11:11, 30/11/2017

Hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất

Ngày 30-11, ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp (DN) lần thứ 2 năm 2017. Tại hội nghị, ông Trần Sơn Hải yêu cầu các sở, ngành hỗ trợ tối đa cho các DN sớm ổn định sản xuất, kinh doanh.

 

Ngày 30-11, ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp (DN) lần thứ 2 năm 2017. Tại hội nghị, ông Trần Sơn Hải yêu cầu các sở, ngành hỗ trợ tối đa cho các DN sớm ổn định sản xuất, kinh doanh.


Ngân hàng phải chủ động hơn


Ông Lê Nguyễn Phương Kha - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Khám Phá (Khu du lịch Hòn Ông, huyện Vạn Ninh) cho biết, cơn bão số 12 đã khiến công ty thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Hiện nay, công ty đang vay vốn tại Ngân hàng ACB nhưng từ khi bão đến nay đã gần một tháng vẫn chưa có đơn vị nào đến hỏi thăm, hướng dẫn làm thủ tục vay nợ, khoanh nợ, giãn nợ. Trong khi đó, DN rất cần vốn để tái đầu tư, vực dậy sau bão.

 

Tương tự, bà Kiều Thị Thu - đại diện DN tư nhân Thanh Khuê (Cụm công nghiệp Đắc Lộc, Nha Trang) cho biết, DN bị thiệt hại gần 100 tỷ đồng. Sau bão, Cục Thuế tỉnh hỗ trợ DN rất tốt nên ngày 6-11 DN đã có bộ hồ sơ hoàn chỉnh để xin giảm thuế. Công nhân ở xưởng 1 đang phải nghỉ việc nên gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, DN rất cần vốn để tiến độ phục hồi nhanh hơn. DN cho rằng ngân hàng nên có thông báo kế hoạch khoanh nợ, giãn nợ cụ thể để DN biết.


Bà Lâm Thị Anh Vân - Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa cho biết sẽ chỉ đạo ngân hàng chi nhánh liên lạc ngay với DN tư nhân Thanh Khuê. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa có đến 3.000 khách hàng bị thiệt hại do bão, trong đó Vạn Ninh và Ninh Hòa có đến 80% khách hàng bị thiệt hại. Đến nay, cơ bản việc thống kê thiệt hại đã xong nhưng việc đối chiếu chưa thể thực hiện hết do số lượng quá nhiều.

 

Lãnh đạo tỉnh chủ trì Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp

Lãnh đạo tỉnh chủ trì Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp

 

Ông Đỗ Trọng Thảo - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết, toàn tỉnh có 12.565 khách hàng bị thiệt hại do cơn bão số 12, với tổng số tiền hơn 6.000 tỷ đồng. Các khách hàng này có thể chia làm 3 nhóm: nhóm vay lĩnh vực nông nghiệp, nhóm vay chính sách xã hội, nhóm vay công nghiệp - thương mại - dịch vụ; trong đó nhóm vay công nghiệp - thương mại - dịch vụ tuy chưa tới 1.000 khách hàng nhưng chiếm tới hơn 4.500 tỷ đồng. Ngành Ngân hàng đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN, trong đó: đã cho 112 khách hàng vay mới để phục hồi sản xuất với tổng vốn 60 tỷ đồng; gia hạn nợ cho 1.282 khách hàng với tổng vốn 431 tỷ đồng; điều chỉnh kỳ hạn cho vay đối với 4 khách hàng, tổng vốn 209 tỷ đồng; miễn và giảm lãi suất cho nhiều khách hàng với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng.


Theo ông Thảo, vướng mắc hiện nay là nhiều DN bị sập nhà xưởng, không còn tài sản thế chấp; nhiều DN bị thiệt hại nặng nhưng vướng quy định nên ngân hàng không thể cho vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp. Hơn nữa, hiện nay việc khoanh nợ, giãn nợ chỉ áp dụng đối với DN vay nhóm chính sách xã hội và nhóm vay nông nghiệp. Các DN vay lĩnh vực công nghiệp - thương mại - dịch vụ không được khoanh nợ, giãn nợ theo quy định của Chính phủ. Ngân hàng sẽ đề nghị Chính phủ có chính sách tín dụng đặc thù để hỗ trợ DN bị thiệt hại sau cơn bão 12. Ví dụ vay không cần thế chấp, vay không lãi suất, được khoanh nợ với nhóm vay công nghiệp - thương mại - dịch vụ.

Ông Trần Sơn Hải yêu cầu: “Ngành Ngân hàng cần chủ động, tích cực hơn khi làm việc với các DN bị thiệt hại do bão. Báo cáo chỉ là số liệu, còn cách triển khai như thế nào, hỗ trợ ra sao thì ngân hàng cần có kế hoạch cụ thể. Hệ thống cán bộ ngân hàng cấp dưới chưa cho thấy sự gắn kết với DN. Hỗ trợ được cái gì, được bao nhiêu phần trăm, chưa được thì khi nào được, hoặc không được thì phải trả lời rõ ràng cho DN để họ chủ động trong nguồn vốn tái thiết sản xuất”.


Các sở, ngành phải hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp


Ông Trần Sỹ Quân - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, từ ngày 6-11, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh đã cùng lãnh đạo UBND tỉnh đến thăm các DN bị thiệt hại. Chiều cùng ngày, Cục Thuế đã đưa lên website toàn bộ hồ sơ hướng dẫn khoanh nợ, giãn nợ. Sau đó không thấy hiệu quả, Cục Thuế tỉnh đã triển khai về các đơn vị trực thuộc, cán bộ thuế liên lạc, hướng dẫn cụ thể các DN thống kê thiệt hại. Hiện nay, các thủ tục vẫn còn rất rườm rà, ảnh hưởng không nhỏ đến việc hỗ trợ miễn giảm thuế đối với các DN bị thiệt hại. Đơn vị đang thu thập hồ sơ để gửi UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng bỏ bớt các thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo các quy định của pháp luật nhằm hỗ trợ các DN được nhanh hơn.


Tại hội nghị, ông Lê Thế Cường - đại diện Công ty TNHH Ngọc Trai Sài Gòn (nuôi ngọc trai ở vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh) cho biết, cơn bão số 12 đã khiến DN bị thiệt hại hơn 80 tỷ đồng. DN rất muốn sớm xây dựng lại lồng bè, ổn định sản xuất nhưng có nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết. Hiện nay, có rất nhiều lồng tôm của người dân trôi dạt vào vùng nước của công ty rồi chìm, nhưng công ty không đủ nhân lực để trục vớt. Ngoài ra, một số bè nuôi tôm của người dân trôi dạt vào vùng nước của công ty và không chịu di dời. Công ty đã nhờ chính quyền và bộ đội biên phòng vận động người dân di dời nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.


Về vấn đề này, ông Trần Sơn Hải chỉ đạo UBND huyện Vạn Ninh khẩn trương tập hợp toàn bộ tư liệu và lên phương án xử lý gửi UBND tỉnh trước ngày 10-12. Vấn đề nào vượt thẩm quyền thì tỉnh sẽ hỗ trợ với tinh thần phải đảm bảo vấn đề môi trường chung trong vịnh Vân Phong và tháo gỡ vướng mắc để Công ty TNHH Ngọc Trai Sài Gòn sớm ổn định sản xuất.

 

Kết luận hội nghị, ông Trần Sơn Hải yêu cầu Sở Kế hoạch - Đầu tư tổng hợp, phân loại các kiến nghị của DN trình UBND tỉnh để sớm giải quyết. Xung quanh việc khắc phục hậu quả cơn bão số 12, ông yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải chủ động hơn, hạn chế văn bản qua lại, sớm giải quyết các vướng mắc do quy định của Ngân hàng Nhà nước đưa ra. Ngành Thuế yêu cầu đơn thống kê thiệt hại của DN có xác nhận của chính quyền địa phương là vô lý, cần có kiến nghị bỏ hoặc thay bằng thủ tục đơn giản hơn. DN phục hồi sản xuất, tạo việc làm cho lao động là sự hỗ trợ lớn nhất đối với tỉnh. Chính vì vậy, các sở, ngành phải hỗ trợ tối đa cho DN. Các vấn đề không thuộc thẩm quyền thì tập hợp để tỉnh kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét tháo gỡ.


VĂN KỲ