Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Thực hiện thành công cuộc bầu cử sẽ thiết thực góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Thực hiện thành công cuộc bầu cử sẽ thiết thực góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Vì vậy, việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong QH và HĐND các cấp là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Thế nhưng, đi ngược lại với tinh thần đó, các thế lực thù địch và phần tử tự xưng là “đấu tranh vì dân chủ” lại tỏ rõ thái độ hằn học. Họ tung lên các trang mạng đủ loại thông tin xuyên tạc bản chất tốt đẹp của chế độ ta, Đảng ta. Họ phát tán nhiều tài liệu phản đối Quy chế bầu cử QH và cho đó chỉ là “hình thức” như: “Tuyên bố số 9 về quyền tự ứng cử ĐBQH của công dân”, “Tự ứng cử trong chế độ toàn trị”... hòng kích động, cổ súy cho quyền tự ứng cử của một số phần tử cơ hội, bất mãn, tạo ra lực lượng đối trọng trong QH. Thực tế cho thấy, tất cả những điều họ tung trên mạng chỉ nhằm xuyên tạc, bôi nhọ chế độ, và mục tiêu cụ thể của họ là làm nhiễu loạn cuộc bầu cử sắp tới, xuyên tạc bản chất tốt đẹp của chế độ ta.
Họ thừa hiểu rằng, quyền tự do ứng cử ĐBQH đã được quy định rõ ràng trong Hiến pháp, pháp luật và luôn được tôn trọng ở nước ta. Việc ứng cử, đề cử ĐBQH và HĐND các cấp được thực hiện một cách chặt chẽ theo Luật Bầu cử, tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực người đại diện cho nhân dân và được tiến hành từ cơ sở thông qua các hội nghị cử tri, hội nghị hiệp thương chứ không một ai có thể tự tiện ứng cử vào cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân như họ từng rêu rao. Thực tiễn các kỳ bầu cử đã chứng minh quyền ứng cử, tự ứng cử luôn được bảo đảm, tôn trọng. Theo số liệu thống kê, kỳ bầu cử ĐBQH khóa XIII (năm 2011) có 82 người đăng ký tự ứng cử và đã có 15 người vào danh sách bầu cử ĐBQH. Trước đó, tại kỳ bầu cử ĐBQH khóa XII (năm 2007), có 30 người tự ứng cử vào đến vòng cuối cùng… Thực tế này là minh chứng sinh động, thuyết phục nhất để bác bỏ hoàn toàn ý kiến trên các trang mạng xã hội và báo nước ngoài xuyên tạc, bịa đặt về cuộc bầu cử QH ở Việt Nam.
Theo quy trình bầu cử, trong những ngày này, cả nước đang tiến hành các hội nghị tiếp xúc cử tri nơi cư trú cho các ứng cử viên, chuẩn bị cho Hội nghị Hiệp thương lần thứ 3, chính thức chốt danh sách các ứng cử viên. Riêng trên địa bàn tỉnh, việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri nơi cư trú đã hoàn tất. Có những ứng cử viên đã không thu đủ số phiếu quá bán của hội nghị cử tri thì đương nhiên phải dừng bước. Trong số này, có cả những ứng cử viên tự do và họ không chịu hiểu như thế.
Theo dõi trên mạng, những người không được cử tri nơi cư trú ủng hộ đã có những phát ngôn sai trái. Thật nực cười cho những người luôn nghĩ mình là thông thái, hiểu biết về pháp luật, đủ để “đại diện cho tiếng nói của nhân dân” lại đưa ra những phát ngôn trái với quy định của Luật Bầu cử và chả hiểu gì về quy trình bầu cử đã ban hành. Có người không được cử tri nơi cư trú giới thiệu đã phát biểu trên mạng: sao không cho tôi trình bày chương trình hành động(?) Anh sống với hàng xóm thế nào, quan hệ với bà con nơi cư trú ra sao… bà con đều biết cả. Trong một phạm vi xã hội rất hẹp như thế mà anh còn không được tin tưởng, thì anh hòng đại diện cho ai? Điều sơ đẳng vậy mà anh không chịu hiểu mà lại cho đó là biểu hiện “mất dân chủ”, “Đảng cử, Đảng bầu” thì quả là không còn gì để nói.
Đã trở thành quy luật, trước mỗi sự kiện chính trị lớn của đất nước như các kỳ đại hội Đảng, bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp... các thế lực thù địch, những phần tử bất mãn lại tập trung tuyên truyền, chống phá với những chiêu thức thật giả lẫn lộn. Nhưng có một điều mà họ cố tình không hiểu, đó là nhân dân ta đã quá hiểu động cơ của việc tuyên truyền, xuyên tạc này. Những tiếng nói lạc lõng ấy dẫu có cất lên cũng không mấy ai quan tâm. Có chăng, họ càng nói, càng tự bộc lộ bộ mặt thật của mình.
TRẦN DUY