Cơ hội chính trị bao hàm nhiều đối tượng khác nhau ở trong và ngoài Đảng nhưng đều mang điểm chung là có nhận thức và hành động đi ngược lại lợi ích của Đảng, Nhà nước và toàn thể dân tộc Việt Nam. Trong đó, những biểu hiện cơ hội về chính trị trong Đảng ở nước ta hiện nay ngày càng phức tạp, tinh vi và nguy hiểm. Đấu tranh phòng, chống biểu hiện cơ hội về chính trị là một nhiệm vụ cấp bách, một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Các nhà lý luận mác-xít đã chỉ mặt những phần tử cơ hộiNgay từ khi mới ra đời, Chủ nghĩa Mác-Lênin đã phải đấu tranh không khoan nhượng với những quan điểm sai trái, thù địch được núp bóng dưới mọi hình thức. Trong các tác phẩm của mình, C.Mác, Ph.Ăng-ghen và V.I.Lênin đã chỉ ra một loại kẻ thù hết sức nguy hiểm, đó là những phần tử cơ hội, khoác áo cộng sản nhưng lại ngấm ngầm chống phá Đảng. Đó là những con người chỉ vì lợi ích nhất thời hằng ngày mà quên đi những quan điểm chủ yếu lớn; chạy theo những thành công chốc lát và đấu tranh cho những thành công chốc lát mà không tính đến hậu quả về sau... tất cả những việc ấy có thể xuất phát từ những động cơ “thành thật”. "Nhưng đó là và sẽ vẫn là chủ nghĩa cơ hội, mà chủ nghĩa cơ hội “thành thật” có lẽ lại là thứ chủ nghĩa cơ hội nguy hiểm hơn hết cả” và nguồn gốc sinh ra chủ nghĩa cơ hội ấy từ các mặt kinh tế, chính trị, tư tưởng và lịch sử.
Huyện Đức Cơ quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở. Ảnh: baogialai.com.vn |
V.I.Lênin là người kế tục xuất sắc nhất sự nghiệp vĩ đại của C.Mác và Ph.Ăng-ghen, đã phấn đấu quên mình để bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác trong thời đại báo hiệu sự suy sụp của chủ nghĩa tư bản và thắng lợi của cách mạng vô sản, đưa chủ nghĩa Mác lên một bước phát triển mới, thành Chủ nghĩa Mác-Lênin. Từ kinh nghiệm thực tiễn đấu tranh cách mạng, nhất là những năm tháng xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực ở nước Nga Xô viết, trong bài viết “Về vấn đề thanh đảng”, V.I.Lênin vạch rõ mặt những phần tử cơ hội trong đảng, những phần tử giỏi về thủ đoạn “ngoại giao tư sản”, khả năng thích ứng “thay màu đổi sắc để ẩn nấp được dễ dàng hơn, như con thỏ rừng, về mùa đông, thay lông thành màu trắng”. Vì thế, V.I.Lênin yêu cầu, cần phải đuổi ra khỏi đảng những kẻ gian giảo, những đảng viên cộng sản đã quan liêu hóa, không trung thực, nhu nhược. Theo V.I.Lênin, có như vậy sẽ làm cho đảng trở thành một đội tiền phong của giai cấp vô sản vững mạnh hơn.
Vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh chống mọi biểu hiện cơ hội trong Đảng. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, việc đầu tiên, trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về Đảng, Người căn dặn: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Để Đảng Cộng sản là một Đảng thực sự cách mạng, chân chính, tất yếu phải đấu tranh chống những biểu hiện cơ hội trong Đảng, nhất là cơ hội về chính trị.
Trong bối cảnh hết sức khó khăn khi mới thành lập Đảng, nhưng nhiệm vụ đấu tranh chống những phần tử cơ hội trong Đảng luôn đặt ra yêu cầu cấp thiết. Song cũng phải nhận diện rõ và phân loại đối tượng cụ thể để có phương pháp đấu tranh phù hợp. Nghị quyết của toàn thể Hội nghị Ban Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 20 và 30-3-1938 chỉ rõ: “Phải tẩy sạch những phần tử trotsky đã lọt vào trong Đảng”. Do đó, muốn đấu tranh phòng, chống biểu hiện cơ hội về chính trị tốt, cần phải nhận diện đúng thực chất “cơ hội về chính trị”.
Nhận diện những biểu hiện cơ hội chính trị trong Đảng
Từ những nghiên cứu, luận giải trên cho thấy, cơ hội chính trị bao hàm nhiều đối tượng khác nhau ở trong và ngoài Đảng nhưng đều mang điểm chung là có nhận thức và hành động đi ngược lại lợi ích của Đảng, Nhà nước và toàn thể dân tộc Việt Nam. Trong đó, những biểu hiện cơ hội về chính trị trong Đảng ở nước ta hiện nay ngày càng phức tạp, tinh vi và nguy hiểm.
Hơn 90 năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống biểu hiện cơ hội về chính trị trong Đảng luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, nhiều lần khẳng định trong các nghị quyết. Trong đó nhấn mạnh: “Hiện nay phải đặc biệt coi trọng công tác bảo vệ Đảng, trước hết là bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, giữ gìn sự trong sạch của tổ chức đảng, cảnh giác và tỉnh táo không để cho những phần tử cơ hội về chính trị, phản động chui vào hàng ngũ Đảng”. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định phải: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị”.
Nhận diện những biểu hiện cơ hội về chính trị trong Đảng hiện nay qua 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đối tượng đấu tranh chống biểu hiện cơ hội về chính trị trong Đảng là những cán bộ, đảng viên hiện đang làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, cơ quan đoàn thể hoặc đã nghỉ hưu được luật pháp quy định...
Biểu hiện cơ hội về chính trị trong Đảng ở nhiều cấp độ khác nhau, như: Nhóm đối tượng do hạn chế về nhận thức, thiếu thông tin hoặc tiếp nhận những nguồn tin không chính thống, bị kẻ xấu lợi dụng; nhóm đối tượng thiếu tu dưỡng, rèn luyện, công thần, sống vụ lợi, ích kỷ; nhóm đối tượng công khai bộc lộ tư tưởng cực đoan, bất mãn, chống đối và đặc biệt nghiêm trọng là nhóm có khuynh hướng chống đối, tập hợp lực lượng, móc nối với các thế lực thù địch bên ngoài chống phá cách mạng Việt Nam, khi đó từ cơ hội về chính trị đến phản bội Đảng, Tổ quốc và nhân dân là rất gần. Biểu hiện chung nhất là phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng; không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái; không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; tham vọng chức quyền...
Kiên quyết và đồng bộ giải pháp phòng, chống biểu hiện cơ hội chính trị
Trong tình hình hiện nay phải đặc biệt quan tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tăng cường đấu tranh phòng, chống biểu hiện cơ hội về chính trị trong Đảng với hệ thống các giải pháp. Trước hết, tập trung vào một số giải pháp như: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đấu tranh phòng, chống biểu hiện cơ hội về chính trị ở nước ta hiện nay. Phát huy vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong quản lý, giáo dục, rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phát huy dân chủ, sức mạnh tổng hợp đấu tranh phòng, chống biểu hiện cơ hội về chính trị, nhất là biểu hiện cơ hội về chính trị trong Đảng với lộ trình, bước đi, hình thức, phương pháp, giải pháp phù hợp, thiết thực, hiệu quả. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, chặt chẽ các khâu, các bước trong tuyển chọn, bố trí sử dụng, không để những phần tử cơ hội về chính trị chui sâu, leo cao phá hoại Đảng. Tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những phần tử có biểu hiện cơ hội về chính trị. Thực hiện tốt công tác chính sách cho các đối tượng đúng quy định của pháp luật, kịp thời tôn vinh, động viên, đãi ngộ thỏa đáng những người có công với cách mạng. Kiên quyết đấu tranh, đập tan những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.
Đại tá, PGS, TS HOÀNG VĂN PHAI-Thiếu tá PHẠM THANH TÙNG
(Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn Quân sự, Học viện Chính trị)
Theo qdnd.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin