10:04, 14/04/2016

Một số tình huống trong quá trình bầu cử

Hỏi: Sau khi đã hết thời hạn hiệp thương lần thứ hai thì có thể bổ sung hoặc thay đổi danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội (QH), ứng cử đại biểu HĐND đã lập qua hiệp thương lần thứ hai để đưa vào hiệp thương lần thứ ba được không?

Hỏi: Sau khi đã hết thời hạn hiệp thương lần thứ hai thì có thể bổ sung hoặc thay đổi danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội (QH), ứng cử đại biểu HĐND đã lập qua hiệp thương lần thứ hai để đưa vào hiệp thương lần thứ ba được không?


Trả lời: Chậm nhất là 70 ngày trước ngày bầu cử, công dân ứng cử đại biểu QH, ứng cử đại biểu HĐND (người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) phải nộp hồ sơ ứng cử.


Tuy nhiên, chậm nhất là 65 ngày trước ngày bầu cử phải tổ chức hiệp thương lần thứ hai. Hội nghị hiệp thương lần thứ hai căn cứ vào tiêu chuẩn đại biểu QH, đại biểu HĐND, cơ cấu thành phần và số lượng đại biểu QH, đại biểu HĐND được bầu của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được Ủy ban Thường vụ QH hoặc Thường trực HĐND cùng cấp điều chỉnh lần thứ nhất để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu QH, ứng cử đại biểu HĐND và gửi lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú; đối với người tự ứng cử thì còn được gửi lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi người đó làm việc (nếu có). Do đó, khi thời hạn hiệp thương lần thứ hai đã hết thì không thể bổ sung hoặc thay đổi danh sách sơ bộ đã lập qua hiệp thương lần thứ hai để đưa vào danh sách hiệp thương lần thứ ba.


Hỏi: Người tự ứng cử đại biểu QH, tự ứng cử đại biểu HĐND đã qua hiệp thương và được đưa vào danh sách sơ bộ những người ứng cử thì có được đưa vào danh sách chính thức những người ứng cử không?


Trả lời: Công dân ứng cử đại biểu QH, ứng cử đại biểu HĐND là những người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử. Vì vậy, công dân xét thấy mình có đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định của pháp luật, có thể tự mình làm đơn, nộp hồ sơ ứng cử. Qua hiệp thương lần thứ hai nếu được vào danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu QH, danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu HĐND để gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú và nơi làm việc (nếu có) thì sau đó đưa vào danh sách để hiệp thương lần thứ ba. Trường hợp người tự ứng cử có đủ tiêu chuẩn và điều kiện thì được đưa vào danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu QH, danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND.


Hỏi: Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, vì lý do bất khả kháng, số người ứng cử ở đơn vị bầu cử ít hơn so với quy định của pháp luật thì giải quyết như thế nào?


Trả lời: Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND thì số người trong danh sách ứng cử đại biểu QH, số người trong danh sách ứng cử đại biểu HĐND ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử đó ít nhất là hai người.


Trong trường hợp khuyết người ứng cử đại biểu QH vì lý do bất khả kháng thì Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định.


Hỏi: Trường hợp Thẻ cử tri do Chủ tịch UBND cấp xã trước đây ký tên, đóng dấu, nay người đó do sai phạm, khuyết điểm đã bị cách chức, đình chỉ hoặc thôi giữ chức vụ Chủ tịch UBND cấp xã thì Thẻ cử tri đó còn giá trị không?


Trả lời: Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền ký tên, đóng dấu vào Thẻ cử tri và các văn bản khác theo luật định. Trường hợp Chủ tịch UBND cấp xã do phạm sai lầm, khuyết điểm bị cách chức, đình chỉ công tác, thôi giữ chức vụ thì các văn bản, bao gồm cả Thẻ cử tri được vị Chủ tịch này ký khi còn đương chức (nếu các văn bản này không trái với các quy định của pháp luật) vẫn còn giá trị pháp lý và có hiệu lực thi hành.


Hỏi: Tại các đơn vị hành chính mới thành lập chưa có HĐND và Thường trực HĐND thì trách nhiệm, quyền hạn của Quyền Chủ tịch HĐND đối với cuộc bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND các cấp được quy định như thế nào?


Trả lời: Trong việc tổ chức bầu cử tại các huyện, quận, phường thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008 của QH, Nghị quyết số 724/2009 và Nghị quyết số 725/2009 của Ủy ban Thường vụ QH, Thường trực HĐND cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND huyện, quận, phường quy định tại các Điều 4, Điều 9 và Điều 51 của Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND trên cơ sở đề nghị của UBND cấp tỉnh, có tham khảo ý kiến của UBND huyện, quận, phường có liên quan.


Quyền Chủ tịch HĐND có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác của Thường trực HĐND theo quy định của pháp luật.


T. A (Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội)