Lần theo dòng lịch sử, từ năm 1653, khi vua Chăm dâng thư và cắt đất từ Phan Rang trở ra đến Phú Yên để xin hàng Chúa Nguyễn (Phúc Tần). Vùng đất này được Chúa Nguyễn đặt tên là dinh Thái Khang, gồm 2 phủ là phủ Thái Khang và phủ Diên Ninh. Trải qua lịch sử, năm 1742, phủ Diên Ninh đổi thành phủ Diên Khánh. Đến năm 1793, Nguyễn Ánh cho xây dựng ở Diên Khánh một quần thể kiến trúc quân sự theo kiến trúc Vaubande của Pháp. Đó là thành Diên Khánh.
Lần theo dòng lịch sử, từ năm 1653, khi vua Chăm dâng thư và cắt đất từ Phan Rang trở ra đến Phú Yên để xin hàng Chúa Nguyễn (Phúc Tần). Vùng đất này được Chúa Nguyễn đặt tên là dinh Thái Khang, gồm 2 phủ là phủ Thái Khang và phủ Diên Ninh. Trải qua lịch sử, năm 1742, phủ Diên Ninh đổi thành phủ Diên Khánh. Đến năm 1793, Nguyễn Ánh cho xây dựng ở Diên Khánh một quần thể kiến trúc quân sự theo kiến trúc Vaubande của Pháp. Đó là thành Diên Khánh.
Với những ai sinh ra và lớn lên ở Diên Khánh hẳn trong ký ức luôn in đậm về cổ thành. Xung quanh thành là hào và 4 cửa từ các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc theo thứ tự cổng Đông, cổng Tây, cổng Tiền và cổng Hậu. Bên kia con đường nhỏ chạy từ cổng Đông đến cổng Tây ngang qua Đồn Xiêm, Trường Lạc lên vùng núi cao xa Khánh Vĩnh… Thời xưa, cư dân tập trung nhiều nhất ở ngoài cổng Đông tạo nên một đô thị sầm uất với những tiệm buôn, hàng hiệu bán tạp hóa của người Hoa mà dấu tích còn lại là chợ Thành và những cửa hiệu 2 bên đường với phong cách xưa cổ. Hồi ấy, thành được xem như là trung tâm hành chính, là chốn đô hội, đầu mối giao thương của cả phủ. Chả vì thế mà cứ dịp Tết đến, thành lại trở nên rộn ràng, ngập tràn không khí mùa xuân.
“Cu kêu ba tiếng cu kêu
“Cho mau tới Tết dựng nêu ăn chè
Cái hương vị của Tết xưa ở thành bắt đầu từ mùi hương của khói củi, từ góc bếp nấu bánh tét nơi thôn dã, mùi thoang thoảng trầm, hương hoa mai, hoa cau quyện vào nhau lan tỏa trong không gian chiều muộn phả khắp nơi. Đâu đó, mùi hương trầm thoang thoảng trong gió đông man mát là biết Tết đang về thật gần. Tết ở thành khi ấy rộn rã lắm. Tết bắt đầu từ các phiên chợ Tết từ 20 tháng Chạp âm lịch đến gần giao thừa ở chợ Thành. Các phiên chợ diễn ra từ tinh mơ đến tối rồi lại thâu đêm suốt sáng. Phiên chợ họp ngay giữa lòng con phố từ ngã ba quán ăn uống - cà phê A-Ùi đến ngã ba tiệm thuốc tây Tân Tiên Long, Nam Hải nơi có gốc cây bồ đề cổ thụ xòe tán kín cả con đường, rồi phân làm hai ngã về phía nam ngang qua phố và về phía bắc nơi có cây cầu gỗ ngang con sông nhỏ. Thôi thì đủ các loại hàng hóa cho ngày Tết. Vòng phía trước chợ, chỗ nào cũng hoa, quả, bánh, mứt đủ loại. Đi sang bên kia thì cơ man hàng hóa từ đồ trang trí, phong bao lì xì, trang thờ đến tủ chén… tất cả bày ra giữa phiên chợ Tết. Dường như mọi người dân trong huyện đều đổ về đây trong các phiên chợ để sắm Tết. Người đi chợ Tết đông đúc, chen chúc nhau, vội vã ồn ào mua bán tạo nên một không khí vô cùng náo nhiệt.
Đêm giao thừa, chợ Tết kết thúc để nhường chỗ cho thời khắc thiêng liêng giao thời giữa năm cũ và năm mới. Hồi ấy, Tết xưa tưng bừng tiếng pháo. Pháo ngày ấy là pháo dây với tiếng nổ “đùng”, “đoàng” rất vui tai. Vào đêm 30, màn đêm tĩnh lặng bỗng vang lên tiếng chuông chùa, rồi hàng ngàn tia sáng lóe lên, tiếng pháo vang rộn ràng trời đất. Từ tầng lầu một, lầu hai, chủ nhà thả những tràng, dây pháo dài với cả ngàn viên pháo hồng, đỏ để đưa tiễn năm cũ. Pháo nổ vang, mùi thuốc pháo đặc trưng xông lên sực nức, xác pháo như những cánh hoa đào thẫm, đào phai phấp phới bay xuống như thể hiện mong muốn của người dân về một năm mới may mắn, hưng thịnh.
Buổi chiều tối những ngày đầu năm mới, nghe tiếng trống lân, tiếng chũm chọe vang lên là lũ trẻ lại náo nức chạy đến quây quần quanh đám múa lân. Đội múa lân chở trên chiếc xe ba gác với nào trống, chũm chọe, dây thừng, chai đựng dầu hỏa, những cây đuốc đốt bằng vải tẩm dầu hỏa trong lon sữa bò cột trên đầu cây gỗ, soi sáng thành những vùng vàng nhỏ; họ mang theo vài ba cây tre dài 4 - 5 thước để chặn những đứa trẻ vô ý ùa nhặt những viên pháo tịt ngòi; ngăn thành lối cho lân múa, cho lân trèo cột với tay giật lấy những phong bì tiền thưởng treo lủng lẳng trên chính cửa, cột nhà cao cao… Tiếng trống vang lừng tùng… tùng… cắc… tùng và tiếng chũm chọe vỗ theo nhịp trống nghe cũng âm hưởng giục giã, nôn nao lắm. Chúng tôi say mê dõi theo nhịp trống lân, tiếng pháo nổ, xuýt xoa trước những chú lân sặc sỡ theo bộ vị mà bái vọng, cung hỉ hay hí lộng vũ phong…
Bây giờ, Thành Diên Khánh đã thay đổi rất nhiều, cuộc sống hiện đại đủ đầy cũng đã khiến cách ăn Tết của người dân đã khác nhiều so với trước. Nét Tết xưa giờ cũng dần mai một, có chăng, chỉ còn thoáng trong ký ức của những người già…
Thành MaDrak