Hơn 100 năm trước, bác sĩ A.Yersin, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer… đều có ấn tượng tốt đẹp khi đặt chân đến Nha Trang - Khánh Hòa. Dù chỉ một lần ngang qua, hay gắn bó suốt phần đời còn lại như A.Yersin, họ đều thể hiện tình cảm, sự lưu luyến đối với xứ Trầm Hương. Điều này được thể hiện trong những trang hồi ký, những lá thư họ gửi cho người thân.
Hơn 100 năm trước, bác sĩ A.Yersin, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer… đều có ấn tượng tốt đẹp khi đặt chân đến Nha Trang - Khánh Hòa. Dù chỉ một lần ngang qua, hay gắn bó suốt phần đời còn lại như A.Yersin, họ đều thể hiện tình cảm, sự lưu luyến đối với xứ Trầm Hương. Điều này được thể hiện trong những trang hồi ký, những lá thư họ gửi cho người thân.
1. A.Yersin không phải là người phương Tây đầu tiên đến Nha Trang - Khánh Hòa, nhưng có thể xác quyết rằng, ông là người đầu tiên đánh giá đúng vẻ đẹp, tầm vóc của Nha Trang. Tháng 4-1891, A.Yersin được bổ nhiệm làm bác sĩ trên tàu Sài Gòn (chạy tuyến Sài Gòn - Hải Phòng) của Công ty Messageries Maritimes (Pháp). Và ông đã “phải lòng” Nha Trang khi đi ngang qua vùng đất này. “Phải mất 28 giờ để đến nơi (Nha Trang). Tàu thả neo cách bờ biển 1 hải lý và chỉ dừng lại trong một giờ, do đó không thể rời tàu. Thật là một điều đáng tiếc bởi vùng đất rất nhiều núi non này nom có vẻ thật ngoạn mục…”, A. Yersin tỏ ý tiếc nuối trong thư gửi mẹ.
Vốn đam mê thám hiểm, ngày 29-7-1891, trên hải trình từ Hải Phòng trở về Sài Gòn, được sự cho phép của thuyền trưởng, A.Yersin cùng người bồi của mình rời tàu Sài Gòn trên chiếc thuyền độc mộc ông đem theo để đặt chân lên đất liền, khám phá Nha Trang - vùng đất đầy hứa hẹn mà ông đã kể trong thư trước đó. Phong cảnh hữu tình, bờ biển, cửa sông, các đảo ngoài khơi, màu sắc rực rỡ của một vùng quê nhiệt đới, khí hậu ôn hòa đã chinh phục được bác sĩ Yersin. “Đối với Yersin, Nha Trang là một chỗ ẩn thân lý tưởng. Ông chỉ chấp nhận rời khỏi chốn này tạm thời, giữa năm 1902 và 1904 theo lời khẩn khoản của Toàn quyền Paul Doumer, rồi vội vã quay trở về”, 2 tác giả Henri H.Mollaret và Jacqueline Brossollet đã viết như thế trong cuốn sách khảo cứu Alexandre Yersin - người chiến thắng bệnh dịch hạch.
Từ một quyết định tưởng như bốc đồng, nhà khoa học danh tiếng A.Yersin đã gắn chặt phần đời còn lại của mình với Nha Trang. Ông xây dựng phòng thí nghiệm (tiền thân của Viện Pasteur Nha Trang), lập trang trại ở Suối Dầu để nuôi ngựa lấy huyết thanh điều chế vắc xin chữa bệnh dịch hạch…, sống chan hòa với người dân nghèo của xóm Cồn cho đến cuối đời. Ngay cả khi mất đi, ông chọn ở lại vĩnh viễn với Nha Trang - Khánh Hòa thay vì trở về với quê hương bản quán. “Tôi muốn được chôn ở Suối Dầu. Hãy chôn tôi nằm úp xuống. Yêu cầu ông Bùi Quang Phương (cộng sự lâu năm của A.Yersin) giữ tôi lại tại Nha Trang, đừng cho ai đem tôi đi nơi khác”, A.Yersin viết trong di chúc. Và ông được chôn nằm sấp trên ngọn đồi ở Suối Dầu, đầu quay về phía biển như muốn ôm trọn mảnh đất Khánh Hòa vào lòng theo đúng ý nguyện!
2. Đến Việt Nam sau A.Yersin vài năm, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer choáng ngợp với vẻ đẹp của các vịnh biển ở Khánh Hòa. Trong hồi ký Xứ Đông Dương (xuất bản lần đầu năm 1903), Paul Doumer đã kể lại ấn tượng lần đầu tiên ông đến Khánh Hòa năm 1897 bằng đường biển theo hướng từ Bắc vào Nam. Tàu vượt qua mũi Đại Lãnh, Paul Doumer ngỡ ngàng với sự rộng lớn của vịnh Vân Phong. Với con mắt lão luyện, Toàn quyền Đông Dương đã nhìn ra những tiềm năng to lớn của vịnh Vân Phong - nơi có cảng Dayot (hiện là cảng Vân Phong). “Ngay từ chuyến đi đầu tiên của tôi, khi nhìn trên bản đồ, tôi đã bị ấn tượng bởi cảng Dayot. Người ta đã đưa cho tôi bản đồ và bản miêu tả về nó trong cẩm nang hàng hải. Nhờ đó tôi hiểu rằng thiên nhiên ở đây đã tạo ra một vùng kỳ vỹ bậc nhất thế giới. Các vịnh xung quanh cảng Dayot đều sâu, thuận lợi cho tàu thả neo, đây có thể là địa điểm cho cả một đội tàu lớn. Gió thổi hai bên sườn núi. Sóng đánh vào vách đá vang lừng, nghe như thách thức mọi cơn bão mạnh nhất”, Paul Doumer nhớ lại.
Trong mắt Toàn quyền Đông Dương, Khánh Hòa không quá giàu, cũng không đông dân, nhưng nơi đây có Nha Trang - một làng bên bờ biển có không khí trong lành, bờ biển thông thoáng gần như lúc nào cũng có gió. Paul Doumer gần như choáng ngợp với vẻ lộng lẫy của vịnh Nha Trang về đêm khi con tàu Manche thả neo trên vịnh.“Mỗi khi nhớ lại tôi đều thấy đó là những buổi tối tráng lệ tuyệt vời, với vẻ đẹp quyến rũ khôn tả. Ở cái góc biển nơi lục địa với những đỉnh cao nhất, của những hòn đảo đá và những rừng cây vây quanh tứ phía, trăng tỏa sáng phủ lên vạn vật và mọi giống loài một thứ ánh sáng trắng, rực rỡ mà chỉ có mặt trăng nhiệt đới mới có thể có, tô điểm cho phong cảnh một vẻ ma mị… Nha Trang với những ngọn núi, đảo và vịnh của mình trông như một hồ lớn, hiện ra trong màu trắng tinh như tuyết. Đó là vẻ đẹp vừa thanh thoát, yên bình, vừa siêu tưởng, như vượt lên vũ trụ; sự sống thanh bình ấy làm ta cảm thấy như đó là một thế giới khác. Hiếm khi nào cảnh tượng thiên nhiên đem lại cho tôi một ấn tượng vừa dịu dàng, vừa mãnh liệt lại vừa bâng khuâng với nhiều cảm xúc đến thế…”, Paul Doumer hồi tưởng. Đến từ kinh đô Paris hoa lệ, Paul Doumer vẫn thấy Nha Trang là “một góc đẹp của thế giới, niềm nở và đáng yêu, không hề hẹp hòi và cũng không giả tạo. Rất nhiều người đi qua Đông Dương sẽ cư trú ở đây, nếu họ được chọn”.
3. Sau Paul Doumer, bà Gabrielle Maude Candler Vassal (người Anh) theo chồng đến xứ Trầm Hương năm 1904, khi ông này làm phụ tá cho bác sĩ A.Yersin tại Viện Pasteur Nha Trang. Từ Sài Gòn đến Nha Trang, hai vợ chồng đi trên con tàu liên tỉnh chật chội. Ngủ đêm trên boong, tàu đến Nha Trang lúc 5 giờ sáng, bà thức dậy trong nỗi ngỡ ngàng: “Cảnh thật tuyệt vời! Mãi mãi tôi sẽ không bao giờ quên được cảm giác mê tơi buổi sáng hôm đó. Đây là miền đất đẹp đẽ chúng tôi sẽ sống trong tương lai!... Vầng thái dương vừa mới ló dạng. Những mảng bóng tối trải dài trên các sườn núi trong khi những phần nhận được ánh sáng nổi bật lên thật rõ nét với những sắc màu thật kỳ lạ… Tôi thấy tôi như đang đứng trên con đường rừng miền nhiệt đới, hai bên đường là những đóa hoa tuyệt mỹ và những bãi cỏ xanh thật xanh như ở Âu Châu. Tàu đi dần vào vịnh, nước có sắc xanh như nước Địa Trung Hải…”. Trong cuốn sách Ba năm ở An Nam hay Nha Trang 100 năm trước (bản dịch của cuốn “Mes Trois Ans d’Annam”, xuất bản năm 1910), bà Vassal đã dành nhiều trang viết để ghi lại những tập tục, lối sống của người dân Khánh Hòa thuở đó. Tất cả hiện lên rất sinh động, đẹp và buồn, bởi Nha Trang khi ấy dù là thủ phủ của người Âu ở Khánh Hòa cũng chỉ là “một làng chài lưới với khoảng 3.000 người”…
Hơn một thế kỷ đã trôi qua, từ một làng chài nghèo “du khách hiếm có chỗ trú ngụ” như bà Vassal viết, Nha Trang đã trở thành một thành phố du lịch đẳng cấp quốc tế. Theo dòng thời gian, du khách trong nước và quốc tế đã nhận ra những giá trị tuyệt vời của cảnh quan thiên nhiên, khí hậu trong lành và sự thân thiện của người dân Nha Trang - Khánh Hòa. Thành phố biển có hàng trăm khu resort, khách sạn 4-5 sao đẳng cấp quốc tế và vẫn đang được dựng xây đẹp lên từng ngày bên vịnh biển Nha Trang!
THÀNH NGUYỄN