05:10, 21/10/2009

Góp nhặt để… chia sẻ tình thương

Thương cảm cho số phận không may của các em, anh nghĩ đến việc thành lập một đoàn nghệ thuật biểu diễn gây quỹ ủng hộ nạn nhân chất độc da cam… Cách đây 4 năm, những ấp ủ này trở thành hiện thực...

Vừa qua, Đoàn nghệ thuật “Tình thương sắc màu thời gian” (tỉnh Thái Bình) đã có đêm biểu diễn tại UBND xã Vĩnh Hiệp (TP. Nha Trang, Khánh Hòa) để gây quỹ nhân đạo giúp những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, trẻ em lang thang cơ nhỡ không nơi nương tựa. Những tiết mục văn nghệ, xiếc, ảo thuật do các diễn viên của Đoàn biểu diễn đã làm khán giả xúc động đến trào nước mắt.

Không quản trời mưa, một số người dân xã Vĩnh Hiệp (TP. Nha Trang) vẫn đến ủng hộ đoàn.
Không quản trời mưa, một số người dân xã Vĩnh Hiệp (TP. Nha Trang) vẫn đến ủng hộ đoàn.

Đoàn nghệ thuật “Tình thương sắc màu thời gian” ra đời trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Năm 1982, tốt nghiệp Trường Xiếc Việt Nam, anh Trương Đức Hợp về công tác tại Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thái Bình (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình). Những lần đi công tác ở các tỉnh: Hà Nam, Hải Dương, Nam Định, Thanh Hóa…, anh thường bắt gặp những trẻ em lang thang ăn xin, rồi cả những cháu bị nhiễm chất độc da cam, nhưng lại có năng khiếu ca hát. Thương cảm cho số phận không may của các em, anh nghĩ đến việc thành lập một đoàn nghệ thuật biểu diễn gây quỹ ủng hộ nạn nhân chất độc da cam… Cách đây 4 năm, những ấp ủ này trở thành hiện thực. Đoàn nghệ thuật “Tình thương sắc màu thời gian” ra đời với 13 thành viên, trong đó chủ yếu là những em bị tật nguyền do chất độc da cam, trẻ em lang thang cơ nhỡ.

Sau những ngày tháng miệt mài luyện tập, anh Hợp dẫn đoàn đi lưu diễn xuyên Việt để gây quỹ. Qua đó, tạo cho các em có cơ hội tham quan, hiểu biết thêm về đất nước, con người Việt Nam. Đoàn nghệ thuật đi tới đâu cũng nhận được sự động viên, an ủi, chia sẻ từ chính quyền và người dân các tỉnh trên cả nước. Sau mỗi đêm lưu diễn, số tiền đoàn quyên góp được khoảng 2 - 2,5 triệu đồng. Đoàn sẽ trích ra vài trăm ngàn đồng để ủng hộ lại những gia đình có người là nạn nhân chất độc da cam ở địa phương đoàn đang lưu diễn, san sẻ bớt khó khăn cho các gia đình.

Được biết, ngoài số tiền do Nhà nước hỗ trợ, từ nguồn quỹ tích lũy được của đoàn sau 1 tháng lưu diễn, mỗi tháng các em còn nhận được khoản tiền từ 1 - 1,5 triệu đồng/em. Số tiền đó các em đều gửi về nhà giúp đỡ gia đình. Trong quá trình lưu diễn, do phải lưu động từ địa phương này sang địa phương khác, từ tỉnh này qua tỉnh khác mà khí hậu của mỗi vùng lại khác nhau nên những em là nạn nhân chất độc da cam thường ốm đau; vì vậy, việc chăm sóc các em cũng gặp nhiều khó khăn, bởi cả đoàn chỉ sinh hoạt (ăn, ở, ngủ, nghỉ) trên 2 chiếc ô tô khách 14 chỗ.

Đến xã Vĩnh Hiệp (TP. Nha Trang) đợt này, vì trời mưa 2 đêm liên tục nên chương trình nghệ thuật của đoàn không thể diễn ra. Tuy vậy, một số người dân xã Vĩnh Hiệp biết tin đoàn đến lưu diễn để gây quỹ giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam nên đã đến UBND xã - nơi đoàn dừng chân để ủng hộ đoàn. Đêm thứ ba, trời không mưa, đúng 20 giờ, chương trình biểu diễn bắt đầu nhưng lượng khán giả đến xem thưa thớt, chủ yếu là bà con và các em thiếu nhi trong xã. Nhưng không vì thế mà đêm biểu diễn kém phần sôi nổi. Không ghế ngồi, không rạp che, mọi người tìm cho mình một vị trí thuận lợi để thưởng thức lời ca, tiếng hát của những nghệ sĩ bị nhiễm chất độc da cam, chưa qua trường lớp đào tạo nào. Mở đầu chương trình, nghệ sĩ xiếc Thu Thủy hát bài “Nỗi buồn của mẹ”. Sở hữu giọng ca ngọt ngào, Thu Thủy đã làm cho khán giả hiểu sâu hơn về nỗi buồn của người mẹ khi sinh ra những đứa con tật nguyền mà nguyên nhân là do chất độc dioxin trong thời chiến tranh. Tiếp đó, Đình Thanh hát 2 bài: “Em bé tật nguyền” và “Những điều em không biết”. Nhìn cảnh Đình Thanh đứng trên đôi nạng gỗ, hát những lời nhắn nhủ mọi người hãy nâng niu, bảo vệ trẻ em bị nhiễm chất độc da cam bằng tình yêu thương, mọi người xúc động đến rơi nước mắt. Chị Nguyễn Thị Loan bày tỏ: “Đáng lẽ, các em cũng như bao đứa trẻ bình thường khác là được đến trường, cùng bạn bè đùa vui… nhưng thứ chất độc ác nghiệt ấy đã cướp đi những điều giản dị đó của các em”.

“Tuổi thơ em không một mái nhà, tuổi thơ em không được đến trường…”, là những câu hát trong bài “Dấu chấm hỏi”  mà em Trương Huyền Trang thể hiện. Lời hát như cứa vào lòng người nghe, làm trào dâng một nỗi thương cảm khôn nguôi. Đêm diễn khép lại bằng 4 bài hát nằm trong phần biểu diễn của chàng trai mù Xuân Lan. Hình ảnh Xuân Lan ngồi trên xe lăn cất tiếng hát “Lời người khiếm thị”, “Cánh chim về đâu”, “Vì sao em chết”, “Đứa bé” đọng mãi trong lòng khán giả.

Sau đêm diễn tại xã Vĩnh Hiệp, đoàn đã đến biểu diễn tại phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang.

VĂN GIANG