Di sản của Hồ Chí Minh là một tổng thể thực tiễn và lý luận, bao gồm toàn bộ cuộc đời một lòng vì nước vì dân, sự nghiệp cách mạng vĩ đại, tư tưởng tiến bộ, đạo đức sáng ngời, phong cách giản dị, cao quý của Người. Nghiên cứu di sản của Người, ta thấy một tầm nhìn vượt trước thời đại của một nhà văn hóa lớn, một lãnh tụ thiên tài. Đó là tầm nhìn chiến lược trên cơ sở khoa học, biện chứng của một người ung dung tự tại, nắm vững quy luật phát triển, có niềm tin sắt đá vào tương lai.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa vĩ đại. Ảnh tư liệu |
Khóa họp lần thứ 24 của UNESCO diễn ra tại Paris từ ngày 20-10 đến 20-11-1987 đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 ghi nhận “Năm 1990 sẽ đánh dấu 100 năm kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. Nghị quyết khuyến nghị các quốc gia thành viên cùng tham gia kỷ niệm và đề nghị Tổng Giám đốc UNESCO triển khai các giải pháp thích hợp “bằng việc tổ chức các hoạt động cụ thể để tưởng niệm Người, qua đó làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của những tư tưởng và những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người”. Đặt di sản của Người trong bối cảnh đất nước ta từ khi còn chìm trong đêm trường nô lệ, cho đến khi Người đi xa để thấy, trong hoàn cảnh nào Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn thể hiện một tầm nhìn vượt trước thời đại của một nhà văn hóa kiệt xuất. “Cảo thơm lần giở trước đèn…”, xin đơn cử mấy sự kiện để hiểu hơn tầm vóc tư tưởng, tầm nhìn vượt trước thời đại của một nhà văn hóa kiệt xuất.
Dân ta phải biết sử ta
Sau 30 năm rời quê hương đi tìm đường cứu nước, ngày 28-1-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước tại Pác Bó, Cao Bằng để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Tình hình thế giới khi này vô cùng khó khăn cho phong trào cách mạng trong nước. Thế chiến thứ 2 khiến đất nước ta còn chịu cảnh Nhật đưa quân vào xâm lược…
Việc đầu tiên ngay khi vừa về chuẩn bị cho cách mạng Việt Nam là Người soạn thảo bài thơ Lịch sử nước ta. Bài thơ gồm 208 câu thơ lục bát với tinh thần “Dân ta phải biết sử ta; cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Bài thơ là cuốn lịch sử tóm lược bằng thơ lục bát để phù hợp với tình hình hầu hết dân số nước ta mù chữ khi đó. Lịch sử nước ta nhằm khơi dậy lòng tự hào dân tộc, động viên các tầng lớp nhân dân xứng đáng với truyền thống của ông cha.
Suốt cả tập thơ lịch sử, Người luôn nhấn mạnh tư tưởng đoàn kết khi chú trọng phân tích đến sự thắng - bại của các triều đình trong đấu tranh giữ nước liên quan đến sự đoàn kết dân tộc. Hồ Chí Minh viết: “Kể gần sáu trăm năm giời, Ta không đoàn kết bị người tính thôn”. Nói là tổng kết lịch sử, nhưng thực chất là rút ra những bài học lớn mà cha ông để lại để chuẩn bị cho sự nghiệp trước mắt. Bài học lớn nhất của lịch sử, theo Bác Hồ là bài học về tinh thần đoàn kết. Tập sử chính là lời kêu gọi, chuẩn bị trước cho phong trào cách mạng sau này.
Văn hóa mở đường cho quốc dân đi
Ngày 24-11-1946, tại Hà Nội, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được triệu tập. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai mạc hội nghị. Nhà nước cách mạng non trẻ khi này phải lo cả ngàn việc cấp bách, lo chống đói cho dân, lo xây dựng lực lượng và tích lũy vật chất để sẵn sàng bảo vệ nền độc lập bởi thực dân Pháp dã tâm cướp nước ta một lần nữa. Và chỉ tháng sau, ngày 19-12-1946, Hồ Chủ tịch đã phải ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến!
Trong tình thế nước sôi lửa bỏng như vậy, Đảng ta vẫn tổ chức hội nghị về văn hóa. Tại hội nghị này, Người chỉ rõ: Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện Độc lập, Tự cường và Tự chủ. Đây chính là kim chỉ nam xuyên suốt mọi hoạt động của ngành Văn hóa và Thông tin. Người nêu nhiệm vụ của văn hóa mới là, phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam với ba tính chất: Dân tộc, khoa học, đại chúng. Người nêu rõ vị trí, ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ.
Ngược theo thời gian, năm 1943, Đảng ta đã xây dựng Đề cương về văn hóa Việt Nam. Cần phải đặt bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 trong bối cảnh của đất nước ta lúc bấy giờ mới thấy hết tầm nhìn chiến lược của Đảng, tính chất soi đường, định hướng cho sự phát triển nền văn hóa mới. Hội nghị Văn hóa toàn quốc 1946 là sự tiếp tục tiến trình phát triển của văn hóa Việt Nam. Sự kiện này cho thấy tầm nhìn đi trước thời đại của lãnh tụ Hồ Chí Minh về vai trò của văn hóa, mang tính nền tảng, định hướng, soi đường quan trọng cho đất nước tiến lên.
Bác Hồ và Tết trồng cây
Cách mạng Việt Nam trong những năm 1959 - 1960 cực kỳ khó khăn. Trong miền Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm phá hoại hiệp định Genève, đàn áp cách mạng cực kỳ tàn khốc. Miền Bắc đang những năm tháng sửa sai trong cải cách ruộng đất. Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng bất ngờ là trong hoàn cảnh ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy trước vấn đề bảo vệ môi trường thông qua việc trồng cây gây rừng. Thế giới phải đến đầu thế kỷ XXI mới nhận thức được hậu quả của việc phá rừng, một trong những nguyên nhân trực tiếp gây nên biến đổi khí hậu, mới kêu gọi bảo vệ hệ sinh thái rừng…
Ngày 30-5-1959, với bút danh Trần Lực, Bác đã viết bài: “Nông dân phải trồng cây chuẩn bị làm nhà ở” đăng trên Báo Nhân Dân số 1901. Ngày 28-11-1959, trên Báo Nhân Dân số 2082, Bác có bài “Tết trồng cây” và đề nghị tổ chức một ngày Tết trồng cây để thiết thực kỷ niệm Ngày thành lập Đảng và mong muốn trong 10 năm đất nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Trong bài viết, Bác nêu rõ tác dụng của việc trồng cây, đó là công việc “tốn kém ít mà ích lợi nhiều”, đồng thời đề nghị tất cả nhân dân miền Bắc, mỗi người phụ trách trồng một hoặc vài ba cây và chăm sóc cho tốt.
Sáng 11-1-1960, Tết trồng cây đầu tiên mừng Đảng, mừng xuân được tổ chức. Bác đã cùng đồng bào trồng cây đa ở công viên Thống nhất. Để rồi từ đó, hàng năm, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, Bác thường tham gia cùng nhân dân trồng cây. Ngày nay, trên khắp mọi miền của đất nước, sau những ngày Tết cổ truyền là “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác”. Tết trồng cây đã trở thành một phong tục đẹp của dân tộc, theo đúng ý nguyện của Người: “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”.
***
Di sản Người để lại mang tính phổ quát, vượt thời đại và qua năm tháng vẫn vẹn nguyên tính thời sự. Di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi lan tỏa và nâng tầm giá trị văn hóa Việt Nam; đồng thời khẳng định chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng trong công cuộc bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước, chăm lo tới đời sống người dân và hội nhập quốc tế.
Năm nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân sẽ kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tưởng niệm 55 năm ngày Người đi về với thế giới người hiền (1969 - 2024). Tuy hơn nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng trong con tim của mỗi người dân luôn vang lên câu trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đọc trong lễ truy điệu Hồ Chủ tịch ngày: 9-9-1969: ‘’Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta, đã sinh ra Hồ Chủ tịch, Người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.
TRẦN DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin