08:58, 13/02/2024

Thống Nhất xưa, Trần Phú nay

NGUYỄN VĨNH XƯƠNG 

Anh bạn định cư ở Na Uy hơn 20 năm về Nha Trang lần này, sau bữa ăn tối ở Louisiane, tiện thể qua Vincom Plaza gần đó mua luôn cả một list đồ đạc. Anh ngạc nhiên: “Đường Trần Phú bây giờ có cả vai trò của một phố thương mại. Xưa mua những thứ này chỉ có đường Thống Nhất và chợ Đầm”.

Từ Route ColonnialeNo1

Cũng như anh, nhiều người xa Nha Trang từng ấy năm, thường hay nhớ về tuyến đường Thống Nhất - Phan Bội Châu một thời, nơi có Lầu 7 - tòa nhà cao nhất Nha Trang, có Nhà Văn hóa tỉnh (rạp Tân Tân cũ) diễn ra các sự kiện quan trọng, có chợ Đầm - trung tâm thương mại lớn nhất… Nói chung tuyến đường này từng diễn ra nhịp sống sôi động nhất của thành phố.

Đường Độc Lập (nay là đường Thống Nhất). 
Bên trái đường là Nha Trang Hotel, từng là khách sạn cao nhất ở Nha Trang. Ảnh: Internet
Đường Độc Lập (nay là đường Thống Nhất). Bên trái đường là Nha Trang Hotel, từng là khách sạn cao nhất ở Nha Trang. Ảnh: Internet

Lui lại thời gian một chút, vào đầu thế kỷ XX, tuyến đường chính lớn nhất xuyên suốt Nha Trang là đường thuộc địa số 1. Tuyến này từ cầu ông Bộ đến cầu Dứa (làm từ năm 1908 đến năm 1910), rồi xuống đến Xương Huân, vượt sông Cái bằng phà xóm Cồn (bờ nam bến phà gần Lầu Ông Năm, bờ bắc gần bến cá cù lao xóm Bóng) hình thành tuyến phố chính cho đô thị Nha Trang. Trên bản đồ thời Pháp, đường Thống Nhất bây giờ vẫn còn được gọi là Route ColonnialeNo1.

Các đô thị mới người Pháp thành lập chú trọng về “thị” (thương mại) hơn “đô” (hành chính - quân sự), khác với các đô thị cũ thời phong kiến nước ta thường chú trọng “đô” hơn “thị”. Đô thị mới Nha Trang ngay lúc đầu (năm 1924) khác hẳn với thành Diên Khánh về bộ mặt thương mại với sự phát triển của chợ búa, phố xá. Trong đó, tuyến Route ColonnialeNo1 - Rue Graffeuil (Thống Nhất - Phan Bội Châu ngày nay) không chỉ đóng vai trò trục giao thông đối ngoại lớn nhất đô thị mà còn tạo nên những khu thương mại đông đúc buổi ban đầu.

Route ColonnialeNo1 sau đổi tên là Độc Lập, rồi đến Thống Nhất, qua bao thăng trầm vẫn là tuyến đường buôn bán sầm uất nhất Nha Trang cho đến những năm cuối thế kỷ XX.

Đường Trần Phú chuyển mình

Cùng trong suốt thời gian đó, Avenue de la Plage (đại lộ bãi biển) vẫn đẹp mơ màng với hàng loạt biệt thự nằm nghe sóng vỗ. Trong “Xứ Trầm Hương”, nhà thơ Quách Tấn mô tả: “Thành phố Nha Trang thời Pháp thuộc chỉ bằng một phần ba thành phố hiện thời. Phố xá và gia cư người Việt người Tàu chen chúc từ ga xe lửa đến chợ Đầm (tức chợ cũ Nha Trang). Còn người Pháp ở dọc theo bờ biển, từ tòa Sứ (tức tòa Hành Chánh hiện nay) cho đến Đại khách sạn (Grand Hotel)”. Avenue de la Plage, sau là Duy Tân, rồi Trần Phú đến đầu thập niên 1990, có nhiều khách sạn, công sở, khu ăn uống, cửa hàng… song vẫn là con đường cảnh quan khá yên ả.

Con đường này được đánh thức khi khách sạn Nha Trang Lodge 13 tầng mọc lên (năm 1996) soán ngôi tòa nhà cao nhất thành phố của khách sạn Nha Trang (Lầu 7). Sau đó, liên tiếp những khách sạn quốc tế: Novotel, Sheraton, Best Western, InterContinental… mọc lên trên con đường này. Sau Lodge, trên đường Trần Phú bây giờ có gần 20 tòa nhà 40 tầng trở lên (còn những tòa nhà 30 - 40 tầng thì khó đếm xuể). Từ con đường của những biệt thự, Trần Phú trở thành con đường cao ốc. Đêm xuống, cả tuyến đường rực rỡ ánh đèn của hàng loạt khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại, siêu thị tiện ích, chợ đêm… Trong đó, có những trung tâm thương mại hiện đại như: Nha Trang Center, A&B Central Square, Vicom plaza…

Ngày trước, mọi người thường xuống đường Trần Phú để đi dạo, ngắm cảnh… Còn bây giờ, không chỉ để ngắm cảnh, mà còn là đi ăn uống, mua sắm, tham dự sự kiện… Con đường đẹp nhất thành phố không chỉ biến đổi lớn về cảnh quan - kiến trúc, mà còn hình thành một trục dịch vụ - thương mại mới.

Kéo “vùng rìa” vào trung tâm

Nhiều năm trước, người lớn tuổi ở gần Hòn Chồng thường nói “vô Nha Trang” tức là vô khu trung tâm thành phố. Tương tự, người sống nhiều năm ở Chụt cũng hay nói “lên Nha Trang”. Anh tài xế xe lam ở chợ Bình Tân kể: “Hồi trước chạy xe từ Cầu Đá lên đến chợ Đầm nhưng ghi tên tuyến là: Cầu Đá - Nha Trang, vì ai ai cũng nói là lên Nha Trang hết”. Nha Trang khoảng từ năm 2000 đổ về trước, phần nội thành thường được hình dung với giới hạn từ biển lên đến đường Lê Hồng Phong và bờ nam sông Cái trở vô đến mé sân bay cũ. Ngoài phạm vi đó thì đã được coi là… “vùng rìa”.

Đường Trần Phú, TP. Nha Trang. 
Ảnh: VƯƠNG MẠNH CƯỜNG
Đường Trần Phú, TP. Nha Trang. Ảnh: VƯƠNG MẠNH CƯỜNG

Đến năm 2002, khi cầu Trần Phú bắc qua sông Cái, đưa con đường dọc biển dài ra phía Bắc (thành đường Phạm Văn Đồng), vượt đèo Vĩnh Lương, nối vào Quốc lộ 1. Trục đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng trở thành một trục giao thông đối ngoại quan trọng xuyên suốt chiều Bắc - Nam thành phố, khiến mật độ xe cộ trên con đường này giờ cao điểm thuộc loại đông đúc nhất. Tuyến đường kéo các “vùng rìa” vào trung tâm. Và từ trung tâm, các khu phố sầm uất tràn ra các “vùng rìa”. Khách sạn cao cấp theo đường “Trần Phú 2” - đường Phạm Văn Đồng tràn ra đến tận chân núi Cô Tiên. Bây giờ, không còn mấy người ở Hòn Chồng nói “vô Nha Trang” nữa. Ở hướng ngược lại, người dưới Chụt cũng không còn mấy người nói “lên Nha Trang” nữa, vì có cảm giác đã ở trong lòng thành phố rồi.

3 biến đổi tạo nên gương mặt Nha Trang mới

Nếu Vinpearl Land và Khu du lịch Hòn Tằm (cùng được thành lập vào năm 2006) cùng với nhiều khu du lịch biển khác tạo nên một biến đổi lớn cho Nha Trang phía ngoài biển thì đường Trần Phú là cầu nối phía bờ với các khu du lịch đó.

Nếu chọn những biến đổi đáng chú ý của Nha Trang trong 24 năm đầu thế kỷ XXI thì có 3 biến đổi mà nhiều người không thể bỏ qua: Đường Trần Phú chuyển mình; trung tâm thành phố mở rộng; các khu du lịch biển ra đời. Đó là 3 biến đổi tạo nên một gương mặt Nha Trang mới.

NGUYỄN VĨNH XƯƠNG