12:02, 06/02/2019

Chuyện vãn về những chú ỉn

Heo là loài vật gần gũi, gắn bó với con người. Hình ảnh con heo luôn có mặt trong nghi thức cúng tế, cưới xin, trong văn học và cả trong đời sống hàng ngày của người dân Việt.

Heo là loài vật gần gũi, gắn bó với con người. Hình ảnh con heo luôn có mặt trong nghi thức cúng tế, cưới xin, trong văn học và cả trong đời sống hàng ngày của người dân Việt.


Về việc nuôi heo, dân gian ta cũng có nhiều kinh nghiệm lưu truyền lại, nuôi sao cho có hiệu quả. Họ cho rằng nuôi heo là một cách để dành tiền: Nuôi heo bỏ ống, là việc có lợi: Bán cám thì ngon canh, nuôi lợn thì lành áo. Có rất nhiều lời khuyên người ta nuôi heo để làm giàu hơn là nuôi các gia súc hay con vật khác, như: Giàu lợn nái, lãi gà con; Muốn giàu nuôi cá, muốn khấm khá nuôi heo; Muốn no trồng màu, muốn giàu nuôi heo… Nếu nuôi heo mà không giàu có thì người nuôi tự an ủi là do thời vận chưa đến hồi gặp may mắn: Chẳng qua thời vận anh nghèo/Đánh bạc thua bạc, nuôi heo vọt chuồng. Dân gian có kinh nghiệm nuôi heo nái có lợi hơn: Lợn bột thì thịt ăn ngon/Lợn nái thì đẻ lợn con cũng lời. Lợn bột là lợn tơ, sau đem thiến để nuôi lấy thịt. Loại heo này ăn ngủ phởn phơ, chẳng hao sức lực nên con da dẻ trắng hồng được so sánh như công tử… bột.

 


Việc nuôi heo cũng phải chọn giống heo nuôi sao có lợi. Theo kinh nghiệm dân gian, những con heo nào có 3 quý tướng: lưng đai, bụng bị, bốn khoáy là giống heo nái tốt, ăn nhiều, khỏe mạnh, đông con, mắn đẻ, tốt giống mà bất cứ người dân quê nào cũng muốn có để nuôi, là nguồn vui, sung túc, no đủ, hạnh phúc của gia đình mình.  


Thức ăn của heo là cám, bèo, củ chuối, nấu cám, thái khoai, băm bèo, cho nên nuôi lợn thì phải vớt bèo cũng như tục lệ xưa lấy vợ thì phải nộp cheo cho làng. Việc nuôi heo thật khó nhọc, lo lắng, chịu khó, tuy nhiên cũng có những an ủi trong tình yêu đến với người con gái bên chuồng nuôi heo: Anh thương em không biết để đâu/Để trên thùng cám, để đầu chuồng heo.


Thực phẩm nuôi heo chủ yếu là cám gạo, nhưng có khi chủ vắng nhà, sự chăm sóc không đầy đủ để dẫn đến việc cám nhỏ chẳng đến miệng lợn sề, hay cám treo để heo nhịn đói, chỉ khi chủ ở nhà lợn gà no bụng. Người nuôi heo có kinh nghiệm: Lợn ăn xong lợn nằm: lợn béo/Lợn ăn xong lợn réo: lợn gầy. Để heo đói làm sao heo tăng trọng được!

 


Có người nuôi heo bằng hèm như kiểu này: Thông ngôn phú lục, bạc chục em không thèm/Em chỉ muốn chồng nhậu để nó mửa hèm em nuôi heo. Hèm rượu còn gọi bã rượu là sản phẩm còn lại của nguyên liệu sau khi đã chưng cất để tạo ra rượu, là một loại chất bã có mùi nồng nặc và thường có màu trắng đục, lẫn tạp chất. Hèm có thể sử dụng trong chăn nuôi và là một thức ăn gia súc, nhất là cho heo ăn rất tốt. Các gia đình nấu rượu thường kiêm nuôi heo để cải thiện thu nhập là thế. Nhưng dù nuôi bằng thức ăn gì, miễn sao con heo có béo thì lòng mới ngon.


Chuồng nuôi heo cũng phải xây cất theo quy định: Chuồng lợn hướng đông, Thổ công hướng bắc. Theo kinh nghiệm, mặt tiền chuồng heo quay về hướng đông hay hướng đông nam sẽ nhận được ánh nắng mặt trời làm cho chuồng khô ráo, ấm áp… giúp môi trường sống của heo được tốt hơn. Hơn nữa, đến mùa gió, mùa đông chuồng tránh gió bấc thổi vào làm heo lạnh, còn mùa hè tránh gió tây gây cho heo nóng bức. Theo tục lệ xưa, ngày Tết người nuôi heo phải cúng Ông chuồng bà chuồng phù hộ cho heo ăn nhiều chóng lớn tăng trọng, không dịch bệnh.


Kinh nghiệm của người mua heo: Heo nhà, gà chợ. Mua heo ở nhà chọn được giống heo tốt, mua gà tại chợ chọn gà không sợ gà bị bệnh. Có người nuôi heo không đem ra chợ bán, không kêu lái heo đến trả giá mà họ nuôi để làm thịt vào dịp Tết, hàng xóm, bà con đến xúm nhau làm hàng heo, chia nhau mỗi nhà một ít ký để nấu cỗ cúng ông bà trong dịp Tết…


Cuối cùng, trong năm Hợi này, mong rằng người tuổi Hợi được như lời người xưa đã nói: Tuổi Hợi nằm đợi mà ăn và chúc cho mọi người tránh được cái cảnh heo kêu, con khóc, nợ đòi/Cả ba thứ ấy thiệt thòi đắng cay.


Ngô Văn Ban