Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đó là kết quả của quá trình tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh...
Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đó là kết quả của quá trình tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp thu có chọn lọc những quan điểm, kinh nghiệm từ thực tiễn phát triển kinh tế thị trường của các nước trên thế giới vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều quan điểm khác biệt, thậm chí là trái ngược, xuyên tạc, gây cản trở đến quá trình thực hiện mô hình kinh tế này ở Việt Nam. Do vậy, nhận diện, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng hiện nay.
Nhận diện một số luận điệu xuyên tạc, sai trái
Đại hội lần thứ IX của Đảng (năm 2001) xác định mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị ở trong và ngoài nước ra sức chống phá, xuyên tạc rằng, không có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa là những yếu tố đối lập nhau, loại trừ nhau; gán ghép định hướng xã hội chủ nghĩa với kinh tế thị trường là chủ quan, duy ý chí, không có cơ sở khoa học, không thuyết phục, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn; nếu bỏ “cái đuôi” định hướng xã hội chủ nghĩa thì nền kinh tế đất nước còn phát triển nhanh hơn, đạt được kết quả còn lớn hơn nhiều (?!).
Các thế lực thù địch còn cho rằng, phải có sự chuyển hướng, “xoay trục” phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam, theo nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, vì kinh tế thị trường vốn là của chủ nghĩa tư bản, vận động theo các quy luật của chủ nghĩa tư bản, không thể dung hòa và kết hợp với mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, với định hướng xã hội chủ nghĩa (?!). Nếu “ghép” định hướng xã hội chủ nghĩa với kinh tế thị trường thì chẳng khác nào “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, “nước với lửa”, tạo thành “đầu Ngô mình Sở”, chỉ mang đến những thất bại (?!). Chúng suy diễn rằng, dường như Việt Nam đã, đang “xoay trục” sang phát triển kinh tế thị trường theo hướng tư bản chủ nghĩa bằng việc khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, tăng sự điều tiết của thị trường, mặc dù vẫn tuyên truyền bằng cách sử dụng các từ ngữ, khái niệm của chủ nghĩa xã hội (?!).
Những luận điệu trên thực chất là mưu đồ đen tối, cố tình xuyên tạc đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; gây tâm lý hoài nghi, dao động, thiếu niềm tin trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, ảnh hưởng đến sự thống nhất nhận thức, tư tưởng trong Đảng và trong xã hội. Đây là những luận điệu hết sức phản khoa học, không có cơ sở lý luận và thực tiễn.
Luận cứ phê phán, bác bỏ quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc
Thứ nhất, phê phán, bác bỏ luận điệu cho rằng, không thể có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Một là, luận điệu trên đồng nhất kinh tế thị trường với kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, cho rằng, chỉ có một loại kinh tế thị trường là kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Đây là luận điểm sai lầm.
Nguồn gốc và bản chất của kinh tế thị trường là kinh tế hàng hóa. Các phạm trù (giá trị, giá cả, hàng hóa, tiền tệ), quy luật (giá trị, cạnh tranh, cung - cầu) của kinh tế hàng hóa cũng là các phạm trù, quy luật của kinh tế thị trường. Các phạm trù, quy luật này có trước chủ nghĩa tư bản, được chủ nghĩa tư bản sử dụng để phát triển kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa thời kỳ đầu mới ra đời là kinh tế thị trường tự do cạnh tranh, chưa có hoặc rất ít sự can thiệp của nhà nước. Sự điều tiết của thị trường - “bàn tay vô hình”, ngoài những mặt tích cực còn đưa đến nhiều hệ quả tiêu cực, đặc biệt là khủng hoảng kinh tế chu kỳ, đòi hỏi phải có sự quản lý của nhà nước - “bàn tay hữu hình” để hạn chế, khắc phục những khuyết tật do điều tiết tự phát của cơ chế thị trường. Ngày nay, nền kinh tế thị trường hiện đại của các nước tư bản phát triển trên thế giới đều là nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, vừa có điều tiết bởi “bàn tay vô hình”, vừa có điều tiết bởi “bàn tay hữu hình”. Kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước ở các nước trên thế giới là không hoàn toàn giống nhau, mà có nhiều mô hình khác nhau, tùy thuộc vào mức độ can thiệp và nội dung định hướng can thiệp của nhà nước.
Kinh tế thị trường là sản phẩm của văn minh nhân loại, không phải là sản phẩm “riêng có” của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa tư bản đã sử dụng kinh tế thị trường làm cơ sở cho sự tồn tại, vận động, phát triển của mình. Đến nay, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế thị trường ở các nước tư bản phát triển, như kinh tế thị trường tự do ở Mỹ, kinh tế thị trường xã hội ở Đức, kinh tế thị trường nhà nước phúc lợi ở Thụy Điển, kinh tế thị trường phối hợp ở Nhật Bản,… Các mô hình kinh tế thị trường này, ở những mức độ khác nhau, dù được thừa nhận hay không thừa nhận, đều khách quan có các nhân tố xã hội chủ nghĩa. Đây là xu hướng tiến bộ, là những mầm mống của chủ nghĩa xã hội ngay trong lòng các nước tư bản phát triển. Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước kinh tế chưa phát triển, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa nên việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là rất cần thiết, nhằm giải phóng lực lượng sản xuất, khai thác mọi tiềm năng, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển, từng bước xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Mô hình này là một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội.
Hai là, sẽ là sai lầm khi cho rằng, các quy luật của kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa hoàn toàn đối lập nhau, loại trừ nhau. Nền kinh tế thị trường phải vận hành theo các quy luật của kinh tế thị trường, như quy luật cạnh tranh, giá trị, cung - cầu,… trong đó quy luật giá trị là trung tâm. Đặc trưng của kinh tế thị trường là cạnh tranh, các chủ thể kinh tế luôn cạnh tranh với nhau để chiếm các nguồn lực sản xuất, dự án đầu tư, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cạnh tranh là sức ép, động lực thúc đẩy các chủ thể kinh tế năng động, sáng tạo, hợp lý hóa tổ chức sản xuất; ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, tăng năng suất lao động; đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm; tiết kiệm, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; qua đó, thúc đẩy kinh tế phát triển, thanh lọc các chủ thể kinh tế yếu kém. Mặt tiêu cực của cạnh tranh không lành mạnh là làm hàng giả, trốn thuế, chuyển giá, gây ô nhiễm môi trường, ăn cắp công nghệ… Trong nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, nhất là ở các nước phát triển hiện nay, nhà nước tạo khung khổ pháp luật cho cạnh tranh; bảo vệ, thúc đẩy, tôn trọng cạnh tranh lành mạnh; ngăn ngừa, hạn chế độc quyền cản trở cạnh tranh và chống lại các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh; điều tiết và giải quyết các thất bại của thị trường.
Quy luật giá trị là quy luật trung tâm, cơ bản của kinh tế thị trường. Giá trị hàng hóa là lao động xã hội cần thiết kết tinh trong hàng hóa. Chi phí để sản xuất hàng hóa, xét đến cùng là chi phí lao động, bao gồm lao động sống (lao động của người trực tiếp sản xuất ra hàng hóa) và lao động quá khứ (lao động chi phí để sản xuất ra các tư liệu sản xuất được sử dụng để sản xuất ra hàng hóa này). Lượng giá trị là hao phí lao động xã hội cần thiết (hao phí lao động ở mức trung bình của xã hội, năng suất lao động trung bình, cường độ lao động trung bình, được hình thành do cạnh tranh). Giá trị biểu hiện ra bên ngoài thành giá cả, giá cả là biểu hiện bằng tiền của giá trị. Giá trị là hình thái của cải trong nền kinh tế thị trường, là mục tiêu, là yếu tố chi phối mọi hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế thị trường. Tác động tích cực của quy luật giá trị là thúc đẩy chủ thể kinh tế năng động, sáng tạo, không ngừng hợp lý hóa sản xuất, cải tiến quản lý, đổi mới công nghệ,… Tác động tiêu cực là khủng hoảng chu kỳ, phân hóa xã hội, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường,… Trong nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, nhà nước vận dụng quy luật giá trị thông qua việc tạo khung khổ pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và điều kiện thuận lợi cho quy luật giá trị vận động để phát huy mặt tích cực, đồng thời hạn chế, khắc phục những tác động tiêu cực.
Sự điều tiết của quy luật cung - cầu được thể hiện khi cung lớn hơn cầu, giá cả hàng hóa sẽ giảm xuống; khi cung nhỏ hơn cầu, giá cả hàng hóa sẽ tăng lên. Sự tăng lên hay giảm xuống của giá cả hàng hóa là tín hiệu của thị trường để các chủ thể kinh tế chuyển hàng hóa từ nơi giá thấp đến nơi giá cao, từ nơi thừa đến nơi thiếu, để các nhà sản xuất thu hẹp hay dừng sản xuất các hàng hóa thừa khi cung lớn hơn cầu, tăng cường, mở rộng sản xuất các hàng hóa thiếu khi cung nhỏ hơn cầu. Đó chính là sự tự điều tiết sản xuất và lưu thông hàng hóa linh hoạt, nhanh nhạy của cơ chế thị trường, là mặt tích cực của quy luật cung - cầu. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, những người sản xuất và lưu thông hàng hóa đều chạy theo lợi nhuận tối đa, luôn muốn đè ép đối thủ nên dẫn đến sản xuất thừa, khủng hoảng chu kỳ, tác động tiêu cực tới nền kinh tế, gây bất ổn xã hội. Đây là mặt trái của quy luật cung - cầu và cơ chế tự điều tiết của thị trường. Nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước, sự can thiệp của nhà nước là để khắc phục những khiếm khuyết này, khắc phục những mất cân đối lớn, khủng hoảng chu kỳ do tự điều tiết của cơ chế thị trường gây ra.
Các nền kinh tế thị trường hiện đại trên thế giới hiện nay đều có sự kết hợp giữa cơ chế thị trường và vai trò quản lý, điều tiết của nhà nước. Nhà nước vừa bảo đảm, tôn trọng, tạo môi trường hoạt động cho các quy luật kinh tế thị trường; vừa hạn chế, khắc phục những tác động tiêu cực, tự phát do các quy luật kinh tế thị trường gây ra; giữ môi trường ổn định cho phát triển kinh tế và hướng sự phát triển kinh tế vào các mục tiêu xã hội, bảo đảm công bằng xã hội, quan tâm đến an sinh xã hội. Tuy nhiên, dù nhà nước tư bản có sự điều chỉnh, điều tiết đến đâu thì bản chất của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa vẫn là phục vụ cho thiểu số lợi ích của giai cấp tư sản, không phải vì lợi ích của đại đa số nhân dân lao động; và khi nó còn tồn tại dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất thì những mâu thuẫn đối kháng của xã hội tư bản chủ nghĩa do khuyết tật của nền kinh tế thị trường tạo ra không những không mất đi mà ngày càng gia tăng và thêm gay gắt.
Từ thực tiễn quá trình đổi mới, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam về cơ bản đã hội đủ các yếu tố của nền kinh tế thị trường hiện đại theo các chuẩn mực quốc tế, như đa dạng các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, tự do sản xuất, kinh doanh, lưu thông những hàng hóa mà pháp luật không cấm, các chủ thể kinh tế cạnh tranh bình đẳng, hệ thống các loại thị trường phát triển ngày càng đồng bộ…; vai trò của Nhà nước về quản lý kinh tế đã được đổi mới, như quản lý bằng luật pháp, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và sử dụng nguồn lực kinh tế của Nhà nước, không can thiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ thể kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế, khắc phục khuyết tật của cơ chế thị trường,… Trong điều kiện đó, các quy luật của kinh tế thị trường vận hành đồng bộ, các chủ thể kinh tế cạnh tranh để tồn tại và phát triển; giá cả hàng hóa cơ bản do thị trường quyết định; sản xuất và lưu thông hàng hóa phải chú ý đến tín hiệu giá cả, quan hệ cung - cầu trên thị trường; thị trường đóng vai trò trực tiếp điều tiết sản xuất và lưu thông hàng hóa, điều tiết hoạt động của các chủ thể kinh tế, huy động và phân bổ các nguồn lực của sản xuất,… Các yếu tố bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường gắn với vai trò quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo để hạn chế, khắc phục những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, phát triển nhanh và bền vững đất nước,…
Nội dung và phương thức quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo không mâu thuẫn, đối lập, không cản trở hoạt động của các quy luật kinh tế thị trường, mà tạo điều kiện phát huy mặt tích cực, hạn chế, khắc phục mặt tiêu cực của các quy luật, để nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, hướng đến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Vì vậy, chắc chắn rằng, các quy luật của kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa hoàn toàn không đối lập nhau, không loại trừ nhau trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Thứ hai, phê phán, bác bỏ luận điệu cho rằng, có sự chuyển hướng, “xoay trục” về phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam.
Các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chỉ căn cứ vào việc phát triển kinh tế tư nhân và điều tiết kinh tế bằng các quy luật của thị trường trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội để quy chụp Việt Nam đi theo con đường tư bản chủ nghĩa là sai lầm, chưa thấy hết được những nguyên tắc, bản chất, nội dung xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong từng giai đoạn cũng như trong cả chặng đường. Luận điệu này là phi thực tiễn và chưa hiểu bản chất và nội dung của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam khi đồng nhất một nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể của một giai đoạn, một bước đi trong xây dựng chủ nghĩa xã hội với toàn bộ mục tiêu chung, mô hình tổng quát và nguyên tắc, bản chất trong cả chặng đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Việc xác định một nền kinh tế là “chủ nghĩa xã hội” hay “tư bản chủ nghĩa” không thể dựa vào tiêu chí về kinh tế tư nhân hay sự điều tiết của thị trường, mà quan trọng hơn là phải dựa vào tiêu chí về mục tiêu phát triển nền kinh tế; bản chất, nguyên tắc hoạt động của nền kinh tế; quá trình hình thành, phát triển của nền kinh tế,... Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam từng bước được hoàn thiện, phát triển qua các kỳ đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam trên cơ sở tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, vận dụng sáng tạo những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp thu có chọn lọc những quan điểm, kinh nghiệm từ thực tiễn phát triển kinh tế thị trường của các nước có nền kinh tế thị trường hiện đại trên thế giới. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là nền kinh tế đang ở trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội nên tất yếu tồn tại nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế nhằm huy động mọi nguồn lực để phát triển, trong đó kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng. Kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, bình đẳng trước pháp luật, với các thành phần kinh tế khác. Tạo mọi điều kiện phát triển kinh tế tư nhân nhưng không đồng nhất với “tư nhân hóa” nền kinh tế trong nền kinh tế nước ta; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển nền kinh tế thị trường. Do đó, tuyệt đối không có cái gọi là “xoay trục” hay “chuyển hướng” trong phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam như luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Mặt khác, việc xác định một nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa không chỉ dựa vào tiêu chí về sở hữu tư nhân, kinh tế tư nhân hay sự điều tiết của thị trường mà còn phải dựa vào tiêu chí về mục tiêu phát triển nền kinh tế là vì ai, giai cấp, tầng lớp nào; nguyên tắc hoạt động của nền kinh tế đó là gì; quá trình hình thành, phát triển nền kinh tế đó như thế nào; ai là người chủ thực sự của nền kinh tế đó?... Do vậy, giữa nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam có sự khác nhau căn bản và điểm khác biệt rõ nhất là, trong nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, người làm chủ là giới chủ tư bản, là giai cấp tư sản, còn trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, người làm chủ là toàn thể nhân dân có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Thực tiễn hơn 35 năm đổi mới, phát triển nền kinh tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Việt Nam thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới; chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động được nâng lên rõ rệt; kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện đáng kể; huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển được đẩy mạnh, đầu tư khu vực ngoài nhà nước tăng nhanh và chất lượng, hiệu quả được cải thiện… Nhiều tổ chức quốc tế uy tín đánh giá, Việt Nam là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới; là điểm sáng trên toàn cầu trong việc thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Những kết quả đó là minh chứng thuyết phục, tự nó đanh thép phản bác lại những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta./.
TS. NGUYỄN DŨNG ANH
Học viện Chính trị khu vực III
Nguồn: tapchicongsan.org.vn