05:05, 20/05/2016

Lời hứa với cử tri

22-5. Ngày hội lớn của toàn dân đang tới. Cử tri cả nước sẽ đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

22-5. Ngày hội lớn của toàn dân đang tới. Cử tri cả nước sẽ đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Mục tiêu hướng tới của cuộc bầu cử là trên tinh thần bảo đảm khách quan, dân chủ, đúng luật bầu chọn được những người ứng cử có đủ tâm, đủ tài gánh vác trọng trách đại biểu dân cử. 
 
Thông qua thông tin tuyên truyền, người dân nắm rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử; nguyên tắc dân chủ, minh bạch, đúng luật trong công tác bầu cử, quyền bầu cử và ứng cử của công dân, trách nhiệm của cử tri trong công tác bầu cử; nắm bắt được tinh thần Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, và nhất là những điểm mới trong công tác bầu cử lần này. Gần tới ngày bầu cử; cử tri được thông tin để nắm rõ tiểu sử, năng lực và quá trình công tác, phấn đấu, phẩm chất đạo đức của những người ứng cử; từ đó, quyết định bầu cho ai.
 
Thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri cũng như nhiều kênh thông tin phổ biến khác, những người ứng cử đã trình bày chương trình hành động của mình. Dễ thấy, điều cử tri mong mỏi, kỳ vọng không phải là những cái chung chung mà là những vấn đề cụ thể, sát thực tế. Nếu trúng cử, đại biểu dân cử sẽ làm việc gì, mang lại hiệu quả thế nào cho cử tri nơi mình ứng cử và nhân dân cả nước; giải quyết những vấn đề cử tri quan tâm, bức xúc ra sao; gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến các cơ quan có trách nhiệm như thế nào... Nắm bắt được tình cảm đó, chương trình hành động của những người ứng cử lần này đã đi vào những nội dung công việc cụ thể, nhiều việc có định hướng, có dự báo kết quả rõ ràng. Và, trên từng cương vị công tác, từng điều kiện làm việc, mỗi người ứng cử sẽ phải làm cho thật tốt những công việc ấy để đáp lại kỳ vọng của những người cầm lá phiếu bầu ra đại biểu.
 
Trong thực tế vận động bầu cử, trước đây, đã có tình trạng một số không ít người ứng cử nói rất mạnh, rất "hoành tráng", rồi hứa rất nhiều, về những điều cử tri đang "khát", ví như thấy dân đang đi đò qua sông rất vất vả, rất nguy hiểm thì hứa sẽ bắc cầu chẳng hạn, để cử tri tin tưởng bỏ phiếu cho mình. Nhưng, đến khi trúng cử rồi thì... quên! Thậm chí, không ít trường hợp còn né tránh cử tri. Những trường hợp đáng buồn như vậy đã phần nào làm xói mòn lòng tin của cử tri đối với đại biểu dân cử. 
 
Vừa qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có văn bản hướng dẫn đồng ý những người ứng cử gửi chương trình hành động của mình đến cử tri dự hội nghị tiếp xúc cử tri. Đây là cách làm mới, thay vì trước kia cử tri chỉ được nghe chương trình hành động của người ứng cử trong hội nghị tiếp xúc cử tri thì nay đã có văn bản, có điều kiện nghiên cứu sâu hơn cũng như theo dõi, giám sát việc thực hiện tốt hơn. 
 
Song, ý kiến nhiều cử tri cho rằng, như vậy là chưa đủ. Không chỉ gửi cho cử tri nơi ứng cử, chương trình hành động của người ứng cử phải được gửi tới các cơ quan có liên quan, có thẩm quyền, trách nhiệm để những cơ quan này có căn cứ giám sát việc thực hiện những lời hứa, cam kết của người ứng cử trước cử tri. Nói cách khác là cần xây dựng cơ chế giám sát một cách cụ thể, chặt chẽ.
 
Có cử tri giám sát, có các cơ quan chức năng giám sát, việc thực hiện chương trình hành động, cam kết, lời hứa của người ứng cử sẽ trở nên cụ thể hơn, minh bạch hơn và tất nhiên là sẽ hiệu quả hơn.
 
PHONG NGUYÊN