11:08, 29/08/2018

Đừng xem nhẹ đối thoại

Nghị định số 60 năm 2013 của Chính phủ quy định: định kỳ 3 tháng, các doanh nghiệp phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc với người lao động. doanh nghiệp phải cung cấp thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh, thực hiện các chế độ, phúc lợi của người lao động.

Nghị định số 60 năm 2013 của Chính phủ quy định: định kỳ 3 tháng, các doanh nghiệp (DN) phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc với người lao động. DN phải cung cấp thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh, thực hiện các chế độ, phúc lợi của người lao động. Đây cũng là dịp để DN nói lên những thuận lợi, khó khăn, thách thức để tạo sự đồng thuận, chia sẻ từ phía người lao động. Đồng thời, cũng là dịp để người lao động trình bày những tâm tư, nguyện vọng chính đáng về việc làm, thu nhập, sức khỏe… để chủ DN tiếp nhận điều chỉnh cho hợp lý, tạo mối quan hệ lao động hài hòa…


Thế nhưng, theo kết quả thanh tra, kiểm tra của các ngành chức năng thì nhiều năm qua, vẫn còn rất nhiều DN trong tỉnh còn xem nhẹ, phớt lờ việc tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc. Toàn tỉnh hiện có khoảng 10.000 DN đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, hàng năm, mới chỉ có khoảng 60% DN thực hiện quy định về tổ chức đối thoại định kỳ. Đa số những đơn vị chưa thực hiện đối thoại là các DN nhỏ, tư nhân, có vốn đầu tư nước ngoài.


Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1.280 DN nợ bảo hiểm xã hội từ 1 tháng trở lên với số tiền hơn 90 tỷ đồng, trong đó có hơn 240 DN nợ từ 6 tháng trở lên với số tiền hơn 50 tỷ đồng. Hầu hết những đơn vị này đều che giấu, không cho người lao động biết về tình trạng nợ bảo hiểm xã hội. Và những đơn vị này thường xuyên né tránh việc tổ chức đối thoại định kỳ.   


Về phía người lao động, do chưa nắm vững các quy định pháp luật, không chủ động đề xuất, hoặc thông qua người đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình là tổ chức công đoàn để đề xuất đối thoại với chủ DN, tìm phương hướng giải quyết những mâu thuẫn phát sinh. Chỉ đến khi cảm thấy quá thiệt thòi về quyền lợi mới tự phát đình công. Theo thống kê, từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra hơn 10 vụ đình công. Hầu hết những DN để xảy ra đình công đều không thực hiện nghiêm túc đối thoại định kỳ để giải đáp bức xúc của công nhân.


Mặc dù đã có quy định về xử phạt nếu không thực hiện đối thoại định kỳ, nhưng đến nay, các ngành chức năng vẫn chưa xử phạt DN nào, mới chỉ dừng lại ở nhắc nhở. Do thiếu tính răn đe nên các DN không thực hiện. Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người lao động và các DN về đối thoại. Đồng thời, thường xuyên thanh tra, kiểm tra về nội dung này và cương quyết xử lý nghiêm những đơn vị cố tình không thực hiện đối thoại định kỳ và hội nghị người lao động.


Cũng phải nhìn nhận rằng, hiện nay, vẫn còn nhiều đơn vị chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở nên quyền lợi của người lao động còn thiệt thòi. Bên cạnh đó, với những DN đã thành lập tổ chức công đoàn nhưng đội ngũ cán bộ công đoàn còn yếu về chuyên môn, kỹ năng nên không hỗ trợ được người lao động để thực hiện đối thoại với chủ DN. Điều này đòi hỏi các công đoàn cấp trên cần phải nỗ lực hơn nữa để giúp cho cơ sở khi đối thoại với chủ DN; tăng cường tập huấn, hướng dẫn, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn cơ sở, đặc biệt là cán bộ công đoàn trong các DN tư nhân, có vốn đầu tư nước ngoài…


VĂN GIANG