10:32, 12/02/2024

Tàu De Lanessan và chủ quyền biển đảo của Việt Nam 

THÀNH NGUYỄN

Đến Bảo tàng Hải dương học (Viện Hải dương học, TP. Nha Trang), nhiều người bắt gặp mô hình con tàu De Lanessan. Nếu không được giới thiệu, ít người biết rằng, cách đây gần 1 thế kỷ, con tàu ấy đã nhiều lần đưa các nhà khoa học của Viện Hải dương học đi nghiên cứu ở Biển Đông. Sự hiện diện của De Lanessan cùng dấu chân của các nhà khoa học trên khắp các đảo ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã minh chứng hùng hồn chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này.

Du khách quốc tế xem mô hình tàu De Lanessan tại Khu trưng bày chuyên đềHiện diện trên Biển Đông của Bảo tàng Hải Dương học
Du khách nước ngoài xem mô hình tàu De Lanessan tại Bảo tàng Hải dương học.

Con tàu từ nước Pháp hiện diện trên Biển Đông

Một lần, tôi cùng một Việt kiều Pháp đến tham quan Bảo tàng Hải dương học. Người du khách phương xa này đã ngạc nhiên khi thấy ở đây có mô hình con tàu mang tên De Lanessan nằm ở khu trưng bày “Hiện diện trên Biển Đông”. Tên tàu gợi nhắc đến một nhân vật lịch sử: Jean-Marie Antoine de Lanessan - Toàn quyền Đông Dương (giai đoạn 1891 - 1894). Đem thắc mắc này đến gặp Tiến sĩ Trương Sĩ Hải Trình - Phó Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông Viện Hải dương học, chúng tôi đã biết được một câu chuyện hấp dẫn về chuyện khám phá, thực thi chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Năm 1922, Toàn quyền Đông Dương F.M. Baudoin ký sắc lệnh thành lập Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương (tiền thân của Viện Hải dương học ngày nay) tại Nha Trang và bổ nhiệm Tiến sĩ Armand Krempf làm Giám đốc sở. Để phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học, Chính phủ Pháp đã trang bị cho sở con tàu nghiên cứu biển mang tên De Lanessan. “Tên gọi của tàu là để tưởng nhớ nhà khoa học Jean-Marie Antoine de Lanessan (1843 - 1919), cũng là một chính trị gia nổi tiếng của nước Pháp, từng được bổ nhiệm làm Toàn quyền Đông Dương giai đoạn 1891 -1894”, Tiến sĩ Hải Trình chia sẻ.

Hình ảnh Tàu De Lanessan được Viện Hải Dương học lưu giữ
Hình ảnh tàu De Lanessan được Viện Hải dương học lưu giữ.

Ghi chép của Tiến sĩ Armand Krempf để lại cho hậu thế hôm nay biết xuất xứ và hành trình của tàu De Lanessan đến với Việt Nam. Đây là tàu hơi nước có 450 mã lực, trọng tải 750 tấn, được trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại nhất theo tiêu chuẩn châu Âu thời bấy giờ để phục vụ cho nghiên cứu nghề cá và hải dương học. Sau khi hạ thủy ở cảng Bordeaux (Pháp), dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Dauguet, tàu đã vượt biển, cập cảng Hải Phòng vào đầu tháng 11-1924. Đầu tháng 4-1925, tàu đã ra khơi đánh mẻ lưới thí nghiệm đầu tiên trên vùng biển vịnh Bắc Bộ của Việt Nam. Kể từ đó, nhật ký hải trình của tàu De Lanessan đã gắn với những chuyến thám sát, nghiên cứu biển dài ngày của các nhà khoa học thuộc Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương. “Từ tháng 4-1925 đến tháng 4-1930, tàu De Lanessan đã thực hiện 52 chuyến khảo sát ở 577 trạm ở vùng biển sâu thềm lục địa Việt Nam, vịnh Bắc Bộ, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa… làm cơ sở cho các nghiên cứu biển đảo, góp phần trong việc thực thi, khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam, nhất là ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, PGS.TS Đào Việt Hà - Viện trưởng Viện Hải dương học cho biết.

Những chuyến đi đến Hoàng Sa, Trường Sa

Các tư liệu lưu trữ ở Viện Hải dương học cho thấy, tàu De Lanessan đưa các nhà khoa học của Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương đến quần đảo Hoàng Sa lần đầu tiên vào tháng 6-1925. Trong chuyến đi này, tàu đã thực hiện hàng loạt hoạt động thăm dò và kéo lưới cào để khảo sát thềm lục địa. Qua đó, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều tư liệu thể hiện sự hình thành nền của quần đảo Hoàng Sa. Cuộc khảo sát này là hoạt động nghiên cứu khoa học đầu tiên tại quần đảo Hoàng Sa, cũng là bằng chứng thể hiện chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo này.

Bãi biển ở quần đảo Hoàng Sa do Tiến sĩ A.Krempf chụp giai đoạn 1925 - 1926.

Tháng 6-1926, tàu De Lanessan tiếp tục đi nghiên cứu tại quần đảo Hoàng Sa. Trong vòng hơn một tháng, tàu đã đưa các nhà khoa học đến các đảo: Tri Tôn, Đá Lồi, Bạch Quy, Phú Lâm, đảo Cây, Linh Côn, rạn Bông Bay, đảo Hữu Nhật, đảo Lưỡi Liềm để làm những khảo sát về độ sâu, nhiệt độ, dòng chảy, địa chất, một số khu hệ động thực vật trên đảo và xung quanh đảo. Nhật ký của các nhà khoa học cho thấy, trên các đảo này có rất nhiều chim biển và các nhà khoa học đã tìm thấy mỏ phốt phát được tạo nên bởi phân chim với trữ lượng khoảng 8 triệu m3.

Tháng 7-1927, tàu De Lanessan khảo sát tại các đảo: An Bang, Đá Tây, Đá Chữ Thập, Ba Bình, Loại Ta, Đá Subi, Thị Tứ, cụm đảo Song Tử thuộc quần đảo Trường Sa. Các nhà khoa học đã khảo sát nền đáy, thu mẫu động vật và địa chất, đo độ sâu… và thu được nhiều dữ liệu quan trọng. Tiếp đó, năm 1930, Viện Hải dương học Đông Dương (tên mới của Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương) đã phối hợp với Hải quân Pháp khảo sát, nghiên cứu tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa (An Bang, Đá Đông, Ba Bình, Song Tử, Thị Tứ…), trong đó khảo sát đáy san hô, thu mẫu sinh vật, mẫu cát san hô và phát hiện ra lớp phốt phát dày 30cm cùng khu hệ chim biển dày đặc ở đây.
Sau năm 1930, tàu De Lanessan tiếp tục có nhiều chuyến khảo sát ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong chuyến khảo sát quần đảo Hoàng Sa năm 1937, các nhà khoa học đã xác định vị trí xây dựng ngọn hải đăng cho tuyến hàng hải quốc tế tại đảo Hoàng Sa; đề xuất các cơ sở khoa học để xây dựng quy hoạch đảo Hoàng Sa. Tháng 3-1938, viện đã phối hợp với Cơ quan Nha khí tượng đặt trạm quan trắc thủy văn tại quần đảo Hoàng Sa… Rất tiếc, sau đó, Chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ khiến các hoạt động nghiên cứu của viện gặp nhiều khó khăn và sứ mệnh của con tàu huyền thoại De Lanessan đã kết thúc!

Chim biển ở quần đảo Hoàng Sa đươc vẽ lại sau chuyến đi khảo sát bằng tàu De Lanessan.

Giờ đây, tuy tàu De Lanessan chỉ còn trong những tấm ảnh tư liệu đen trắng cùng mô hình nhỏ được đặt ở khu trưng bày “Hiện diện trên Biển Đông” nhưng di sản mà tàu để lại có giá trị vượt thời gian. Với sự góp mặt của tàu De Lanessan, công tác nghiên cứu khoa học của Viện Hải dương học đã có nhiều thành tựu lớn. Đặc biệt, các chuyến khảo sát của tàu đã góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với những chứng lý khoa học. Ngày nay, nhiều du khách đến Bảo tàng Hải dương học dễ dàng nhìn thấy các tư liệu, chiêm ngưỡng những mẫu vật, hình ảnh về 2 quần đảo Hoàng Sa,Trường Sa, trong đó có nhiều hiện vật được sưu tập từ những chuyến đi của con tàu De Lanessan. Để rồi từ đó, trong lòng mỗi người lại trào dâng niềm tự hào Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam!
 

PGS.TS ĐÀO VIỆT HÀ - Viện trưởng Viện Hải dương học: Với nguồn thu thập được từ các chuyến khảo sát, Viện Hải dương học Đông Dương đã xuất bản và triển lãm 4 bản đồ về Biển Đông tại Triển lãm quốc tế thuộc địa tại Paris năm 1931, trong đó có bản đồ về trạm vị các chuyến khảo sát của tàu De Lanessan trên Biển Đông. Ngoài ra, trong các báo cáo thường niên, viện đã công bố bản đồ về độ sâu ở nhóm đảo Trường Sa (năm 1930), bản đồ về sự hình thành tập đoàn san hô ở các đảo: Ba Bình, Loại Ta, Thị Tứ, đá Subi và cảnh báo các vùng nguy hiểm khi đánh bắt cá (năm 1933).

THÀNH NGUYỄN