ăn cơm hộp, chị lại khuyên can.

Hiện nay, khi các phương tiện phục vụ cuộc sống ngày càng đa dạng, phong phú, chị em có thể lựa chọn cho mình những điều kiện thuận lợi, nhằm giảm bớt sức lao động trong công việc gia đình. Không như trước kia, người phụ nữ chỉ quanh quẩn bếp núc, lo việc nội trợ, ngày nay chị em còn tham gia công việc xã hội. Chính vì vậy, việc người chồng chia sẻ bớt công việc trong nhà với người vợ là điều rất cần thiết. Không phải làm như vậy chị em sẽ ỷ lại, mà chính là các ông chồng đã hiểu, thông cảm, tạo điều kiện để người vợ vừa làm tốt thiên chức của người phụ nữ vừa hoàn thành tốt công việc ngoài xã hội. Người phụ nữ cần không ngừng rèn luyện, phấn đấu, nhưng cũng rất cần một bờ vai vững chãi của người chồng.

THANH HOÀNG