Vịnh Nha Trang có một hệ sinh thái biển đa dạng với nhiều dạng sinh cư khác nhau. Chính sự đa dạng của san hô và các sinh vật rạn khác đã tạo nên cảnh quan kỳ thú dưới nước và cũng là tài nguyên đặc biệt mà thiên nhiên ưu đãi cho Nha Trang - Khánh Hòa. Đây chính là vốn tài nguyên vô cùng quý giá để Nha Trang có thể phát triển kinh tế biển bằng thế mạnh mà không nhiều địa phương có được.
Vịnh Nha Trang có một hệ sinh thái biển đa dạng với nhiều dạng sinh cư khác nhau. Chính sự đa dạng của san hô và các sinh vật rạn khác đã tạo nên cảnh quan kỳ thú dưới nước và cũng là tài nguyên đặc biệt mà thiên nhiên ưu đãi cho Nha Trang - Khánh Hòa. Đây chính là vốn tài nguyên vô cùng quý giá để Nha Trang có thể phát triển kinh tế biển bằng thế mạnh mà không nhiều địa phương có được.
Hiện trạng phát triển kinh tế biển
Trong các ngành kinh tế biển xanh đang hiện hữu ở Nha Trang, du lịch biển là ngành chủ đạo, đã đạt nhiều thành tựu, nhất là về phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp và tổ chức nhiều loại hình khám phá, giải trí trên biển và trong lòng biển; định hướng phát triển cảng biển du lịch cũng đang đi vào thực tiễn. Tuy nhiên, phát triển hạ tầng du lịch ven bờ và trên đảo đang làm gia tăng lắng đọng trầm tích, làm suy thoái môi trường biển. Cùng với lấn biển và một số hoạt động thiếu kiểm soát khác, chính du lịch đã góp phần làm suy giảm cảnh quan các sinh cư trên cạn và dưới nước, đặc biệt là rạn san hô - tài nguyên du lịch đặc biệt của Nha Trang với tính đa dạng rất cao và sinh cảnh đẹp.
Cùng với đó, ngành Thủy sản đang đối mặt với nhiều vấn đề. Nuôi trồng thủy sản ven biển hầu như không còn do phát triển hạ tầng đô thị, nuôi biển bị du lịch đẩy lùi đến quy mô rất nhỏ và tạm bợ. Nguồn lợi thủy sản ở vùng biển trong vịnh đang bị khai thác quá mức...
Từ lâu, việc bảo tồn biển được xác định rất quan trọng do hầu hết diện tích vịnh Nha Trang nằm trong ranh giới Khu Bảo tồn biển do Ban Quản lý vịnh Nha Trang điều hành. Tuy nhiên, hoạt động bảo tồn biển chưa đạt hiệu quả như mong đợi và chưa đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đặc biệt, tình trạng suy thoái rạn san hô đang xảy ra nghiêm trọng trong thời gian gần đây ở hầu hết các khu vực, kể cả trong vùng “bảo vệ nghiêm ngặt” của Khu Bảo tồn biển Hòn Mun.
Những việc cần làm ngay
Về các ý tưởng liên quan đến quan điểm kinh tế - sinh thái, trước hết, cần xác định rõ, bảo tồn và phát triển đều cùng mục tiêu hướng đến sự bền vững. Vì vậy, việc cần làm ngay là phải thiết lập các vùng không khai thác sử dụng thực sự trong các khu bảo tồn biển nhằm duy trì tài nguyên sinh vật và bảo tồn các loài quý hiếm, duy trì tài nguyên cho khai thác thủy sản bền vững và hoạt động dịch vụ du lịch của địa phương. Sự bền vững của nguồn lợi thủy sản còn phụ thuộc vào khả năng tái tạo tự nhiên của quần thể. Vì vậy, việc bảo vệ các bãi đẻ, ương giống của các loài nguồn lợi song song với bảo tồn sinh cảnh của chúng cần được coi trọng và triển khai theo hình thức thiết lập các khu bảo tồn nguồn giống thủy sản.
Đối với các khu vực biển được quy hoạch cho khai thác sử dụng, các cơ quan chức năng cần xây dựng chính sách để tạo cơ chế và có biện pháp thực thi việc doanh nghiệp và cộng đồng tham gia quản lý và sử dụng tài nguyên. Hiện nay, hầu hết các đảo và vùng ven biển đang được khai thác sử dụng bởi các doanh nghiệp du lịch. Việc giao mặt biển cho doanh nghiệp cũng đã được thực hiện nhưng hiệu quả quản lý và sử dụng còn nhiều bất cập. Vận mệnh của hệ sinh thái biển trong vịnh Nha Trang phụ thuộc vào thái độ ứng xử với thiên nhiên của các doanh nghiệp. Vì vậy, cần phải thực hiện nghiêm quy chế về sự tham gia của doanh nghiệp trong quản lý và sử dụng tài nguyên nhằm phát triển du lịch sinh thái.
Hiện việc suy giảm của ngành thủy sản là vấn đề cần quan tâm, nhất là về phương diện xã hội. Vì vậy, thành phố cần chú trọng hơn trong phát triển dịch vụ nghề cá, đưa hoạt động các cảng cá vào nề nếp hơn, nâng cao năng lực đánh bắt xa bờ và chế biến thủy sản, có phương án đào tạo, chuyển đổi tạo việc làm cho cộng đồng dân cư ven biển. Nuôi biển trên vùng biển mở là một hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng đòi hỏi sự đầu tư và công nghệ với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn.
Bên cạnh đó, cần sớm phân vùng không gian biển theo quan điểm liên ngành sẽ là cơ sở cho sự phát triển hài hòa giữa các ngành kinh tế biển xanh và mang lại lợi ích tối đa về kinh tế - xã hội - môi trường của toàn thành phố. Du lịch kết hợp với nuôi biển công nghệ cao sẽ là hướng đi tạo ra những loại hình giải trí mới (khám phá công nghệ, câu cá thể thao). Nuôi thiên nhiên các loài hải sản đắt tiền (hải sâm, bào ngư, vú nàng, ốc đụn) có thể được triển khai ở các vùng biển đang được giao cho các doanh nghiệp quản lý. Song song đó, theo quan điểm “từ đầu nguồn đến biển”, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ đất liền đối với vịnh Nha Trang và phát triển mạnh mẽ du lịch cao cấp của thành phố, việc đề nghị UNESCO công nhận phức hợp Hòn Bà - sông Cái - vịnh Nha Trang là khu dự trữ sinh quyển thế giới đã được giới khoa học đề nghị và là hướng đi phù hợp cho Nha Trang.
Ngoài ra, chính quyền cũng cần có hướng hỗ trợ thúc đẩy phát triển các ngành đào tạo liên quan đến biển, tạo môi trường cho các nhà khoa học trong và ngoài nước đến làm việc. Điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế thông qua dịch vụ đối với nguồn “khách du lịch dài hạn” này và qua tổ chức du lịch sự kiện. Qua đó còn góp phần xây dựng Khánh Hòa thành trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về biển của cả nước.
Phát triển kinh tế biển ở Nha Trang đang là chủ đề nóng của nhiều diễn đàn, trong đó một số khái niệm như “kinh tế lấn biển”, “kinh tế đảo” được thảo luận như là những ngành kinh tế biển. Đây là những vấn đề cần được các chuyên gia kinh tế và hoạch định chính sách xem xét nghiêm túc và khách quan. Thảo luận và hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế biển bền vững ở Nha Trang cần được coi là việc cấp bách nhằm phát huy tối đa lợi thế “thiên thời, địa lợi” và tránh được những sai lầm không thể khắc phục về sau.
V.S.T
PGS.TS Võ Sĩ Tuấn - Nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học