Mái tóc xanh, đỏ, vàng tuy gây ấn tượng lạ nhưng có thể khiến cho bạn dở khóc dở mếu. Chất PPD - hoạt chất chính trong thuốc nhuộm - bị các nhà khoa học kết tội là ’’dính líu’’ đến nhiều loại ung thư...
ảnh minh họa |
Mái tóc xanh, đỏ, vàng tuy gây ấn tượng lạ nhưng có thể khiến cho bạn dở khóc dở mếu. Chất PPD - hoạt chất chính trong thuốc nhuộm - bị các nhà khoa học kết tội là ’’dính líu’’ đến nhiều loại ung thư.
Hoạt chất PPD trong thuốc nhuộm tóc có thể gây dị ứng, eczema, hen suyễn; thậm chí gây mù nếu thuốc nhuộm chảy xuống mắt (thường xảy ra khi nhuộm lông mi, lông mày). Đáng sợ hơn, PPD được phát hiện có liên quan đến đến vài loại ung thư như ung thư da, ung thư vú, thậm chí ung thư máu.
Thuốc nhuộm càng đậm, càng bền màu thì hàm lượng PPD càng cao. Sự độc hại sẽ tăng dần theo màu nhuộm từ bạch kim, vàng rơm, hạt dẻ, râu bắp đến nâu, đỏ và đen.
Khi nhuộm tóc lần đầu, bạn có thể không bị dị ứng, những lần nhuộm sau mới bị ngứa, sần, phù nề, mụn nước, phỏng nước.. Tùy theo cơ địa của từng người mà có phản ứng nặng, nhẹ khác nhau.
Thông thường khi nhuộm tóc xong, thợ làm đầu thường xịt keo tạo hình cho mái tóc, nghĩa là rắc thêm một loại chất độc khác, vì trong keo xịt tóc luôn có chứa các loại nhựa dẻo gây nguy hại không kém thuốc nhuộm.
Để được an toàn khi nhuộm tóc, các bạn nên lưu ý:
Pha thuốc nhuộm rồi bôi thử một ít vào da vùng sau tai, sau 48 giờ không có hiện tượng gì xảy ra thì nhuộm được. Cắt một ít tóc để nhuộm thử, sau 30 phút gội sạch bằng nước ấm rồi sấy khô; nếu màu nhuộm đúng như ý thì có thể dùng sản phẩm này.
Không nhuộm tóc trong các trường hợp: đã bị dị ứng với thuốc nhuộm tóc; da đầu bị tổn thương, lở loét hoặc bị bong vảy da.
Tránh để thuốc rơi vào mắt. Nếu bị, phải rửa ngay bằng nước ấm và đến bác sĩ điều trị.
Trong khi đang nhuộm tóc, nếu có cảm giác khó chịu, phải xả ngay bằng nước ấm và không nhuộm nữa.
Không để thời gian ngấm thuốc vượt quá quy định.
Xả tóc thật sạch sau khi nhuộm.
Theo lamdep