Mấy bữa nay chị Hà đứng ngồi không yên vì bé Na nhà chị dở chứng nhõng nhẽo, không chịu ăn, đòi hết thứ này đến thứ khác. Tuy mới 5 tuổi nhưng bé Na có suy nghĩ khá già dặn. Nó biết ba má cưng chiều nên thường hay “yêu sách” với cha mẹ.
* Nhõng nhẽo
Mấy bữa nay chị Hà đứng ngồi không yên vì bé Na nhà chị dở chứng nhõng nhẽo, không chịu ăn, đòi hết thứ này đến thứ khác. Tuy mới 5 tuổi nhưng bé Na có suy nghĩ khá già dặn. Nó biết ba má cưng chiều nên thường hay “yêu sách” với cha mẹ. Thường thường vào cuối ngày, cứ học mẫu giáo về là chị Hà lại cho con đến Nhà Thiếu nhi chơi trò chơi. Trước đây, chị nói gì, bé Na nghe nấy. Mấy ngày nay, nó đổi tính, không nghe lời. Đi tàu điện xong, nó đòi chơi thêm trò thú nhún; hết thú nhún lại xin chơi trong nhà banh. Cứ thế, tối mịt vẫn chưa chịu về. Bực quá, chị đánh vào mông con vài cái, nó liền gào thật to. “Chỗ đông người, làm mạnh tay thì mình cũng thua nên thôi vậy” - chị lắc đầu nói với tôi và tỏ ra bất lực trước đứa con gái. Chưa hết, về nhà, Na đập đầu vào tường hờn dỗi và không chịu ăn; nó cắn vào tay mẹ, rồi đánh mẹ. Có lần chị đánh, nhưng cũng có lần chị tha. Lần này chị lấy roi ra, nhưng thương con quá nên lại thôi. Chị nói với các bạn có con cùng tuổi con mình: “Chẳng lẽ cứ để con hư như vậy, phải dạy chứ, nhưng dạy thế nào bây giờ?”. Các chị cùng cảnh ngộ ai cũng nói: “Cho nó vài roi. Không có roi là không dạy được”.
Dạy con từ thuở còn thơ…Ảnh: minh họa |
Con chị Ái, tên ở nhà là cu Lu, lại có “tật” chỉ muốn tự mình chọn quần áo để mặc. Khổ nỗi, quần áo đẹp cháu không mặc, chỉ mặc đồ cũ, thậm chí cả những cái đã sờn, rách. Chị mang người này ra dọa, người kia ra dọa: “Nếu mặc đồ xấu như thế này là chú ấy bỏ tù đấy”, nó cũng không nghe. Mỗi lần đưa con đi chơi, chị thấy xấu hổ vì những đứa trẻ khác quần áo tinh tươm, đẹp đẽ, còn con mình trông thật nhếch nhác. Nhưng lâu ngày rồi cũng quen, chị mặc kệ, không muốn nói nữa. Tuy Lu không mặc quần áo mới, nhưng thỉnh thoảng chị vẫn mua cho con. Chị bảo: “Nhìn cu Lu nhà mình, ai cũng tưởng cha mẹ không sắm sửa cho con, nhưng thôi, hy vọng lớn lên vài tuổi nữa, con sẽ biết”.
* Không nên chiều chuộng
Chị Hà cho rằng mình đã nói nặng, nói nhẹ với con; không chiều chuộng con, nhưng nó vẫn hư, nhõng nhẽo. Vậy nguyên nhân do đâu? Đúng là chị khá nghiêm khắc với con. Nhiều lúc giận bé Na, chị đã đánh nó. Nhưng đánh con xong, chị lại cảm thấy ân hận. Con bé khóc chưa kịp nín, chị đã chạy đến ôm nó rồi nựng nịu, dỗ dành. Lần sau, rồi lần sau nữa, hễ chị đánh là nó khóc và đợi mẹ đến dỗ. Sau khi được mọi người tư vấn, chị thay đổi cách dạy con. Chị bắt bé phải vòng tay xin lỗi mẹ, nếu không mẹ sẽ đánh. Bé Na bị mẹ đánh, khóc mãi cũng phải nín. Tối đến, trước khi đi ngủ, chị nằm bên cạnh, kể chuyện các con vật ngoan ngoãn cho con nghe, rồi dặn con phải nghe lời, không nhõng nhẽo, khóc nhè, đòi hỏi này nọ; không đánh mẹ, cắn mẹ. Cháu nghe lời và gật đầu: “Vâng ạ”. Sau này, bé Na ngoan hẳn, không dở chứng như trước.
Vợ chồng anh Hưng, chị Thủy lớn tuổi mới sinh được cậu con “quý tử”, đặt tên là Thiên Lộc. Do quá chiều con nên Lộc rất hư. Bao nhiêu tật xấu, Lộc “giành” hết về mình. Không chịu học, Lộc đàn đúm với bọn trẻ trong khu phố chơi bời, thường xuyên vào các quán cà phê, rồi cá độ bóng đá. Trước tình hình ấy, anh chị đã cấm cháu không được giao du với ai, nhưng không thể được. Càng cấm, Lộc càng hư. Chị Thủy cho rằng, chỉ nên cấm con làm những điều bị coi là đe dọa đến sự an toàn của con, hoặc làm điều gì ảnh hưởng tới người khác, chứ chơi với bạn sao lại cấm. Loay hoay mãi không tìm được “lời giải”, anh chị đành buông xuôi và cho rằng, lúc nhỏ nó hư như vậy, chứ lớn lên nó sẽ khác. Nhưng năm này qua năm nọ, Lộc ngày càng khó bảo. Học đúp liên miên, nên Lộc không vào được lớp 6. Hoảng quá, vợ chồng anh Hưng đành gửi con về quê ở với ông bà nội. Vừa về đến nhà, bà nội đã trách khéo: “Con hư bởi cha mẹ cưng chiều. Cứ dung túng, bao che cho những việc làm không đúng của con thì làm sao dạy được? Muốn con nên người, cha mẹ phải nghiêm khắc dạy bảo. Hồi xưa ba má dạy con thế nào, không biết à?”. Thế rồi, do có sự dạy bảo nghiêm khắc, Lộc tiến bộ thấy rõ. Đúng là “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, chẳng có đứa trẻ nào sinh ra đã hư. Việc giải quyết như gia đình anh Hưng như vậy tuy muộn vẫn còn hơn không. May mà vợ chồng anh Hưng còn có… ông bà nội!
T.G