Với tâm huyết và tình yêu dành cho biển, đảo, PGS-TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam đã có những đánh giá, phân tích khá toàn diện về vị trí, tiềm năng, lợi thế cũng như những khó khăn, thách thức trong vấn đề bảo tồn, phát triển bền vững vịnh Nha Trang hiện nay, để từ đó truyền đi thông điệp chung tay gìn giữ vịnh Nha Trang. Báo Khánh Hòa trân trọng giới thiệu bài viết của PGS-TS Nguyễn Chu Hồi về vấn đề này.
Với tâm huyết và tình yêu dành cho biển, đảo, PGS-TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam đã có những đánh giá, phân tích khá toàn diện về vị trí, tiềm năng, lợi thế cũng như những khó khăn, thách thức trong vấn đề bảo tồn, phát triển bền vững vịnh Nha Trang hiện nay, để từ đó truyền đi thông điệp chung tay gìn giữ vịnh Nha Trang. Báo Khánh Hòa trân trọng giới thiệu bài viết của PGS-TS Nguyễn Chu Hồi về vấn đề này.
Lợi thế và thách thức
Vịnh Nha Trang hội tụ nhiều lợi thế vượt trội và giàu tiềm năng phát triển. Ở đây có Khu Bảo tồn biển Hòn Mun là khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam được thành lập vào năm 2001, đến năm 2004 đổi tên thành Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang với diện tích hơn 16.000ha (160km2), gồm 9 đảo và vùng nước xung quanh. Vịnh Nha Trang được công nhận là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới (năm 2003), và cũng được xếp hạng di tích quốc gia. Năm 2019, Tạp chí Forbes đã bình chọn bãi biển Nha Trang là 1 trong 10 bãi biển đẹp nhất Việt Nam. Với tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế biển, Nha Trang được xác định là một trong ba vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, tập trung ưu tiên đầu tư đến năm 2030. Theo đó, du lịch trở thành ngành kinh tế biển then chốt gắn với kinh tế đô thị biển và triển vọng phát triển kinh tế sinh thái biển dựa vào bảo tồn vịnh Nha Trang. Bên cạnh đó, một hình mẫu “tiểu đô thị đảo” sinh thái thông minh trên đảo Hòn Tre được hình thành sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo của thành phố biển.
Tuy nhiên, mục tiêu bảo tồn bền vững vịnh Nha Trang đang gặp phải những thách thức không nhỏ. Đó là: Tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai biển, vừa là vấn đề trước mắt, vừa lâu dài; các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư hưởng dụng từ vịnh chưa thực sự tham gia vào quá trình quản lý vịnh; kiểm soát các hoạt động phát triển, nhất là du lịch và nghề cá trên vịnh, cũng như các nguồn thải vào vịnh còn bất cập; tiếp cận tổng hợp và cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý, quản trị vịnh chưa đạt hiệu quả mong đợi; sinh kế của cộng đồng dân cư sống trong và lân cận vịnh Nha Trang vẫn chưa được cải thiện đáng kể; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang còn có những mặt hạn chế. Những điều đó dẫn đến hậu quả: Chất lượng môi trường vịnh Nha Trang biến đổi theo chiều hướng xấu, bị ô nhiễm cục bộ; các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn... bị suy giảm diện tích, một số nơi bị suy thoái nghiêm trọng, vụn nát. Môi trường vịnh xấu khiến cho san hô mắc bệnh, bùng phát loài sao biển gai gây hại san hô, san hô bị tẩy trắng dưới tác động của biến đổi khí hậu.
Chung tay bảo tồn vịnh Nha Trang
Tại Nghị quyết số 09 ngày 28-1-2022, Bộ Chính trị yêu cầu việc xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa phải dựa trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên biển, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Vì thế, trước tình trạng môi trường vịnh Nha Trang xuống cấp nghiêm trọng, lãnh đạo tỉnh đã xác định: việc giữ gìn và phục hồi rạn san hô trong vịnh Nha Trang, bao gồm khu vực biển Hòn Mun là một trong những nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp thiết, vừa lâu dài của tỉnh nói chung và TP. Nha Trang nói riêng. Với thái độ cầu thị và mong muốn huy động mọi nguồn lực để triển khai đồng bộ các giải pháp cả trước mắt và lâu dài, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030. Thông qua kế hoạch này, tỉnh đã phát đi thông điệp “Chung tay gìn giữ vịnh đẹp toàn cầu” với hy vọng nhận được sự hỗ trợ từ các bộ, ngành Trung ương và tổ chức quốc tế liên quan. Đồng thời, tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành chủ động phối hợp để thực hiện tốt trách nhiệm được giao theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Tỉnh cũng kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp và người dân, cùng với sự đồng hành của các tổ chức khoa học trong và ngoài nước.
Kế hoạch này hướng tới mục tiêu: Tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước đối với vịnh Nha Trang thông qua thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng, liên cơ quan với sự tham gia của các doanh nghiệp và cộng đồng liên quan; phục hồi được các hệ sinh thái rạn san hô đã bị suy thoái ở khu vực biển Hòn Mun và trong vịnh Nha Trang; huy động được các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư sống trong và lân cận tham gia quản lý vịnh Nha Trang, tham gia giám sát, bảo vệ và bảo tồn rạn san hô trong vịnh gắn với phát triển sinh kế bền vững, các hoạt động kinh tế thân thiện với môi trường và được kiểm soát nghiêm ngặt; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban Quản lý vịnh Nha Trang; thử nghiệm mô hình quản trị công tư theo hướng xã hội hóa trong quản lý, sử dụng và bảo tồn vịnh Nha Trang; xây dựng được cơ chế tạo nguồn tài chính lâu bền theo hướng kết hợp ngân sách nhà nước với huy động tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có khai thác, sử dụng vịnh Nha Trang, từ các nhà tài trợ trong nước và quốc tế và từ các nguồn xã hội hóa khác; nâng cao nhận thức, kiến thức về cách ứng xử thân thiện với môi trường vịnh Nha Trang cho cộng đồng, doanh nghiệp, du khách và các thành phần xã hội khác có liên quan.
Phục hồi vịnh Nha Trang và rạn san hô bị suy thoái là việc làm lâu dài, phức tạp từ nay đến năm 2030. Nó đòi hỏi phải dựa trên các nguyên tắc và cơ sở khoa học nhất định, đôi khi mang tính chuyên ngành chuyên sâu. Cho nên, thành công hay không phụ thuộc vào khâu điều phối và tổ chức triển khai thực hiện; phụ thuộc vào tính tổ chức, tâm huyết và tình yêu đối với vịnh đẹp của các bên liên quan, của từng cán bộ và người dân. Đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động quản lý nhà nước theo thẩm quyền với hoạt động tư vấn của các cơ quan và nhà khoa học, của chuyên gia...
Khánh Hòa gìn giữ vịnh Nha Trang không chỉ vì lợi ích riêng của tỉnh, mà chính là bảo tồn những giá trị của quốc gia và toàn cầu. Vì vậy, việc bảo tồn vịnh Nha Trang cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và cư dân sống trong và lân cận Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang, cũng như các tổ chức quốc tế liên quan để vịnh Nha Trang sớm phục hồi trở lại, sẽ xanh, sạch, đẹp.
Xuân Quý Mão về, những “bông hoa san hô” sẽ khoe sắc trong vịnh đẹp toàn cầu, mang đến niềm vui và hạnh phúc cho Nha Trang, Khánh Hòa và Việt Nam biển!
Vịnh Nha Trang, xưa gọi là vịnh Bình Cang, nằm ở phía đông của TP. Nha Trang. Đây là vịnh lớn thứ 2 của tỉnh (sau vịnh Vân Phong) với diện tích bề mặt 24.965ha (249,65km2) và có 19 đảo lớn, nhỏ nằm rải rác với tổng diện tích khoảng 37,8km2. Trong đó, lớn nhất là đảo Hòn Tre (rộng 36km2) án ngữ phía đông - đông nam khiến cho vịnh này kín gió và êm sóng; nhỏ nhất là Hòn Nọc - mỏm đá trọc, có diện tích chừng 4ha (0,04km2). Vịnh Nha Trang nằm trong giới hạn được xác định bằng các điểm nối từ mũi Kê Gà đến mũi Cù Hin trên đất liền ra các đảo: Hòn Câu, Hòn Nọc và Hòn Mun - những địa điểm lặn biển nổi tiếng. |
. PGS-TS NGUYỄN CHU HỒI