06:02, 08/02/2019

Dòng sông với đôi bờ ký ức

Xuân về. Dòng sông xanh trong trở lại, làn nước mềm mại màu lá biếc lấp lánh dưới ánh nắng hanh hao đầy xao xác như nhớ về những ngày mưa lũ cồn cào đã qua. Chợt nhớ hơn 100 năm trước (năm 1905), chí sĩ xứ Quảng Nam Trần Quý Cáp tới miền đất này trước dòng sông đã làm dòng tuyệt bút: Lưỡng ngạn lô hoa trường đáo hải/Tứ biên hoàng diệp tổng vi thu (dịch: Trắng ngập đôi bờ lau xuống biển/Vàng bay bốn mặt lá gieo thu).

Xuân về. Dòng sông xanh trong trở lại, làn nước mềm mại màu lá biếc lấp lánh dưới ánh nắng hanh hao đầy xao xác như nhớ về những ngày mưa lũ cồn cào đã qua. Chợt nhớ hơn 100 năm trước (năm 1905), chí sĩ xứ Quảng Nam Trần Quý Cáp tới miền đất này trước dòng sông đã làm dòng tuyệt bút: Lưỡng ngạn lô hoa trường đáo hải/Tứ biên hoàng diệp tổng vi thu (dịch: Trắng ngập đôi bờ lau xuống biển/Vàng bay bốn mặt lá gieo thu).

 


Vậy đấy, đã đâu xa. Dòng sông có tên thật mộc mạc: sông Cái - Nha Trang. Nơi đây đôi bờ vẫn còn thấp thoáng những ký ức chưa phai. Nghìn năm chói lọi có ngọn Tháp Chàm lồng lộng như ngọn lửa trên đồi cao bên hữu ngạn. Hơn 300 năm vẫn ấm áp hương tình người Việt  đã tới đây mở ấp lập làng và bao công trình văn hóa tín ngưỡng: miếu, đền, đình, am… còn lưu tới hôm nay.


Khởi đầu từ đôi cửa Cù Huân sau gọi là Xương Huân tới Sinh Trung, Hà Ra, Phường Củi, Lư Cấm, Phú Vinh…, lên nữa là tòa thành Diên Khánh tạo thành đất văn hiến Bình Khang - Khánh Hòa 350 năm có lẻ. Rồi mấy trăm năm sau từ Diên Khánh xuôi về biển mở ra một đô thị biển đẹp nhất đất Việt: Nha Trang. Theo huyền sử, người ta lấy tên dòng sông đặt tên cho miền đất mới Nha Trang! Thật là một dòng sông kỳ tích hiếm có.


Ngẫm rằng, lâu nay có vẻ như chúng ta luôn hướng về biển mà vô tình quên lãng dòng sông mẹ quê hương đang âm thầm trôi sau lưng mình. Cũng như những đứa con luôn hướng về ánh sáng chốn đô hội mà ít nghĩ nhớ đến quê nhà lặng lẽ như ngọn lúa, bờ tre. Chỉ đến khi Tết đến xuân về mới thổn thức nhớ tới mái nhà quê xưa. Rồi mới òa hiểu rằng quê hương ký ức, tất cả vẫn được mẹ gói giữ trong đôi bàn tay bé nhỏ của người.


Có đôi lần đi dọc sông qua làng gốm Lư Cấm, tôi chợt bừng lên một dấu hỏi, vì sao đôi bờ sông Cái lại đậm màu tâm linh xưa với hình ảnh của miếu đình, nhà cũ cùng những tên gọi thuần Việt cổ đến như vậy? Rồi cảm thấy lâng lâng xao xuyến như gặp tiền nhân thấp thoáng trên dòng nước cô tịch. Dòng sông Cái vẫn lặng lẽ cất giữ, nâng niu những ký ức xưa cùng với dòng đời trôi nhanh của mình.


Vậy thì không gì bằng, ta hãy trở ngược dòng sông mẹ thân thương này để hiểu hơn về người. Nghìn năm xưa dải đất rực nắng này chắc hoang vu nhưng người Chăm Pa cổ đã biết được giá trị của một dòng nước tuy không lớn, không hùng vĩ, không dạt dào và càng không mênh mang, chỉ đi bộ chục ngày đường là tới nguồn, đó là dãy núi phía tây xanh thẳm. Người Chăm Pa cổ bỏ hẳn tập quán quen thuộc là xây tháp trên bình nguyên khô ráo mà xây ngọn tháp linh thiêng của mình ngay cửa sông Cái. Hình ảnh cụm tháp đỏ rực màu lửa ẩn hiện trong bóng cây trên đồi cao bên cửa sông thực sự như ngọn hải đăng cho cư dân phiêu dạt trên biển đi ngang qua ghé và ở lại. Người Việt đón nhận báu vật của người Chăm Pa để lại rất trân trọng: Đó cùng lấy đền tháp để thờ cúng Thánh Thiên Y A Na - người mẹ chung của xứ sở đất này. Đây là sự hòa hợp sắc thái văn hóa tuyệt vời của cha ông ta vì đất này ngoài người Chăm còn có người Việt và người Hoa theo dòng di cư Minh Hương cuối thế kỷ XVIII sang tị nạn. Tất cả đều hòa thuận với mảnh đất mới an lành này.


Người Việt đầu tiên theo các chúa Nguyễn xuôi về nam mở đất mới khi tới đây đã tụ ở cửa sông Cái và ven Đầm Cù (nay là vùng chợ Đầm), vì thế làng cổ xưa nhất của Nha Trang chính là Xương Huân, Phương Câu bây giờ. Xương Huân chính là tên cửa sông. Phương Câu, tên làng của người bắt cá (câu) trên sông Cái và đầm Cù. Những ngôi nhà cổ đã trôi tan dần theo thời gian nhưng các miếu, đình, đền vẫn còn lưu cất. Dưới thời phong kiến, vua triều Nguyễn rất quan tâm tới bảo tồn các di tích bằng việc làm rất trân quý: sắc phong! Nhờ thế, các tiên chỉ và tiền hiền  ở đây đều hết sức giữ gìn giá trị văn hóa của mình cho con cháu.


Theo ngược dòng sông chúng ta có làng gốm Lư Cấm, Phường Củi, đồi Trại Thủy, bến Trường Cá trên sông Kim Bồng… Đây là những địa danh đậm thời trận mạc trong cuộc tranh hùng giữa Tây Sơn và Chúa Nguyễn. Nói đến đây chúng ta phải nhắc lại về thời gian dòng sông Cái lấp loáng ánh gươm đao. Cuối thế kỷ XVIII, khi thành Diên Khánh là vị trí chiến lược sống còn của miền Nam Trung bộ, Chúa Nguyễn với Tây Sơn đều coi đây là đất trọng yếu. Ai chiếm được Diên Khánh sẽ chiến thắng. Từ Diên Khánh xuôi về nam sẽ lấy được thành Gia Định, tiến lên bắc sẽ chiếm Quy Nhơn và tiếp theo là kinh đô Phú Xuân - Huế, do vậy dòng sông Cái Nha Trang trở thành đường giao thông quan trọng tới đất trọng yếu Diên Khánh cũng là căn cứ thủy quân hùng cứ. Suốt 20 năm trời cuối thế kỷ XVIII, dòng sông trở nên dữ dội đầy bi tráng của chiến trận. Lịch sử đã vô tình gác thanh kiếm báu đặt lên dòng sông dịu dàng này.


Khi khói trận tan, đôi bờ cỏ lau trắng dạt dào trở lại. Dòng ông Cái uốn mình thay đổi dòng nước xuôi về biển để lại “cô thành Diên Khánh” để bồi đắp lên miền đất mới sáng rực màu biển: Nha Trang! Tất nhiên không ai quên được miền đất hơn 350 năm văn hiến thành Diên, được nhiều lớp tiền hiền xây dựng rất nhiều đền đài, văn miếu, đàn xã tắc, Am Chúa… Nhưng thời đại mới cần có miền đất mới. Chẳng đâu xa, nơi dòng sông hòa vào biển chính là Nha Trang sau này. Từ trên cao nhìn xuống dải xanh còn lại của Nha Trang chính là đôi bờ sông Cái. Thấp thoáng trong ngàn xanh đó vẫn ẩn hiện những bóng thời gian đầy man mác hư không.


Sông Cái Nha Trang không chở nặng phù sa bồi đắp cho những cánh đồng, không dữ dội oai hùng, không quá nên thơ nhưng với chiều dài theo năm tháng của mình, dòng sông đã bồi đắp cho hậu thế những di sản văn hóa nghìn năm cổ tích và 300 năm hiền hòa. Tạo dựng cho Nha Trang một nền văn hóa hiền hòa, sang trọng đầy kiêu hãnh như bóng dừa vươn cao bên bờ sông lấp lánh.


Ôi một dòng sông với đôi bờ ký ức.


Lê Đức Dương