1. Năm nay chắc do ảnh hưởng của El Nino nên trời Maryland không lạnh bằng nhiều năm trước. Năm ngoái, mới tháng 12 mà cả thủ đô đã oằn mình chống chọi với gần chục cơn bão tuyết rồi. Trận này chưa qua thì trận khác ập tới liền liền. Đường sá lúc nào cũng phủ một lớp tuyết dày cả thước. Ngán gì đâu!
1. Năm nay chắc do ảnh hưởng của El Nino nên trời Maryland không lạnh bằng nhiều năm trước. Năm ngoái, mới tháng 12 mà cả thủ đô đã oằn mình chống chọi với gần chục cơn bão tuyết rồi. Trận này chưa qua thì trận khác ập tới liền liền. Đường sá lúc nào cũng phủ một lớp tuyết dày cả thước. Ngán gì đâu!
Nhờ trời ấm mà nhiều cây anh đào tự nhiên nở bung bông làm người ta mừng hớn hở tưởng xuân sắp về. Mấy chậu cúc trắng, cúc vàng trồng trước sân lại đâm chồi, ra hoa thiệt đã. Nhất là vạn thọ tưởng chết rồi lại nở vàng cả lối. Thơm ngạt thơm ngào. Đi qua đi lại, đi tới đi lui cứ thích chạm tay vô rồi ngửi. Rửa cả chục lần mà mùi thơm vẫn còn vương vấn thấy thương.
Tự nhiên nhớ Tết ở quê quá!
Tôi mê cúc vàng và vạn thọ từ hồi nhỏ xíu. Tết năm nào cũng năn nỉ ba mua về chưng cho bằng được. Thương con, ba hay mua một chậu cúc đại đóa, thược dược đủ màu và mãn đình hồng chưng trong nhà với cành mai ông ngoại Sáu tặng làm quà cuối năm. Còn vạn thọ thì lấy bông khô năm ngoái, trước Tết cỡ hai tháng, ươm vô thùng, chờ nó lên cây non, bứng ra, bỏ vô chậu nhỏ, chất đầy hai lối đi, thơm không gì tả nổi.
Hổng hiểu sao bây giờ ở quê, người ta không trồng thược dược hay mãn đình hồng nữa, mà toàn cúc vàng. Vạn thọ thì cũng lèo tèo vài chậu bé xíu cho vui. Cuối năm ra chợ, đoạn đường mới mở gần ủy ban huyện có cả mấy ngàn chậu cúc bán lai rai từ lúc đưa ông Táo về trời tới sau giao thừa. Đi xa về, đứng giữa rừng hoa cúc vàng chợt bồi hồi bởi biết bao nhiêu kỷ niệm cũ ùa về. Rồi chạnh lòng thấy cảnh người ta kì kèo thêm bớt vài ngàn cho mỗi chậu. Dù có thương họ như thế nào đi chăng nữa, tôi cũng chỉ mua hai chậu về chưng trong ba ngày Tết. Thôi thì nói bao nhiêu tôi đưa bấy nhiêu chứ đứng trả giá nữa thì thiệt lòng không nỡ.
2. Mới đầu tháng 11 âm lịch, lên facebook đã nghe bạn bè chộn rộn mua vé máy bay, tàu xe đủ hết, chuẩn bị về với gia đình sau một năm vất vả. Tự nhiên thấy nôn trong lòng. Ừa, bên nhà cũng sắp đến Tết rồi còn gì. Mọi người hân hoan bắt đầu sắm sửa cho ba ngày Tết. Chả bù bên này, quanh năm suốt tháng đi làm có biết Tết nhất là chi. Nếu Tết rơi vào cuối tuần thì còn đi chùa lễ Phật, đi hội chợ cho vui, chứ trong tuần đành chịu, bởi phải đi làm kiếm sống.
Những năm không về, tôi cũng ghé chợ Việt mua bịch mai giả và đi bẻ một cành cây khô về hì hục gắn bông lên, cắm giữa nhà, ngay mâm ngũ quả, có trái dưa hấu xanh tươi, để nhà cửa có chút màu của Tết. Đêm ba mươi đi làm về sớm, ghé chợ mua ít đồ về nấu mâm cơm tất niên, có mấy món quen như thịt thưng, canh bún lòng gà, khổ qua xào trứng. Thắp nhang, lẩm bẩm nguyện cầu, mong chuyện cũ đem đi chuyện lành đem tới. Sẵn dịp mời ông bà về ăn với con cháu cho vui.
Rồi tự nhiên chạnh lòng nhớ ba má gì đâu!
Hồi còn sống, sau rằm tháng Chạp, dù có bận trăm công ngàn việc, ít nhiều ba má cũng lo cho gia đình một cái Tết no tròn. Ba lui cui sai hết thằng này dọn mạng nhện, quét vôi tường, tới đứa kia đi xin khế, hốt tro, kì cọ chân đèn sáng bóng. Má sai chị ra chợ mua me lột sẵn, lựa trái thiệt mập, căng tròn, đem ngâm đường cát sống chứ không ngâm vô nước đường nấu nguội bởi me sẽ ra nhớt nhanh, không để được lâu. Thêm vài ký kiệu, phơi héo, cắt rễ, lột vỏ, ngâm trong nước tro cho trắng, lèn vô thẩu, pha giấm, muối, đường, hong nắng làm kiệu chua. Đu đủ với cà rốt gọt vỏ, lấy dao cắt miếng cỡ đầu ngón tay, phơi hai nắng rồi bỏ vào thẩu làm dưa món. Mua mớ mứt dừa, gừng, mứt dẻo, hột dưa, thẩu bánh thửng, mấy đòn bánh tét về để trong bếp, cúng ông bà và đãi khách.
Má than lưng tao dạo này yếu quá, ngồi lâu nó mỏi, nhưng mới vừa đưa ông Táo về trời, đã lo mua nếp về trữ đầy bồ, hai tám hối con ngâm nếp, rọc lá chuối, tuốt sống lá kỹ càng, lăng xăng ướp thịt mỡ với tiêu hành, vò đậu xanh, đậu phụng, sáng hai chín ngồi nửa ngày gói mấy chục đòn bánh tét. Nửa đêm, nhà chục người quây quần bên bếp lửa, nghe má kể đủ chuyện trên đời, thời Bảo Đại đi Tây mới về, tới hồi ba bây mê mẩn, rù quến tao vì mớ tóc dài thon thả... Tờ mờ sáng, bánh chín đều, thơm khắp cùng làng ngõ xóm.
Sáng đầu năm, cả nhà quây quần trước bàn thờ tổ tiên, bên mấy chậu hoa để ba má lì xì. Có bao nhiêu đâu, vài trăm tới một ngàn bạc mà quý vô cùng. Tất cả đã trở thành một ký ức ấm êm không bạc tiền nào mua lại được. Giờ ai cũng lớn, có gia đình riêng hết cả rồi. Mỗi đứa một nơi, mỗi người một ngả. Chẳng biết bao giờ mới đủ đầy sum họp như xưa?
3. Nhưng nhớ nhất, thương nhất là chuyện con nít chuẩn bị tổng vệ sinh định kỳ ăn Tết.
Hồi đó, mấy đứa xóm tôi, đầu đầy trứng trắng. Chí đực với chí mén thay phiên nhau đẻ cả nùi vì toàn tắm nước lạnh, không có xà bông gội đầu. Ngứa quá, tìm tờ giấy trắng kê dưới đất. Gục xuống, lấy lược dày chải cái ót. Trời ơi chí mẹ chí con rớt độp độp thấy ghê. Vậy mà có người mê chí mới ớn ăn chứ. Chiều nào, dì bảy Trầu cũng ngồi trước cửa nhà, thấy con nít đi qua là ê ê, tới đây ngồi im để tao bắt chí rồi cho tiền ăn Tết. Tụi tôi tham tiền nên xếp hàng ngồi trong lòng để dì vạch đầu mò mò một hồi, bắt một con, cắn cái bụp. Mò hai hồi, bắt thêm con nữa, cắn cái bụp. Cứ thế làm hoài. Mà cắn xong dì đâu có nhả liền. Ngậm một họng, khi nào nhiều quá mới nhổ cái bẹt thấy ghê. Trời ơi, nhìn là muốn ói. Vậy mà dì ghiền bắt chí như ghiền ăn trầu, bữa nào không có chí chắc dì ngủ không ngon, ăn không yên quá.
Hồi đó làm gì có xà bông. Giặt đồ toàn bằng cách pha tro vô nước giếng, lắng lấy nước trong, ngâm đồ trắng bóng. Đi tắm toàn kỳ bằng tay, hoặc tạt nước lên thành giếng rồi chà lưng vô cho sạch đất. Bữa nào chà quá tay, da trầy trụa, đau thấy mấy ông trời. Cuối năm, không thể để đất dính da dày cả lớp như vậy được. Nên ba má kêu bọn tôi ra giếng, xối cho vài gàu, rồi lấy dầu lửa, nhúng vô khăn chà khắp người. Thế là đất cát gì cũng ra cả cục. Sạch trơn.
Vài năm sau mới có hũ xà bông hình con vịt của Viso, toàn là xút, giặt đồ xong tay khô như ngói. Ơn trời, nhờ mớ bột giặt này lấy đem gội đầu mà chí đực chí mén gì cũng đi tong. Giờ mò một con chắc cũng chẳng ra.
Lúc đó, hầu như góc chợ nào cũng có chú hàn dép ngồi bên lò than với mấy thanh sắt và vài đôi dép cũ. Dép con gà là số một, chỉ người giàu mới có tiền mua. Khá chút đỉnh thì mang dép lào, dép cá sấu. Còn nghèo như bọn tôi thì mang dép nhựa. Nó dỏm òm, vài tháng là hả họng. Tiền đâu mua dép mới nên phải đi hàn lại. Thế là ra chợ, tốn trăm bạc đưa chú sửa cho. Chú hơ cây sắt cho nóng, cắt miếng dép mồi, kê vô chỗ đứt, kêu cái xèo. Khói bay mù mịt. Xong. Cứ đứt là hàn. Nhiều đôi dép vá chằng, vá đụp thấy thương. Hết chỗ hàn mới đi bán nhôm nhựa được vài trăm ăn bánh. Khi nào tới Tết ba má mới mua cho đôi mới. Mân mê hoài. Cầm ngửi mùi nhựa thơm thích mê man.
Mỗi năm đứa nào cũng chỉ được may một bộ đồ mới ăn Tết. Còn phần lớn là mặc áo bính. Đứa lớn mặc chật, nhường xuống đứa nhỏ phía sau. Có năm, đêm giao thừa mà cả bọn đứng ngay cửa sổ. Chị Hòa may đồ cho khách trước, xong rồi mới tới người nhà. Xong cái nào, đưa ra, hí ha hí hửng xỏ vô cái đó. Áo còn in vết phấn may và đường chỉ rối chưa kịp cắt. Có năm, chị lấy vải tám mỏng như lá lúa, hay vải vụn, vá chùm vá đụp thành cái áo đủ màu sắc cho em. Tết năm lớp 1, chị may cho tôi cái áo tám chín chục màu. Vô lớp bị bạn bè chọc quá trời. Về nhà khóc hu hu hổng thèm mặc nữa. Ngẫm lại hồi đó tôi cũng rất thời trang!
4. Giờ sống xa quê làm cũng có chút đỉnh tiền gửi về nhà sắm sửa nên Tết nhất cũng sung túc hơn. Nhưng hễ mỗi khi trời đổ lạnh là lại thấy buồn. Buổi sáng lái xe đi làm, bật kênh radio nào cũng nghe những giai điệu Giáng sinh vui tươi, rộn rã... Trên những góc phố, lác đác đã thấy người ta bán cây thông Noel xanh thẫm, đồng giá. Những vòng lá xanh có trái thông nâu, chuông vàng và những dải băng đỏ thắm được treo trên cột điện. Hoa trạng nguyên phơn phớt đỏ trong văn phòng. Hang đá, máng cỏ, Đức Mẹ đồng trinh, Chúa hài đồng nhấp nháy trong ánh đèn đêm rực rỡ.
Rồi tần ngần tự hỏi, hỡi những người thiên di muôn nẻo, sắp Tết rồi, đã chạnh lòng thấy nhớ quê chưa?
N.H.T