Được mệnh danh là "phù thủy" gáo dừa, ông Nguyễn Văn Tiếu, 84 tuổi ở phường Vạn Thắng (TP. Nha Trang) là người duy nhất tại Khánh Hòa chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ những quả dừa khô…
Được mệnh danh là “phù thủy” gáo dừa, ông Nguyễn Văn Tiếu, 84 tuổi ở phường Vạn Thắng (TP. Nha Trang) là người duy nhất tại Khánh Hòa chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ những quả dừa khô…
Đánh thức sọ dừa
Mỗi lần đi qua con hẻm 131 đường 2-4, chúng tôi đều nghe tiếng lách cách, sột soạt rất vui tai. Hỏi ra mới biết, tiếng động ấy phát ra từ nhà ông Nguyễn Văn Tiếu.
Các sản phẩm làm từ gáo dừa được ông Tiếu bày biện khắp nhà |
Trong căn phòng rộng khoảng 40m2, ông Tiếu bày biện cả nghìn sản phẩm chế tác từ gáo dừa khiến bất kỳ ai chiêm ngưỡng cũng phải thán phục trước sự công phu và độ tinh xảo của các sản phẩm. Từ các vật dụng phục vụ sinh hoạt như: muỗng ăn, chén bát, đèn ngủ, gáo múc nước, hộp đựng bánh kẹo, chuông gió, bình hoa... đến những đồ lưu niệm như: đồng hồ, búp bê, chim, cá, cảnh vật... Mỗi loại dường như đều có tiếng nói riêng của mình, muôn hình vạn trạng, không cứng nhắc. Tùy theo sản phẩm, ông còn khéo léo kết hợp với các loại vật liệu khác như: gỗ, tre để bảo đảm tính mỹ thuật, sự hài hòa giữa công năng và độ bền của sản phẩm. Chẳng hạn đèn ngủ được lồng bóng thủy tinh mờ ảo; thân cành sen được tết từ vỏ dừa; những chú chim cánh cụt ngộ nghĩnh...
Ông Tiếu chia sẻ, làm nghề này phải có con mắt tinh tường và niềm đam mê. Cái khó là từ một quả dừa, sọ dừa thô, người làm phải nhìn, định hình từng chi tiết phù hợp với vật gì, con gì trước khi làm. Muốn tạo hình một con chim cánh cụt phải hiểu được dáng vẻ, tính cách của nó. Mỗi quả dừa, sọ dừa vô hồn, qua bàn tay tài hoa của ông đã trở thành những tác phẩm mang dấu ấn riêng. Các sản phẩm của ông hiện được bày bán tại nhiều khu du lịch, khách sạn lớn trong tỉnh như: Vinpearl Land, Ana Mandara, Sheraton Nha Trang...
Ông Nguyễn Văn Tiếu đang chế tác gáo dừa. |
Với bàn tay tài hoa ấy, ông Tiếu đã nhận được nhiều bằng khen, bằng chứng nhận như: Giải Tinh hoa Việt Nam 2004, Quả cầu vàng trong Tuần lễ Du lịch thương mại quốc tế tại Nha Trang 2004; giải Sản phẩm có tính ứng dụng cao tại Festival dừa Bến Tre 2012...
Duyên với nghề
Kể cho chúng tôi nghe cơ duyên đến với nghề của mình, ông nói mình xuất thân từ một gia đình nông dân ở TP. Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) nhưng lại yêu mỹ thuật, mê những hình thù kỳ lạ của trái dừa khô từ thuở nhỏ. Ông chia sẻ: “Ngày trước, tôi thường nhặt những trái dừa khô đem về gọt đẽo thành những đồ vật khác nhau, nhưng sản phẩm ngày ấy khá thô kệch. Đến năm 1968, Tổ chức Giải trí thế giới (Thụy Sĩ) về Đông Hà mở lớp dạy nghề miễn phí làm các sản phẩm phục vụ đời sống từ những mảnh gáo dừa, gốc tre, tôi liền đăng ký theo học. Qua 3 tháng học tập, tôi biết mình đã có hướng đi mới. Từ đó cuộc đời tôi gắn liền với những sản phẩm từ gáo dừa”.
Tác phẩm tôm hùm được làm từ chất liệu gáo dừa. |
Thời ấy, những người trong Tổ chức Giải trí thế giới chủ yếu là truyền đạt kinh nghiệm chế tác, còn việc tạo ra sản phẩm như thế nào là tùy khả năng liên tưởng, sáng tạo của người học. “Tôi hầu như không gặp khó khăn gì khi học, vì chủ yếu họ dạy cách chế biến thủ công vỏ dừa, sọ dừa. Ngoài ra, họ không yêu cầu mình làm sản phẩm để chấm điểm hay nhận xét gì cả, mà thiên về gợi mở sáng tạo cho mình nhiều hơn”, ông Tiếu nhớ lại. Học xong, ông quyết định mưu sinh từ sọ dừa, thứ mà hầu hết người sử dụng đều bỏ đi. Năm 1975, khi đất nước thống nhất, ông cùng gia đình chuyển vào Nha Trang sinh sống. Tại đây, ông đi khắp các vùng quê để sưu tầm, thu mua sọ dừa và thả hồn sáng tạo, để rồi sản phẩm của ông theo chân những du khách đi khắp thế giới.
Tính đến nay, ông Tiếu đã có 45 năm gắn bó với nghề. Và nghề này đã giúp gia đình ông sống khá giả. Hàng tháng, khách đến đặt mua đủ loại sản phẩm, mỗi lô hợp đồng trị giá từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Không ít lần khách đặt hàng nhiều, ông Tiếu làm không xuể. Các sản phẩm được đặt hàng chủ yếu phục vụ khách du lịch nước ngoài. Đặc biệt, du khách rất ưa thích những sản phẩm làm ra từ sọ dừa lão (dừa già chỉ to bằng nắm tay trẻ em), rất hiếm và thuộc hàng cao cấp.
Ở tuổi xưa nay hiếm, chính vì thế ông luôn đau đáu việc tìm người để truyền nghề. Ông cho biết: “Trước đây tôi có ý sẽ truyền lại nghề cho con cháu, nhưng khi chúng lớn lên, mỗi đứa một phương, một chí hướng, công việc khác nhau và không có ai kiên nhẫn theo nghề của tôi”. Điều này đã thôi thúc ông tìm đến các cơ sở bảo trợ xã hội để truyền nghề cho trẻ em mồ côi. Năm 2013, ông đã truyền nghề cho 10 em tại cơ sở Mái ấm Anh Đào (thị xã Ninh Hòa). Tuy nhiên, các em ở đây còn nhỏ nên chuyện học nghề chỉ mới dừng ở góc độ tìm hiểu. Chính vì vậy, đến thời điểm này, mong muốn có được người học trò cùng giúp việc, cùng chia sẻ buồn vui của ông vẫn chưa thực hiện được.
V.G