04:01, 29/01/2010

Xin đừng là nạn nhân!

Thật vô lý khi có bạn trẻ không yêu nhưng lại cưới nhau. Điều vô lý và rất đáng tiếc ấy trong thực tế không phải là hy hữu, mà đã xảy ra ở không ít trường hợp. Kết cục, vì nhiều lý do, có người dằn vặt, đau khổ chịu đựng cuộc hôn nhân đến hết cuộc đời, nhưng cũng có người đã tìm đường … “giải thoát”.

Thật vô lý khi có bạn trẻ không yêu nhưng lại cưới nhau. Điều vô lý và rất đáng tiếc ấy trong thực tế không phải là hy hữu, mà đã xảy ra ở không ít trường hợp. Kết cục, vì nhiều lý do, có người dằn vặt, đau khổ chịu đựng cuộc hôn nhân đến hết cuộc đời, nhưng cũng có người đã tìm đường … “giải thoát”.

°Mạo hiểm

 

 Kết quả của hôn nhân không tình yêu là cuộc sống không hạnh phúc. (Ảnh minh họa)

Trong cuộc sống, đôi khi ta cũng cần mạo hiểm, nhưng việc hệ trọng như chuyện trăm năm (xây dựng gia đình) thì nhất định không được mạo hiểm.

Khi đứa con gái duy nhất của mình bước vào tuổi trưởng thành, mẹ đã dặn Cúc như vậy, bởi người em ruột của mẹ một đời phải chịu đựng cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Mẹ muốn Cúc đừng rơi vào trường hợp ấy. Vậy mà…

Cúc và Hải làm việc ở 2 cơ quan gần nhau. Một lần ăn sáng ngoài vỉa hè, 2 người cùng ngồi một bàn. Người phục vụ bưng tô phở cho Cúc thì sơ suất làm đổ một chút nước vào người Hải. Thấy Cúc tỏ ra ái ngại và thấy người phục vụ xin lỗi rối rít, Hải bèn cười nói: “Không sao đâu, chuyện bình thường thôi mà”. Cảm kích trước vẻ lịch sự và ga lăng ấy, những ngày sau Cúc bắt đầu để ý đến anh “hàng xóm”. Thế rồi 2 người quen và có cảm tình với nhau. Sự gần gũi về không gian giúp cho Cúc hiểu nhiều hơn về người bạn trai của mình. Nhưng, càng hiểu, Cúc càng cảm thấy mình và Hải không hợp nhau, từ tính cách cho đến quan niệm sống. Cúc biết rất rõ, Hải là người hiền lành, nhưng cô lại không chấp nhận sự cẩu thả, bừa bãi trong cuộc sống của anh. Thêm nữa, Hải hơn Cúc đến 5 tuổi, vậy mà hầu như việc gì cô cũng phải “nhúng tay” vào. Tâm sự những điều này với mẹ, mẹ chị khuyên: “Con tìm hiểu cho kỹ, xem điều đó có làm con buồn phiền không. Có thể vì con cẩn thận mà yêu cầu quá cao đối với Hải”. Nói thì nói vậy chứ mẹ chị cũng rất băn khoăn về chàng rể tương lai và về sự bất đồng trong quan điểm sống của hai người. Để lấy lòng mẹ Cúc - bà Nhung, Hải thường lân la hỏi han, tỏ vẻ quan tâm đến bà. Mỗi khi Cúc giận, Hải lại tâm sự với mẹ vợ tương lai để bà đứng về phía anh. Hai người cắt đứt quan hệ, rồi nối lại, cứ như thế đến lần thứ 3, Cúc bèn quyết định … “lên xe hoa” với Hải. Cô quyết định như vậy vì nghĩ Hải yêu mình, biết đâu sau này sẽ hạnh phúc. Lấy nhau được khoảng 3 năm, sự mạo hiểm của Cúc đã có ngay câu trả lời, đó là lá đơn xin ly dị của người vợ trẻ có con chưa đầy 2 tuổi.

° Có nên chịu đựng?

Thực tế có không ít cặp vợ chồng sống không hạnh phúc, nhưng lại không chia tay nhau. Có nhiều lý do để họ quyết định như vậy, trong đó lý do lớn nhất là sợ người đời chê trách, sợ không đúng với thuần phong mỹ tục và sống vì bố mẹ, con cái, người thân của mình. Với cách giải quyết ấy, nhiều người không tránh khỏi dằn vặt, vật vã với cảm xúc của mình khi sống với người mình không yêu. Thế rồi, họ không vượt qua được cám dỗ của cuộc sống, trở thành người sống hai mặt, một với chồng, một với tình nhân. Một số khác (thường với người trẻ tuổi) lại tìm cách giải thoát như Cúc.

Chị Hà, bạn của tôi cũng đang có tâm trạng bất an, không biết giải quyết thế nào. Có lúc chị tâm sự: “Nếu chia tay nhau, có thể cả hai sẽ bớt khổ tâm, sẽ thanh thản hơn, nhưng sự thực tôi không thể làm thế được vì tôi còn bố mẹ, con cái. Con tôi sẽ không có đủ cha và mẹ. Anh ấy không tốt với tôi, nhưng với con, anh lại là người cha tốt. Nó vẫn cần tình cảm và sự dạy dỗ của cha”. Chị Hà cam chịu sự hy sinh, nhưng để tiếp tục duy trì cuộc sống, cải thiện tình hình, chị không biết phải làm thế nào. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, các cặp vợ chồng khi “cơm không lành, canh không ngọt” cần bình tĩnh giải quyết. Khi không thể cứu vãn được, người trong cuộc cũng nên lựa chọn tình huống sao cho có tình, có lý. Nhiều người đã quyết định chịu đựng để con có cả cha và mẹ.

Trong cuộc sống vợ chồng, hạnh phúc không bao giờ trọn vẹn nếu hai người không vun đắp, giữ gìn. Thành ngữ đã có câu: “Bát trong sóng còn có khi động”, huống hồ hai vợ chồng sống trong một nhà với bao nhiêu tình huống xảy ra. Để hạn chế đến mức thấp nhất những bất đồng trong cuộc sống, vợ chồng nên tự tìm cách hoàn thiện; “chín bỏ làm mười”, không nên chấp nhặt những điều nhỏ nhoi. Khi có xung đột, hai người cần tiến đến gần nhau hơn để giải tỏa sự căng thẳng; không nên để sự chịu đựng kéo dài.

Đối với các bạn trẻ, trước khi kết hôn cần suy nghĩ thận trọng. Nếu quyết định sai, bạn sẽ phải chịu hậu quả. Bạn có thể sống suốt đời với một người mà bạn không hề có (hoặc đã bị mất) tình yêu, cảm xúc?

KIM NGÂN