Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm và đề cao tiết kiệm. Người thường dùng hình ảnh “Sản xuất mà không tiết kiệm như gió vào nhà trống”. Người đặc biệt chú trọng kêu gọi, nhắc nhở cán bộ và nhân dân thực hành tiết kiệm trong dịp Tết.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm và đề cao tiết kiệm. Người thường dùng hình ảnh “Sản xuất mà không tiết kiệm như gió vào nhà trống”. Người đặc biệt chú trọng kêu gọi, nhắc nhở cán bộ và nhân dân thực hành tiết kiệm trong dịp Tết.
Vào dịp sắp Tết Nguyên đán năm Ất Mùi, ngày 5-2-1955, Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua sản xuất tiết kiệm mùa xuân, gửi đồng bào và cán bộ các địa phương. Bác chỉ rõ hòa bình đã trở lại miền Bắc, nhiều nơi đang chuẩn bị giảm tô và cải cách ruộng đất, đó là những điều kiện để phát triển nông nghiệp.
Song khó khăn vẫn còn nhiều như hạn hán, sâu bọ, ruộng bị bỏ hoang, công trình thủy lợi bị hư hỏng. Vì vậy, Bác Hồ kêu gọi “Ra sức thi đua trong mùa xuân này” thực hiện 6 nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ tiết kiệm về mọi mặt.
Trong lời kêu gọi đồng bào tăng gia sản xuất và tiết kiệm, vào dịp Tết Đinh Dậu (1957), Bác viết: “Tôi thân ái chúc đồng bào và cán bộ vui vẻ ăn Tết trong phong trào thi đua sản xuất và thực hành tiết kiệm”.
Đầu năm 1958, Bác về tham gia chống hạn ở xã Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội. Khi ấy còn 1 tháng 10 ngày nữa mới đến Tết Nguyên đán (Mậu Tuất 1958), tại buổi nói chuyện với nhân dân trong xã, Bác góp ý: “Năm ngoái bà con ăn Tết mổ lợn, mổ bò... rồi thiếu trâu bò cày. Đấy là chưa kể rước sách linh đình, đồng bóng bói toán thật là lãng phí, ảnh hưởng không tốt đến thuần phong mỹ tục. Năm nay nhất định sửa. Tết năm nay phải là Tết vui vẻ, lành mạnh, tiết kiệm”.
Bác Hồ về thăm lại đồng bào Păc Bó - Cao Bằng, năm 1961 |
Vào dịp Tết, Bác thường xuống cơ sở để thăm tình hình nhân dân ăn Tết. Sáng 28 tháng Chạp năm Bính Thân, nghĩa là chỉ còn 2 ngày nữa là Tết Đinh Dậu (1957), Bác tiếp đoàn đại biểu xã Nhật Tân (Từ Liêm, Hà Nội) đến chúc Tết Bác và biếu Bác cây đào để đón xuân. Bác hỏi tình hình đón Tết của đồng bào.
Đồng chí Bí thư chi bộ kiêm Chủ tịch Ủy ban hành chính xã thưa với Bác rằng, Tết năm ngoái nhân dân toàn xã ăn Tết rất phấn khởi, Tết năm nay còn phấn khởi hơn vì cải cách ruộng đất đã thắng lợi, nhân dân đã thực sự làm chủ ruộng đất nên đã chủ động chung nhau lợn, trâu, bò để mổ ăn Tết. Nghe vậy, Bác không vui và ân cần căn dặn: “Các chú tổ chức cho nhân dân ăn Tết phấn khởi đấy, nhưng phải nhớ tiết kiệm.Vì đất nước còn nghèo, lại vừa trải qua chiến tranh, còn phải làm nhiều việc lớn hơn”. Những người có mặt lúc đó đều thấm thía lời dạy của Bác. Mấy ngày sau, câu chuyện được gặp Bác và những lời cặn dặn của Người được các vị cao niên trong đoàn đại biểu kể lại cho dân làng nghe tại sân đình các thôn trong xã. Tết năm sau (1958) cả xã không còn mổ trâu bò ăn Tết nữa.
Bác Hồ không chỉ khuyên nhủ đồng bào ăn Tết Nguyên đán tiết kiệm, chính Người là tấm gương sáng. Nhân dân ta còn nhớ mùa xuân cuối cùng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, Bác về trồng cây trên đồi Đồng Váng, thôn Yên Hồ, xã Vật Lại (Sơn Tây - Hà Nội ngày nay). Trước khi đi, Bác nhắc nhở các đồng chí phục vụ mang theo cơm nước. Bác cùng đồng bào và cán bộ trồng cây xong, lúc ấy gần 12 giờ trưa. Bác mời đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Chủ tịch tỉnh Hà Tây cùng Bác ăn Tết ngay trên chiếc chiếu trải trên đồi. Bữa cơm thân mật Bác cùng khách thưởng thức thật đơn giản, có bánh chưng, giò với dưa hành, canh nóng đựng trong phích. Hôm ấy là ngày mùng 1 Tết Kỷ Dậu 1969.
Ngày nay, mức sống của nhân dân ta đã được nâng lên rất nhiều, một cái Tết “to” cách đây nửa thế kỷ trước so với bây giờ thì quá bình thường, nhưng những lời căn dặn của Bác “Ăn Tết tiết kiệm” vẫn còn giữ nguyên giá trị giáo dục và có ý nghĩa biết bao trong bối cảnh hiện nay…
P.V (Tổng hợp)