Vợ chồng tôi đến với nhau do sự sắp đặt của cha mẹ. Do chưa tìm hiểu kỹ nên sau khi cưới nhau, chúng tôi luôn xảy ra mâu thuẫn, mà toàn là những chuyện nhỏ nhặt. Chỉ mỗi việc ăn tối ở đâu, sử dụng nhầm bàn chải, quên khóa vòi nước… cũng gây ra “sóng gió”.
Vợ chồng tôi đến với nhau do sự sắp đặt của cha mẹ. Do chưa tìm hiểu kỹ nên sau khi cưới nhau, chúng tôi luôn xảy ra mâu thuẫn, mà toàn là những chuyện nhỏ nhặt. Chỉ mỗi việc ăn tối ở đâu, sử dụng nhầm bàn chải, quên khóa vòi nước… cũng gây ra “sóng gió”. Thậm chí, nhiều lần tôi và nàng định chia tay, nhưng rồi cả hai tự nghĩ lại bản thân, thấy nguyên nhân đó thật là vô duyên, nếu đưa ra tòa chỉ làm cho gia đình hai bên và hàng xóm cười vào mặt. Thật ra, lúc đang nóng giận, ai cũng cho rằng ý kiến của mình là đúng chứ không chịu ngồi lại với nhau để giải quyết êm đẹp. Có lúc bình tâm nghĩ lại, tôi nhận ra rằng việc ai đúng, ai sai không quan trọng, mà quan trọng là cả hai đừng tạo ra sự xung đột, gây nên mối bất hòa. Chính vì nhận ra được điều cốt lõi của sự việc, nên tôi đã quyết định thẳng thừng: ai làm sai điều gì thì nên lên tiếng xin lỗi trước để tránh xảy ra xung đột.
Từ lúc đưa ra “quy tắc vàng” này dường như đã có hiệu nghiệm. Chẳng hạn, khi tôi hứa dẫn nàng đi xem phim mà lại về nhà muộn, tôi liền rối rít xin lỗi bằng những câu ngọt ngào, không đợi sự nóng giận của nàng nổi lên. Nhìn vẻ mặt ngu ngơ mà đáng yêu của tôi, nàng không sao tức giận được, ngược lại còn mỉm cười. Hay những lần quên khóa vòi nước, quên tắt bếp gas… tôi lên tiếng nhận lỗi trước rồi vội vàng sửa sai, không đợi nàng càm ràm. Thấy tôi ra vẻ là một ông chồng ngoan, nàng thương nhiều hơn. Còn nàng, những lúc lo mải mê đi shopping mà quên nấu bữa cơm trưa, cơm chiều cho tôi, nàng liền lên tiếng trước nhằm “cắt đứt” sự giận dữ mà tôi sắp tuôn ra: “Em xin lỗi, tại em định chọn mua cho anh một chiếc áo sơ mi nhưng em thấy kiểu dáng không phù hợp, nên chọn hơi lâu. Để em đi nấu cơm liền. Phụ em nhặt mớ rau đi anh”. Lời nói của nàng tha thiết quá, ngọt ngào quá, khiến “cục giận” trong tôi tan biến. Rồi lắm lúc, hai chúng tôi “điên” lên cùng một lúc. Nhưng may thay, tôi và nàng kịp thời bỏ đi mỗi người một hướng, tránh chạm mặt. Đợi khi cơn giận nguôi ngoai, lúc đó chúng tôi mới ngồi lại nói chuyện với nhau.
Trong cuộc sống hôn nhân, nói chung cặp vợ chồng nào mà chẳng xung khắc. Điều quan trọng là cả hai tự nhận ra lỗi và biết sửa sai trước khi mọi chuyện biến thành “chiến tranh”. Lời xin lỗi luôn ngự trị ở cửa miệng của mỗi người, đừng vì sĩ diện mà quên mất. Dù sao cũng tình nghĩa vợ chồng, giận rồi cũng sẽ làm hòa! Vậy thì hà cớ gì phải giận nhau, làm khổ nhau cho mệt?
ĐẶNG TRUNG THÀNH