Trường Sa! 2 tiếng ấy thật thiêng liêng! Chỉ cần nghĩ đến mảnh đất nơi đầu sóng ấy, tự dưng lòng ngập tràn cảm xúc. Từ cảm xúc ấy, nhiều năm qua, các nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh ở Khánh Hòa đã cố gắng ghi lại những khoảnh khắc ý nghĩa về Trường Sa
Trường Sa! 2 tiếng ấy thật thiêng liêng! Chỉ cần nghĩ đến mảnh đất nơi đầu sóng ấy, tự dưng lòng ngập tràn cảm xúc. Từ cảm xúc ấy, nhiều năm qua, các nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh ở Khánh Hòa đã cố gắng ghi lại những khoảnh khắc ý nghĩa về Trường Sa, từ một Trường Sa gian khổ kiên cường những năm đầu sau giải phóng đến một Trường Sa đầy sức sống hôm nay.
Trường Sa, những ngày sôi động…
Đại tướng Lê Đức Anh thăm đảo Trường Sa Lớn |
Cuối tháng 4-1988, khi sự kiện 14-3-1988 tại vùng biển Cô Lin, Gạc Ma, Len Đao vẫn còn nóng hổi, nhà báo Nguyễn Viết Thái (khi ấy là phóng viên ảnh kiêm phụ trách mảng quân đội Báo Phú Khánh) được phân công đi Trường Sa. Những ngày nằm chờ ở nhà khách Vùng 4 Hải quân, xe mang thư, quà tặng gửi Trương Sa đến tấp nập, trong đau thương mọi người xích lại gần nhau hơn. Tại đây, anh đã được gặp cán bộ, chiến sĩ tàu HQ505 vừa từ Trường Sa trở về. Trong trận hải chiến bảo vệ chủ quyền Trường Sa, tuy bị trúng đạn của tàu đối phương nhưng thuyền trưởng Vũ Huy Lễ đã lệnh cho tàu HQ505 lao lên đảo Cô Lin biến tàu thành pháo đài giữ đảo. “Gặp những người lính trẻ măng, vừa đối mặt với cái chết nhưng nét mặt họ vẫn đầy vẻ tự tin, lạc quan… tôi lặng đi vì xúc động. Lòng càng nung nấu đến Trường Sa để ghi lại những hình ảnh chân thật về những người con đất Việt đang ngày đêm canh giữ biển trời quê hương”, anh Thái nhớ lại. Sát ngày đi, mọi người mới được biết Đại tướng Lê Đức Anh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đô đốc Tư lệnh Quân chủng Hải quân Giáp Văn Cương và nhiều cán bộ cao cấp của các quân chủng, tổng cục cũng đi trong chuyến đi này nên càng thêm hồi hộp, bởi đó là vinh dự không dễ gì có được. Sau mấy lần xuống tàu rồi lại lên bờ nằm chờ ở nhà khách, ngày 4-5-1988, đoàn mới khởi hành.
Đại tướng Lê Đức Anh đọc lời thề quyết tâm giữ đảo bên cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa Lớn. |
“Lần đầu ra đảo, giữa trùng khơi sóng nước, nhìn lá cờ Tổ quốc phần phật bay trong nắng lòng đã rung lên những cảm xúc tự hào về đất nước. Tôi chỉ dám bấm vài kiểu ảnh, còn lại tự dặn lòng phải để dành phim chụp những hình ảnh thật có ý nghĩa, phản ánh đời sống, tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ ở Trường Sa”, nhà báo Viết Thái nhớ lại. Khi đến đảo Đá Lát, nhìn 7 người lính trẻ sống trên một cái nhà chân cao chừng vài chục mét vuông giữa nắng gió Trường Sa, mọi người lặng đi, trong lòng trào dâng một niềm cảm phục về ý chí, tình yêu Tổ quốc của những người lính đảo. Anh Thái tranh thủ thời gian ghi lại hình ảnh những người lính đang lau chùi súng đạn, luyện tập dưới cái nắng gay gắt..., trong đó nhiều người chỉ mặc mỗi chiếc quần đùi, lưng đánh trần đen bóng. Những tấm ảnh chân thực, không hề có sự sắp đặt của anh - những người lính Trường Sa luôn tràn đầy tinh thần lạc quan, dù đời sống gian khổ vẫn in đậm trong từng thước phim.
Trong hành trình gần 20 ngày thăm Trường Sa, Viết Thái đã ghi lại nhiều hình ảnh chân thực, rất quý giá về các đảo: Đá Lát, Đá Đông, Núi Le, Tốc Tan, Tiên Nữ, Trường Sa Lớn, Phan Vinh, Thuyền Chài... Đó là hình ảnh về những căn nhà cao chân trên các đảo chìm được che chắn tạm bợ bằng những tấm phên cót, mái nhà lợp bằng tôn… mà bây giờ chỉ còn trong ký ức. Là cảnh lính Công binh xây dựng nhà lâu bền trên đảo Núi Le, màn diễn tập chiến đấu của những người lính đảo Trường Sa ngày ấy thật là khắc nghiệt, đảo nổi toàn đá san hô khô cằn như hoang mạc, đảo chìm chỉ là những căn nhà chân cao nhỏ bé chênh vênh giữa sóng gió, nhưng những người lính đảo can trường vẫn đứng vững với lời thề giữ đảo. Xen lẫn giữa những hình ảnh đó, nhà báo Viết Thái cũng đã kịp ghi lại tình cảm ngọt ngào giữa đất liền với đảo xa qua hình ảnh ca sĩ Anh Đào, Thanh Thanh của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng vừa khâu cúc áo vừa hát cho chiến sĩ, cảnh hát bên mâm pháo…
Nhà chân cao trên đảo Đá Lát năm 1988. |
Trong bộ ảnh Trường Sa năm 1988 của nhà báo Viết Thái còn có những tấm ảnh đã trở thành tư liệu lịch sử hết sức quý giá, đó là tấm ảnh Đô đốc Giáp Văn Cương tự tay chỉnh tầm ngắm cho khẩu 12 ly 7 khi kiểm tra sẵn sàng chiến đấu ở đảo Thuyền Chài; ảnh Đại tướng Lê Đức Anh tại lễ kỷ niệm 33 năm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam, ngày 7-5-1988 ở đảo Trường Sa Lớn. Hơn 20 năm đã qua, nhưng mỗi khi nhìn lại tấm ảnh này, anh Thái vẫn nhớ như in giây phút Đại tướng đọc lời thề bày tỏ quyết tâm giữ đảo: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa trước đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu”.
…Trong câu chuyện về Trường Sa, nhà báo Viết Thái nuối tiếc “giá như ngày đó có phim để được chụp nhiều hơn”. Anh dự đinh sẽ trao tặng bộ ảnh Trường Sa năm 1988 cho Bộ Tư lệnh Hải quân nhân dịp 25 năm sự kiện hải chiến bảo vệ chủ quyền Trường Sa.
Chiến sĩ đảo Đá Lát lau chùi vũ khí và luyện tập chiến đấu. |
Dáng hình đất nước ở đảo xa
Những năm gần đây, nhiều nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh ở Khánh Hòa đã được đến Trường Sa, nhiều người đã thấy được sự đổi thay của quần đảo cực Đông Tổ quốc. Qua góc máy của các nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bá Dương, Trần Minh Ngọc, Văn Thành Châu, Nguyễn Đình Quân… hình ảnh Trường Sa như gần hơn với đất liền. Có dịp đến Trường Sa, họ đã tận dụng mọi thời khắc để ghi vào ống kính thật nhiều hình ảnh đẹp và có ý nghĩa về mảnh đất này. Đó là hình ảnh về những hòn đảo nhỏ kiên cường giữa biển khơi; là lá cờ đỏ sao vàng bay trên nền trời xanh cháy lên tình yêu Tổ quốc thiêng liêng; là khuôn mặt rạng rỡ, nâu rám vì nắng, gió biển của những người lính đảo đang ngày đêm chắc tay súng, sẵn sàng hy sinh tuổi trẻ gìn giữ biển đảo quê hương cho đến những vườn rau xanh trên đảo. Những bức ảnh tả thực mà vẫn khiến người xem rung động! Những ai từng đến Trường Sa mới thấu hiểu cái cảm xúc, niềm vui vỡ òa khi bắt gặp những vườn hoa cải nở vàng trên đảo, những vườn rau xanh cheo leo trên cánh sóng ở các đảo chìm, tiếng gà gáy lúc sớm mai… hay hình ảnh những chú bò thơ thẩn gặm cỏ khi chiều về. Những điều tưởng như nhỏ nhặt ấy chính là sức sống Trường Sa, sức sống của những người con đất Việt!
“Đất nước Trường Sa” |
Trong những người từng đến Trường Sa, nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bá Dương có những tấm hình để đời, một trong số đó là bức ảnh “Đất nước Trường Sa”. Nhà báo Lê Bá Dương kể, năm 2003, anh đến đảo chìm Len Đao. Từ trên nhà đảo nhìn xuống, vô tình bắt gặp doi cát cong cong hình chữ S, tự dưng anh liên tưởng đến dáng hình đất nước - vốn chịu nhiều đau thương nhưng rất đỗi anh hùng với lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Mấy anh lính đảo cho biết, doi cát ấy cứ xoay vần quanh đảo theo mùa gió nhưng bao giờ cũng mang dáng hình của đất mẹ Việt Nam. Thế là, người nghệ sĩ ấy đã bấm máy thu vào trong khuôn hình dáng hình đất nước ở khơi xa, trên nền cát trắng ấy là dấu chân những người lính ngày đêm canh giữ biển trời quê hương… Đó không chỉ là ảnh đẹp thông thường mà còn mang thông điệp về chủ quyền của Việt Nam nơi quần đảo này. Đầu năm 2007, trong chuyến đi đến đảo Sinh Tồn Đông, nhà báo Lê Bá Dương đã bắt được khoảnh khắc chú chim bồ câu bay trên đầu người lính đứng gác nơi đảo xa… Và anh đã gọi tấm ảnh ấy là “Khát vọng Trường Sa” như cái khát vọng hòa bình thầm kín nhưng hết sức mãnh liệt của những người lính đảo.
Trường Sa bây giờ đổi thay đã nhiều. Nhiều nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh đến với quần đảo đã mang về hình ảnh Trường Sa ánh điện rực sáng về đêm, những cột tua bin gió vươn cao kiêu hãnh giữa nền trời xanh, những gia đình đầm ấm… và cả mái chùa cong vút ngân nga tiếng chuông gợi nhắc đến văn hóa ngàn năm đất Việt. Và tôi nhận ra trong những tấm ảnh ấy không chỉ đơn thuần là kết quả của những cú bấm máy cơ học, mà còn là kết tinh của tình yêu nồng nàn với Trường Sa, mảnh đất được ví như “giọt máu thiêng” của Tổ quốc giữa ngàn trùng sóng gió…
THÀNH NGUYỄN