12:01, 24/01/2023

Mùa xuân của lính đảo

Mùa xuân về, những mầm xanh đâm chồi nảy lộc trên khắp các đảo chìm, đảo nổi ở Trường Sa và Nhà giàn DK1. Đã có biết bao lớp lớp thế hệ tiếp nối nhau bảo vệ biển đảo quê hương, nhưng tất cả đều không thể nào quên những cảm xúc lần đầu tiên đón Tết giữa trùng khơi sóng nước…

Mùa xuân về, những mầm xanh đâm chồi nảy lộc trên khắp các đảo chìm, đảo nổi ở Trường Sa và Nhà giàn DK1. Đã có biết bao lớp lớp thế hệ tiếp nối nhau bảo vệ biển đảo quê hương, nhưng tất cả đều không thể nào quên những cảm xúc lần đầu tiên đón Tết giữa trùng khơi sóng nước…


Tết ở đảo ấm áp như ở nhà


Mùa xuân năm nay, 3 chiến sĩ dân tộc Mường ở tỉnh Hòa Bình gồm: Đại úy Nguyễn Bá Ngọc (sinh năm 1984), Đại úy Đào Thanh Hải (sinh năm 1985) và Thượng úy Phạm Tuấn Anh (sinh năm 1992) sẽ là lần đầu tiên đón Tết trên đảo Sinh Tồn. Thượng úy Phạm Tuấn Anh chia sẻ, ba anh em tuy cùng quê nhưng mỗi người một nhiệm vụ, công tác ở nhiều vị trí khác nhau, đến khi lên đảo Sinh Tồn mới vỡ òa, rối rít nhận đồng hương. Đây là năm đầu tiên Tuấn Anh đón Tết xa gia đình. “Ra đảo Sinh Tồn nhận nhiệm vụ đến nay đã được 4 tháng, ban đầu còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng được sống trong tình yêu thương chan hòa cùng đồng đội giúp tôi vơi đi nỗi nhớ nhà. 3 anh em tôi là những người đồng bào dân tộc Mường hiếm hoi được làm nhiệm vụ ở đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Do đó, chúng tôi đều cảm thấy rất vinh dự, tự hào khi được cống hiến tuổi trẻ của mình cho Trường Sa. Mùa xuân này, lần đầu tiên đón Tết cổ truyền của dân tộc trên đảo, cảm giác trong tôi thật đặc biệt và mới mẻ”, anh bộc bạch.

 

Quân và dân cùng nhau gói bánh chưng ở thị trấn Trường Sa.

Quân và dân cùng nhau gói bánh chưng ở thị trấn Trường Sa.


Thấm thoắt đã 16 năm Đại úy Đào Thanh Hải mang trên mình quân phục hải quân. 5 năm qua, anh đã nhận nhiệm vụ và đón 5 cái Tết ở các đảo chìm, đảo nổi ở Trường Sa, gồm: An Bang, Núi Le B, thị trấn Trường Sa, Đá Thị, Sinh Tồn. Anh Hải chia sẻ, đón Tết ở đảo không khác mấy so với đất liền khi nơi đây có tình quân dân đậm đà, có đầy đủ các nghi lễ của phong tục Tết cổ truyền của dân tộc. Anh còn nhớ mùa xuân đầu tiên đón Tết xa gia đình ở thị trấn Trường Sa, vào những ngày cuối năm là những ngày rộn rã nhất, khi quân và dân trên đảo cùng nhau làm giò, gói bánh chưng bằng lá bàng vuông, xung quanh ríu rít tiếng cười trẻ thơ. Những ngày giáp Tết, anh cùng đồng đội tham gia các hoạt động trang trí hoa mai, hoa đào, sáng tác thơ nhạc, làm báo xuân ngợi ca quê hương đất nước… Các hoạt động đầm ấm ấy giúp anh dần vơi đi nỗi nhớ nhà.


Thượng tá Nguyễn Công Chính - Chính trị viên đảo Trường Sa chia sẻ, năm nay là năm thứ 2 anh đón Tết ở thị trấn Trường Sa. Dù cách xa đất liền hàng trăm hải lý, nhưng cơ sở vật chất và đời sống văn hóa tinh thần ở đảo rất đầy đủ. Cứ mỗi dịp cuối năm, các chuyến tàu từ đất liền liên tục cập bến mang theo những cây quất, cành đào, lương thực thực phẩm, đặc sản các vùng miền… cho quân và dân ở Trường Sa đón Tết. Vào dịp Tết, ở đảo cũng có nhiều hoạt động như: tổ chức đón giao thừa, các trò chơi văn hóa dân gian, văn nghệ, hái hoa dân chủ… Vào dịp đầu năm mới, quân và dân cùng tề tựu thực hiện nghi lễ chào cờ Tổ quốc, sau đó đến thắp hương tại Đài tưởng niệm liệt sĩ, Nhà tưởng niệm Bác Hồ, các chùa trên đảo…


Tâm tình người lính nhà giàn


Ở Nhà giàn DK1, có một cuốn sổ màu hồng mang tên “Tâm tình chiến sĩ”. Lật cuốn sổ ra, chúng tôi đã rất cảm động khi đọc được những dòng chia sẻ của những người lính Nhà giàn DK1 qua nhiều thế hệ về “mùa xuân đầu tiên” của mình ở nhà giàn. Đêm giao thừa đầu tiên năm 2015, anh Nguyễn Văn Linh viết: “Mùa xuân đang tràn về trên khắp nẻo đường, góc phố, làng quê, chắc là sắc xuân đã ngập tràn, phơi phới. Mẹ giờ này chắc đã xong buổi cấy, còn chợ búa cuối năm, cha có lẽ đã chuẩn bị xong nồi bánh chưng ngày Tết. Chúng con ở nhà giàn cũng đang cùng nhau trang trí hoa mai, hoa đào (bằng nhựa), bày biện bàn thờ Bác Hồ, chăm sóc vườn rau xanh… Dù bất cứ lúc nào, chúng con ở đây không một giây phút lơ là các nhiệm vụ được cấp trên giao vì chúng con hiểu được rằng, nhiệm vụ bám biển, bảo vệ nhà giàn tuy nhiều khó khăn vất vả song rất đỗi vinh dự, tự hào. Chúng con sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương để đất liền được trọn vẹn niềm vui đón Tết”.


Cùng với niềm vui của nhân dân cả nước, các chiến sĩ nhà giàn có đầy đủ hương vị mùa xuân. Anh Trần Huy Hiệu từng có 3 năm công tác ở Nhà giàn DK1 viết: “Năm 2011, giờ khắc giao thừa, anh em chúng tôi nghe Chủ tịch nước đọc thư chúc Tết. Giữa biển trời mênh mông sóng nước, bao câu chuyện về quê nhà và niềm chung riêng của mỗi người lính được chia sẻ. Có những đồng chí thường ngày điềm tĩnh, ít nói thì nay dốc lòng mình chia sẻ, thể hiện những ca khúc bên đồng đội. Sau những phút giây tưng bừng là khoảng lặng, cái nắm tay thân thiết ân tình, như truyền cho nhau sức mạnh để vững tin trong mùa xuân mới”. Còn Thượng úy Nguyễn Hữu Cường chia sẻ, năm nay anh 43 tuổi đời nhưng đã có  hơn 22 năm tuổi quân. 22 năm qua, anh dành trọn vẹn thanh xuân, sức trẻ của mình cho biển đảo quê hương, Nhà giàn DK1. “Mỗi dịp Tết đến, xuân về, quân dân cả nước đều hướng về cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đây là nguồn cổ vũ, động viên lớn lao để mỗi người lính Nhà giàn DK1 vượt qua những khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ”, anh nói.


Ở nơi trùng khơi, trái tim của người chiến sĩ luôn hướng về đất mẹ và cả nước cũng không bao giờ quên các anh. Đối với những người lính đảo, mỗi dịp xuân về, Tết đến, tình cảm ấy giúp họ càng thêm yêu Tổ quốc hơn, và càng thêm vững tin, chắc tay súng bảo vệ biển đảo quê hương.  


THÁI THỊNH