06:09, 07/09/2018

Câu chuyện về giáo dục

Ngày khai giảng năm học mới 2018 - 2019 trên cả nước diễn ra trong không khí phấn khởi, vui tươi. Tại Khánh Hòa, gần 280.000 học sinh của 546 trường học sau buổi lễ khai giảng ngắn gọn, ý nghĩa đã bước vào năm học mới với khí thế sôi nổi, với tinh thần quyết tâm cao đạt nhiều thành tích trong dạy và học.

Ngày khai giảng năm học mới 2018 - 2019 trên cả nước diễn ra trong không khí phấn khởi, vui tươi. Tại Khánh Hòa, gần 280.000 học sinh (HS) của 546 trường học sau buổi lễ khai giảng ngắn gọn, ý nghĩa đã bước vào năm học mới với khí thế sôi nổi, với tinh thần quyết tâm cao đạt nhiều thành tích trong dạy và học.


Một tin vui trước thềm năm học mới là Chính phủ đã ban hành Nghị quyết thông qua đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc miễn học phí với trẻ mầm non 5 tuổi, HS THCS. Chính sách này sẽ giảm được gánh nặng cho rất nhiều gia đình khó khăn, thu nhập thấp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để huy động trẻ trong độ tuổi này đến trường, nhất là ở vùng sâu vùng xa. Cũng cần nói thêm rằng, trước đó, tháng 3-2017, khi dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) được Chính phủ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nội dung “miễn học phí cho HS THCS” bị đưa ra khỏi dự luật bởi Bộ Tài chính và Nội vụ không đồng tình với đề xuất này vì làm tăng chi ngân sách nhà nước trong khi đang gặp khó khăn. Theo tính toán, nếu thực hiện chủ trương trên của Chính phủ, mỗi năm sẽ có hơn 5 triệu HS được hưởng lợi. Nghị quyết đã được thông qua, đây là một quyết sách nhân văn, được người dân đồng tình, ủng hộ.


Với các nhà quản lý giáo dục, năm học này chắc chắn sẽ có nhiều việc phải làm, bởi lâu nay dù đã nói rất nhiều nhưng vẫn còn đó căn bệnh thành tích, dạy thêm - học thêm, vấn nạn bạo lực học đường, chạy trường chạy điểm… Cải tiến giáo dục là điều cần thiết, nhưng câu chuyện cải tiến như hiện nay cũng gây ra nhiều tranh cãi.


Chẳng hạn như, tranh cãi gần đây trên mạng xã hội xung quanh chuyện đánh vần theo bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng đây chỉ là chương trình thử nghiệm, được thí điểm tại một số địa phương, sau đó cho phép các tỉnh, thành khác triển khai nếu có nhu cầu. Theo cách hiểu đơn giản, có 2 cách học phát âm - một theo chương trình cũ và một theo bộ sách mới nói trên. Đã gọi là cải cách thì phải thống nhất, tại sao bộ lại cho song hành 2 chương trình này? Chưa biết hiệu quả như thế nào nhưng trước mắt là gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho các bậc phụ huynh.


Chẳng hạn như, những lùm xùm, sai phạm trong chuyện thi cử, đặc biệt là kỳ thi THPT quốc gia 2018 vừa qua, liệu có được khắc phục trong năm học này? Có nên bỏ kỳ thi hai trong một này không? Có nên thay đổi kỳ thi THPT quốc gia theo hướng giao các đại học chủ trì tổ chức thi, chấm thi hay không? Rồi việc xét tuyển hay thi tuyển lớp 10, làm thế nào để giảm tải, tránh gánh nặng tâm lý cho HS và cả phụ huynh? Những vấn đề này cũng cần ngành Giáo dục sớm có giải pháp theo hướng thống nhất, đồng bộ, không thể để HS cứ phải bị động trước những thay đổi xoành xoạch trong quy định thi cử, chương trình học…


Nhiều phụ huynh cho rằng, họ nô nức đưa con tới trường trong ngày khai giảng nhưng sau đó là bộn bề những nỗi lo xung quanh chuyện học hành, thi cử của con. Làm sao để giảm tải những nỗi lo, áp lực này? Đó là một điều rất đáng suy ngẫm.


HẢI NGUYỆT