09:09, 07/09/2021

Một sự đánh đồng có chủ đích

Một sự kiện thu hút dư luận trên thế giới trong hơn một tuần qua là Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan. Lợi dụng sự kiện này một số trang báo tiếng Việt ở hải ngoại và tài khoản mạng xã hội của các tổ chức, cá nhân vốn lâu nay thù địch, thiếu thiện chí với Việt Nam đăng phát nhiều bài viết so sánh, đánh đồng sự kiện ở Afghanistan với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.
 

Một sự kiện thu hút dư luận trên thế giới trong hơn một tuần qua là Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan. Lợi dụng sự kiện này một số trang báo tiếng Việt ở hải ngoại và tài khoản mạng xã hội của các tổ chức, cá nhân vốn lâu nay thù địch, thiếu thiện chí với Việt Nam đăng phát nhiều bài viết so sánh, đánh đồng sự kiện ở Afghanistan với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.

 

Taliban tuyên bố kiểm soát 90% đường biên giới của Afghanistan. (Ảnh: Internet)
Taliban tuyên bố kiểm soát 90% đường biên giới của Afghanistan. (Ảnh: Internet)
 
Cần phải khẳng định rõ rằng cuộc xung đột ở Afghanistan và cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà của nhân dân Việt Nam khác nhau hoàn toàn về bản chất. Nhìn lại từng sự kiện chúng ta sẽ thấy những luận điệu đánh đồng hai sự kiện này là hết sức sai trái.
 
CUỘC XUNG ĐỘT VŨ TRANG Ở AFGHANISTAN
 
Chúng ta đã biết, năm 1994, Taliban được thành lập bởi nhân vật mang tên là Mullah Mohammad Omar - thành viên một bộ lạc Pashtun. Mullah Mohammad cũng là một chỉ huy phiến quân Mujahideen chống lại chiến dịch quân sự của Liên Xô ở Afghanistan trong thập niên 1980. Lực lượng của Taliban phần lớn là người Pashtun, dân tộc đông dân nhất Afghanistan. Ban đầu Taliban chỉ có khoảng 50 tay súng với tham vọng thiết lập lại trật tự dựa trên sự nghiêm khắc của Hồi giáo nguyên thủy. Trong bối cảnh các nhóm quyền lực chỉ tập trung bắn giết, nhờ lời hứa mang lại ổn định và công bằng thông qua luật Sharia, Taliban nhanh chóng phát triển lực lượng, mở rộng tầm ảnh hưởng ra toàn vùng Tây Nam Afghanistan. Năm 1996, Taliban tiến vào Kabul, lật đổ chế độ của Tổng thống Burhanuddin Rabbani, buộc Rabbani phải ra nước ngoài sống lưu vong. Mặt trái đáng nói nhất, từng bị thế giới lên án của Taliban đó chính là sự tàn khốc và hà khắc. 

 

Binh sỹ Anh và binh sỹ Mỹ gác tại sân bay Kabul, Afghanistan. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Binh sỹ Anh và binh sỹ Mỹ gác tại sân bay Kabul, Afghanistan. (Ảnh: AFP/TTXVN)
 
Sẽ chẳng có gì cần bàn thêm nếu như không có chuyện ngày 11/9/2001, tại New York và Washington (Mỹ) xảy ra hàng loạt các vụ tấn công, khiến gần 3.000 người thiệt mạng. Các quan chức Mỹ xác định nhóm tay súng Hồi giáo cực đoan al-Qaead với thủ lĩnh là Osama Bin Laden chịu trách nhiệm về các vụ tấn công này. Khi đó Osama Bin Laden đang ở tại Afghanistan dưới sự bảo hộ của Taliban. Mỹ yêu cầu giao nộp Osama Bin Laden nhưng phía Taliban từ chối. Đây chính là nguồn cơn dẫn đến việc liên quân Mỹ và đồng minh can thiệp quân sự lật đổ Mullah Omar, hạ bệ Taliban vào năm 2001. 
 
Sau sự kiện này nhiều thủ lĩnh Taliban chạy sang Pakistan, đồng thời tái hợp tổ chức lại lực lương và liên tiếp mở những chiến dịch quân sự trên khắp lãnh thổ Afghanistan để giành lại quyền lực. Cuộc xung đột tàn khốc kéo dài 20 năm (2001-2021) đã giết chết hàng chục nghìn người và khiến hàng triệu người phải ly tán. Sau khi Mỹ đạt thỏa thuận với các tay súng Taliban, các lực lượng nước ngoài từng bước rút khỏi Afghanistan và chính phủ tại Kabul bị lật đổ.
 
Taliban trở lại nắm quyền trong bối cảnh đất nước hỗn loạn. Mặc dù chính phủ Kabul bị lật đổ nhưng việc thành lập một chính phủ mới đang gặp rất nhiều khó khăn. Các phe nhóm, đặc biệt là nhóm Hồi giáo cực đoan Al-Qaeadđều muốn có chân trong chính phủ. Trong khi đó, Taliban thì không đủ thế và lực để cầm chịch tình hình. Nguy cơ Afghanistan rơi vào một cuộc nội chiến là rất cao... Trong suốt những ngày qua, hàng chục ngàn người Afghanistan vẫn đang tìm cách chạy khỏi đất nước, khiến cho thảm kịch này vốn đã hỗn loạn càng thêm trầm trọng hơn. Nhiều vụ đánh bom liều chết đã xảy ra, đặc biệt là vụ “tấn công liều chết” vào ngày 26/8 tại sân bay Kabul làm hơn 170 dân thường và 13 binh lính Mỹ thiệt mạng, hàng trăm người khác bị thương... Có thể nói phía trước Afghanistan đang là một tương lai bất định. Xét trên mọi phương diện thì không thể gọi đây là chiến thắng của Taliban.
 
CUỘC ĐẤU TRANH CHÍNH NGHĨA CHỐNG XÂM LƯỢC
 
Khác hẳn về bản chất, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam là cuộc đấu tranh chính nghĩa chống xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. 
 
Như chúng ta đều biết, ngay sau thảm bại ở Điện Biên Phủ (7/5/1954), thực dân Pháp buộc phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ (7/1954) rút quân khỏi Đông Dương. Nhưng với chiêu bài “lấp chỗ trống”, đế quốc Mỹ nhảy vào thế chân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam. Đất nước ta bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc. Để thực hiện mưu đồ chiếm đóng lâu dài, đế quốc Mỹ dựng lên chính quyền tay sai, ra sức phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, đàn áp phong trào cách mạng miền Nam Việt Nam hết sức dã man, tàn bạo.
 
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, trải qua gần 20 năm liên tục chiến đấu anh dũng, kiên cường quân và dân ta từng bước đánh bại các kiểu chiến tranh của đế quốc Mỹ. Đặc biệt sau khi cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố trên miền Bắc bị thất bại bởi trận “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972, Mỹ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán, ký kết Hiệp định Pa-ri (27/1/1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút hết quân viễn chinh về nước. 

 

Xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975. Ảnh: Tư liệu
Xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975. Ảnh: Tư liệu
 
Đây là thắng lợi rất cơ bản, mở ra cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam những thời cơ và thuận lợi lớn. Thế nhưng trong khi chúng ta nghiêm chỉnh thực hiện Hiệp định Pa-ri thì với bản chất ngoan cố, hiếu chiến, mặc dù rút quân về nước, nhưng đế quốc Mỹ vẫn cài cắm cố vấn, lập ra bộ chỉ huy quân sự trá hình, tiếp tục viện trợ cho chính quyền, quân đội Sài Gòn ra sức phá hoại Hiệp định, hòng vớt vát chút thể diện, kéo dài cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Trắng trợn phá hoại Hiệp định Pa-ri, hành động ấy của đế quốc Mỹ buộc quân và dân ta phải tiếp tục đấu tranh để giành thắng lợi hoàn toàn. 
 
Cuối năm 1974, cục diện chiến tranh chuyển biến mau lẹ theo hướng ngày càng có lợi cho quân và dân ta. Đáp ứng yêu cầu cấp bách của cách mạng, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng ta đã hạ quyết tâm: Động viên nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đẩy mạnh đấu tranh quân sự, chính trị, kết hợp với đấu tranh ngoại giao, làm thay đổi nhanh chóng, toàn diện so sánh lực lượng trên chiến trường miền Nam theo hướng có lợi cho ta; tiến hành rất khẩn trương và hoàn thành mọi mặt công tác chuẩn bị, tạo điều kiện chín muồi, tiến hành tổng công kích tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng miền Nam.
 
Thực hiện quyết tâm Bộ Chính trị đề ra, cả dân tộc Việt Nam bừng bừng khí thế ra trận trong mùa xuân lịch sử. Sức mạnh chiến đấu từ hơn 20 năm được dồn lại, dâng cao cho thời khắc quyết định này. Khi công tác chuẩn bị mọi mặt hoàn tất, ngày 4/3/1975, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta bắt đầu. Bằng ba đòn tiến công chiến lược lớn: Chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh, với thế tiến công thần tốc, trưa 30/4/1975, quân ta tiến vào Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài 21 năm, với vô vàn gian nan, thử thách, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.
 
Ngay trong quá trình đấu tranh, nhất là khi xác định quyết tâm giải phóng miền Nam, Đảng ta đã bàn tính làm sao để đỡ thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, bảo vệ tốt nhất các cơ sở kinh tế, công trình văn hóa, giảm thiểu sự tàn phá của chiến tranh, đồng thời đề ra chủ trương sớm ổn định tình hình, thống nhất đất nước về mọi mặt. Chính nhờ có sự chủ động chuẩn bị chu đáo nên ngay sau khi giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã bắt tay vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là Chiến thắng 30/4 là thắng lợi của cách mạng Việt Nam đánh đuổi đế quốc Mỹ xây lược và bè lũ tay sai, giành lại hòa bình, độc lập, thống nhất cho Tổ quốc. Cùng với sức mạnh nội lực, một nhân tố không kém phần quan trọng làm nên chiến thắng đó là sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Đây là một trong những chiến công tiêu biểu nhất, huy hoàng nhất trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi này mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc khẳng định tầm vóc thời đại và ý nghĩa chính trị to lớn. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước không chỉ thể hiện ý chí độc lập, tự do, khát vọng hòa bình của đất nước và con người Việt Nam mà còn là khát vọng của các dân tộc bị áp bức, bóc lột và nhân dân yêu chuộng hòa bình; góp phần không nhỏ cổ vũ, khích lệ phong trào đấu tranh chống đế quốc xâm lược, giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.
 
Cần phải chỉ rõ rằng, dù thể hiện dưới bất cứ hình thức nào thì cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam của đế quốc Mỹ vẫn là một cuộc chiến tranh phi nghĩa. Chính vì tính chất phi nghĩa mà cuộc chiến tranh ấy bị dư luận quốc tế, kể cả dư luận Mỹ phản đối mạnh mẽ. 
 
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà của nhân dân Việt Nam là cuộc đấu tranh chính nghĩa. Đó là điều mà không một tổ chức, cá nhân nào có thể xuyên tạc, phủ nhận được. Cũng chính bởi tính chất chính nghĩa mà cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam nhận được sự ủng hộ to lớn của dư luận và bạn bè quốc tế. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.
 
Mặt khác, Việt Nam là nước có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong khu vực Đông Nam Á. Đế quốc Mỹ hiểu quá rõ về điều này. Vì thế đưa quân xâm lược miền Nam Việt Nam, Mỹ mưu toan biến nơi đây thành thuộc địa kiểu mới, một căn cứ quân sự phục vụ cho chiến lược toàn cầu phản cách mạng của họ. Do đó không chỉ dừng lại ở tính chất chống xâm lược giải phóng dân tộc, giành lại hòa bình, độc lập, thống nhất giang sơn mà cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam còn mang tính chất thời đại sâu sắc. 
 
SỰ ĐÁNH ĐỒNG CÓ CHỦ ĐÍCH
 
Như vậy, rõ ràng không thể đánh đồng một sự kiện lịch sử hào hùng, thiêng liêng của dân tộc Việt Nam với một cuộc xung đột quân sự - một trang sử đau buồn của nhân dân Afghanistan. 
 
Chúng ta có thể thông cảm với những ai đó “cưỡi ngựa xem hoa”, đứng ngoài sự kiện mà có những giọng điệu võ đoán, hồ đồ. Nhưng chúng ta không thể để cho bất cứ kẻ nào lợi dụng sự kiện trên để bóp méo, xuyên tạc, kích động hận thù chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chúng ta chẳng lạ gì những ẩn khuất đằng sau các luận điệu, chiêu trò của một số tổ chức, cá nhân thù địch, thiếu thiện chí với Việt Nam. Đánh đồng hai sự kiện nói trên họ không nhằm mục tiêu gì khác là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng; hạ bệ giá trị, ý nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; kích động người dân “đứng lên đấu tranh đòi quyền lợi” và sâu xa hơn là lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
 
Chiến thắng 30/4 là Ngày hội lớn của non sông, đất nước; là ngày Quốc lễ của Việt Nam. Hơn 45 năm qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam chủ trương khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Thế nhưng, đi ngược với thiện chí ấy những kẻ tay sai bán nước trước kia đã bu bám theo quan thầy tháo chạy ra nước ngoài sống chui rúc, lưu vong vẫn nuôi trong lòng tư tưởng thù hận. Chúng ra sức cấu kết với nhau thành hội này, nhóm nọ hòng mưu toan dựng lại cái thây ma chế độ tay sai đã chết mục từ lâu. Thông qua một số trang báo tiếng Việt và tự lập ra những trang mạng xã hội ở hải ngoại, hằng năm cứ mỗi dịp Việt Nam kỷ niệm Chiến thắng 30/4 là chúng lại lu loa, kêu gào xuyên tạc sự thật, phủ nhận giá trị, ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng 30/4. Chúng gọi tháng 4 là “Tháng tư đen”, ngày 30/4 là “Ngày quốc hận”... nhằm khoét vào nỗi đau quá khứ, kích động lòng hận thù, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc của nhân dân Việt Nam. 
 
Cũng từ động cơ và mục đích đen tối đó đã dẫn họ tới việc đánh đồng một sự kiện lịch sử hào hùng, thiêng liêng và có ý nghĩa thời đại sâu sắc của dân tộc Việt Nam với một cuộc xung đột quân sự - một trang sử đau buồn của nhân dân Afghanistan. Cũng chính bởi lòng thù hận và cả những bức xúc cá nhân mà họ cố tình tráo trở phương pháp, rắp tâm lợi dụng sự kiện ở Afghanistan để bóp méo, xuyên tạc phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng; phủ nhận những thành quả mà cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là Chiến thắng 30/4 mang lại cho đất nước và dân tộc Việt Nam. Nhưng tất cả những luận điệu, chiêu trò mang màu sắc chính trị xấu xa ấy chỉ là vô vọng. Thực tế sinh động những gì đã và đang diễn ra trong quá khứ cũng như hiện tại đã bác bỏ hoàn toàn luận điệu, chiêu trò đánh đồng cuộc xung đột vũ trang ở Afghanistan với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy hy sinh, gian khổ của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng./.
 
Đại tá Phùng Kim Lân
 
Nguồn: https://tuyengiao.vn/