Đối với người Việt xa xứ, mỗi độ Tết về, trong lòng ai cũng mong ngóng được về quê để sống trong không khí đoàn viên, đầm ấm cùng với gia đình và nhấm nháp phong vị quê hương.
Đối với người Việt xa xứ, mỗi độ Tết về, trong lòng ai cũng mong ngóng được về quê để sống trong không khí đoàn viên, đầm ấm cùng với gia đình và nhấm nháp phong vị quê hương.
1. Về đi em, làng quê cũ có con sông xưa vỗ bờ. Về ôm vai mẹ yêu dấu để được khóc như đứa trẻ thơ…, tiếng hát trầm khàn của nhạc sĩ Trần Tiến trong quán cà phê chiều trên phố vắng bất chợt gợi nỗi nhớ quê hương da diết. Bao năm “dan díu” phố thị, ký ức về làng quê vẫn luôn in đậm trong tôi, để rồi mỗi khi chiều đông hiu hắt, khi cái Tết đang cận kề, nỗi nhớ quê lại trào dâng trong lòng.
Hình ảnh mái đình làng luôn in đậm trong lòng người xa quê |
Làng! Người quê đi xa ai cũng đầy ký ức của rơm rạ, vẫn mang theo hình ảnh nương ngô bãi sắn, lũy tre xanh tươi, những cô gái quê gánh nước đêm hè. Quê tôi miền Trung nghèo khó, bao năm tôi vẫn nhớ đau đáu những buổi trưa hè cùng bạn bè lùa trâu tắm mát. Da diết nhớ thương buổi mùa đông giá rét, nhưng vẫn í ới thổi lửa nướng khoai bên bờ ruộng khô quắt. Nhớ những bạn bè thuở nhỏ với những cái tên hồn hậu như một thuở khó khăn, cứ lầm lũi lớn lên như ngọn cỏ hoang dại, rồi rời làng đi xa với bao ước vọng vào đời. Hết thế hệ này đến thế hệ khác, nối tiếp nhau ra đi mưu sinh khắp chốn, chỉ có làng vẫn như bà mẹ quê nghèo khó luôn mong ngóng đàn con trở về.
2. Làng! Nhìn vào google map, làng chỉ là chấm đen nhỏ bé vô danh! Nhưng vô danh sao được, bởi trong trái tim mỗi người Việt từ ngàn xưa, làng là tiếng thiêng liêng máu thịt. Làng nhỏ thôi nhưng sức sống bền dai, đầy sự mời gọi với biết bao ân tình. Ở đó có thương yêu bất tận, có chia ngọt sẻ bùi với những năm dài đi qua gian khó. Làng phía xa mờ ấy có ngày kỵ giỗ, có ngày cơm mới, có hội hè đình đám... như sợi dây kết níu, kéo nhau lũ lượt cùng về sau bao lo toan dặm dài mưu sinh. Và như một lẽ tự nhiên, mỗi lần Tết đến, người ta lại gọi nhau về làng. Tết về làng để đi tảo mộ, thắp nén hương cho ông bà đã khuất. Tết về làng là chạm vào cõi thiêng nhất của lòng người, để được sống trong những huyền tích tự mấy trăm năm người già nay còn kể.
3. Làng! Chỉ một chữ ấy thôi luôn gợi nên bao ký ức đầy sắc màu. Mỗi khi nhìn sắc hoa xuân, lại chộn rộn ước mong quay về để được sống lại những phiên chợ Tết, để được ngồi bên nồi bánh chưng của cha gói trong tàu lá chuối quê thơm nức mùi nếp. Tết về làng để được hít thở mùi bếp thơm lừng của xào nấu, được nhắm lát mứt cay nồng, nếm vị bánh xoài ngọt lịm. Tết về làng để biết luống cải ở góc vườn vẫn xanh, biết vạt nén thơm được mẹ trồng. Về để được ủ trong hơi men của mùi rượu nếp, để ăn bữa cơm chắt ra từ luống cày đẫm mồ hôi của người dân quê bình dị..., được nếm mùi nước mắm đằm thắm của người làng biển dày công tinh chế. Tết về làng ghé lại đình xưa rêu phong phủ kín, đi trên con đê vẫn sắc hồng màu hoa dại, ngang bến sông xưa nhớ lại những hẹn hò lứa đôi nay đã thành kỷ niệm.
Ai đó hơi cực đoan khi nói, Tết quê mới đúng nghĩa từ ngàn xưa để lại. Nhưng kỳ thực với người xa quê, ngày Tết được sống trong không khí đoàn viên, đầm ấm gia đình mới là Tết. Tết đó vẫn mãi đi theo dặm dài cuộc đời, xa xứ bao năm vẫn nhớ thương về. Tết nhớ bóng cha già tất tưởi lo toan cho mâm cúng tất niên chiều cuối năm, bóng mẹ hao gầy mừng đứng đợi con đầu ngõ, xoa mái tóc nửa đời sương gió vẫn còn “trẻ thơ”... Tết về quê, nơi đó có sự dịu ngọt tình cảm chan chứa mãi không vơi!
T.N