08:01, 19/01/2010

Bánh in - nét duyên ngày Tết

Bánh in gồm rất nhiều loại: Bánh ly (hay còn gọi là bánh oản) hình trụ, bao bọc bởi các loại giấy kính, thường có 3 màu đỏ, hồng và vàng (ngày Tết kỵ màu xanh và trắng). Bánh tháp cũng hình trụ, lõi bên trong bằng bìa cuộn lại, làm từ bột phục linh, ...

 

Bánh in gồm rất nhiều loại: Bánh ly (hay còn gọi là bánh oản) hình trụ, bao bọc bởi các loại giấy kính, thường có 3 màu đỏ, hồng và vàng (ngày Tết kỵ màu xanh và trắng). Bánh tháp cũng hình trụ, lõi bên trong bằng bìa cuộn lại, làm từ bột phục linh, gói thành những chiếc bánh vuông nhỏ trong giấy bóng kính, màu đa dạng hơn (xanh, đỏ, tím, vàng, trắng), dán bao quanh theo hình vòng cung. Bánh ngũ sắc làm bằng bột nếp hoặc cốm, gói thành từng phong hình chữ nhật, mỗi phong có 5 chiếc, mỗi chiếc 1 màu: tím, xanh, đỏ, vàng, trắng.

3 loại bánh in Tết chủ đạo ấy, theo thời gian có thể thay đổi mẫu mã cho phù hợp với yêu cầu của người tiêu dùng. Ví dụ, trước kia chỉ dán trên mặt bánh chữ Phúc, còn bây giờ lại trang trí thêm các loại hoa nhựa, dây nhựa, kéo chóp lên cao, lót dưới bánh một cái đế bằng giấy (bánh ly, bánh tháp). Riêng bánh ngũ sắc thì lại bọc các loại giấy màu rực rỡ hơn và trang trí hoa lá bên ngoài, cho bắt mắt.

3 loại bánh trên phát triển tùy theo cách làm của người thợ làm bánh ở từng nơi, tuy nhiên, ở Nha Trang, bánh in Tết thường được mua, đóng thùng gửi đi nhiều nơi do kiểu dáng đẹp; bánh của Nha Trang có thể để lâu tới vài tháng, khi ấy chiếc bánh chỉ cứng lại mà không hỏng.

Bắt đầu từ ngày mùng 10 tháng Chạp hàng năm là bánh in Tết ra chợ. Các lò bánh in thường là những lò chuyên nghiệp, ngày thường sản xuất bánh in trắng, bánh ly nhỏ cung cấp vào ngày rằm, mùng 1 phục vụ việc thờ cúng, dịp Tết, họ chuyển sang làm bánh in Tết.

Tại Nha Trang hiện có khoảng 20 cơ sở sản xuất bánh in Tết, cung cấp cho các chợ, các cửa hàng nhỏ liên tục đến ngày 28 Tết. Những ngày cận Tết không sản xuất nữa là để tiêu thụ cho hết số hàng hóa đã đưa ra thị trường, vì loại bánh này không thể bán sau 3 ngày Tết.

Chị T., chủ một cơ sở sản xuất đã có hơn 20 năm chuyên làm bánh in Tết  ở đường Cửu Long (Nha Trang) cho biết: Khuôn bánh ly phải đặt làm tận TP. Hồ Chí Minh, theo phương pháp tiện gỗ. Khuôn có nhiều kích cỡ khác nhau, phải khắc sao cho khi in bánh ra hiện rõ 2 con rồng chầu hoặc hình long phụng, hoa lá khắc trên nền bánh. Kinh nghiệm trộn bột gồm nếp rang chín, xay thành bột với nước đường thắng tới, trộn vào nhau cho thành nguyên liệu tốt. Nếp không tốt, đường không thắng tốt sẽ làm chiếc bánh bị vỡ hoặc rạn sau khi làm xong. Bánh sau khi làm ra, để chỗ râm mát cho cứng lại, rồi gói bằng giấy kính. Gói thế nào để chiếc bánh rực rỡ, tiết kiệm giấy cũng là cả một kỹ thuật.

 

Riêng bánh ngũ sắc xuất xứ lại ở Diên Khánh. Các cơ sở làm bánh ngũ sắc trong năm làm ra “nổ” (là bắp và gạo bỏ vào máy, nổ ra những hạt lớn, bỏ túi cho người ta bán để cúng). Nguyên liệu làm bánh in ngũ sắc cũng như bánh in ly, nhưng bột được cán trong khuôn lớn, rồi dùng dao cắt theo mẫu quy định, để ráo mới bọc giấy màu.

Trong phiên chợ rộn rịp ngày cuối năm, các quầy hàng, ngõ phố Nha Trang như rực rỡ thêm lên bởi món bánh in Tết với bao nhiêu sắc màu lộng lẫy. Những chiếc bánh in Tết đi về mọi nẻo, chưng trên các bàn thờ làm rực rỡ không gian gia đình trong những ngày Tết.

Bài và ảnh: KHUÊ VIỆT TRƯỜNG