01:08, 24/08/2018

Kẽ hở

Mới đây, UBND tỉnh có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo về hoạt động chuyển tiền kinh doanh qua POS trái phép. Đồng thời đề nghị các bộ, ngành, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có các giải pháp quản lý hoạt động thanh toán qua POS, qua mã phản hồi nhanh và qua ví điện tử như: Alipay, Wechat pay... một cách hiệu quả để kịp thời xử lý đối với các trường hợp vi phạm.

Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo về hoạt động chuyển tiền kinh doanh qua POS trái phép. Đồng thời đề nghị các bộ, ngành, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có các giải pháp quản lý hoạt động thanh toán qua POS, qua mã phản hồi nhanh và qua ví điện tử như: Alipay, Wechat pay... một cách hiệu quả để kịp thời xử lý đối với các trường hợp vi phạm.


Alipay và WeChat Pay rất phổ biến ở Trung Quốc, cứ 10 giao dịch trực tuyến thì đến 9 giao dịch là thông qua hai hệ thống này. Hiện Alipay có 520 triệu và WeChat Pay có 1 tỉ người dùng thường xuyên. Dân Trung Quốc quen dùng dịch vụ này khi đi du lịch ở các nước chấp nhận thanh toán bằng Alipay hay WeChat Pay. Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ninh… là những địa phương có nhiều khách Trung Quốc. Việc các doanh nghiệp khai thác thị trường khách Trung Quốc với các tour giá rẻ qua các chuyến bay charter dẫn đến hình thành các chuỗi cửa hàng mua sắm do người Trung Quốc quản lý để bù đắp chi phí.

Khi mua hàng, khách Trung Quốc chỉ cần sử dụng các ứng dụng AliPay, WeChat Pay để thanh toán tại chỗ. Chủ cửa hàng chỉ cần nhờ người đứng tên mở tài khoản tại Trung Quốc là có thể nhận tiền hoặc chuyển tiền lậu từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại. Các giao dịch này không thông qua hệ thống cổng thanh toán quốc gia hay các ngân hàng và trung gian thanh toán của Việt Nam. Cơ quan quản lý cũng không thể có được dữ liệu về quy mô giao dịch, số lượt hay tần suất giao dịch. Rõ ràng, đây là hình thức xuất khẩu tại chỗ, nhưng lại gây thất thoát thuế. Nếu không ngăn chặn kịp thời, hoạt động này sẽ ảnh hưởng lớn đến an ninh tiền tệ quốc gia và gây ra nhiều hệ lụy khác.


Kẽ hở này đã được nhận diện, điều quan trọng là phải có giải pháp để ngăn chặn tình trạng trên. Bằng các quy định pháp luật? Chưa đủ, còn phải bằng các giải pháp quản lý công nghệ. Alipay và WeChat Pay cung cấp cho người dùng sự tiện ích dựa trên phương thức khép kín gồm mạng xã hội, thương mại điện tử và thanh toán di động. Những yếu tố này ở Việt Nam lại chưa phát triển mạnh. Do đó, ngoài việc nhạy bén, nâng tầm quản lý, ứng dụng công nghệ cao, các cơ quan quản lý nhà nước cần có những quy định cụ thể hơn. Một mặt có thể yêu cầu các cơ sở dịch vụ du lịch trong nước phải kết nối với dịch vụ Alipay hay WeChat Pay với một ngân hàng trong nước, không được kết nối trực tiếp với ngân hàng Trung Quốc. Mặt khác, cần có sự kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các cửa hàng, cửa tiệm có hình thức thanh toán này. Thực tế cho thấy, ở Nha Trang có rất nhiều cửa hàng, cửa tiệm chỉ dành riêng cho khách Trung Quốc, họ vào đó làm gì, mua gì, thanh toán ra sao…, không ai biết, không ai kiểm soát được. Như vậy, cần siết chặt quản lý từ nhiều khâu, từ đó mới xử lý được những kẽ hở nói trên.


Du lịch phát triển là tín hiệu đáng mừng. Nhưng sự phát triển nào cũng đi kèm với những mặt trái và hạn chế. Trong lĩnh vực liên quan đến tiền tệ, đã đến lúc các cơ quan quản lý cần tích cực vào cuộc, có những quyết sách quyết liệt hơn để giữ được thế chủ động trên “sân nhà”.


HẢI NGUYỆT