19:32, 10/02/2024

Nét đẹp múa rồng

A.N

Cùng với nghệ thuật múa lân - sư, múa rồng đã xuất hiện trong các hội thi, hội diễn nghệ thuật dân gian tại Nha Trang - Khánh Hòa. Với sự phát triển đời sống văn hóa tinh thần của người dân, nghệ thuật múa rồng đã được nâng tầm, trở thành nét đẹp không thể thiếu trong các dịp lễ hội, Tết cổ truyền của dân tộc.

Dấu ấn văn hóa Việt

Biểu diễn múa rồng xếp hình ngôi sao.
Biểu diễn múa rồng xếp hình ngôi sao.

Trong đời sống văn hóa, tâm linh người Việt, rồng là một loài linh vật có từ thời xa xưa, gắn liền với những câu chuyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết, được tạc khắc ở công trình kiến trúc của các triều đại vua, chúa và đình, chùa, miếu… ở nước ta. Hình tượng rồng trong tâm thức người Việt không chỉ đơn thuần là biểu hiện của sự linh thiêng, tôn quý, quyền uy, mà còn là cội nguồn, ước vọng đời sống ấm no của người dân, sự phồn vinh của dân tộc. Điều này thể hiện khá rõ trong các truyền thuyết: “Con Rồng cháu Tiên”; “Sự tích Thăng Long”; “Sự tích sông Cửu Long”... Nhằm lưu giữ, phát huy những giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống dân gian của dân tộc, ông cha ta đã không ngừng tìm tòi, học hỏi, đưa hình tượng rồng vào các bài múa, biểu diễn, từ đó phát triển thành nghệ thuật múa rồng mang đậm dấu ấn văn hóa Việt và trở thành hoạt động không thể thiếu trong các dịp lễ hội, Tết.

Múa rồng xếp hình chữ S.
Múa rồng xếp hình chữ S.

Ông Đoàn Đức Phước - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lân - Sư - Rồng, Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết: Năm 1999, ở khu vực miền Trung, Nha Trang - Khánh Hòa là địa phương đầu tiên tiếp cận với loại hình múa rồng. Cặp rồng trung tâm mua về lúc ấy là rồng 11 khúc (có 11 người múa) từ Võ đường Thánh Nghĩa đường (TP. Hồ Chí Minh). Võ sư Huỳnh Chí Phước (Thánh Nghĩa đường) là người trực tiếp giao cặp rồng cho trung tâm và hướng dẫn cách múa. Hồi đó, lần đầu tiên, đội biểu diễn múa rồng đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng tỉnh Khánh Hòa (2-4) và chào mừng thiên niên kỷ. Sau lần múa thành công ấy, cùng với múa lân - sư, nghệ thuật múa rồng dần trở thành hoạt động không thể thiếu trong các dịp lễ hội lớn của tỉnh, các hội thi liên hoan múa lân - sư - rồng thành phố.

Nét đẹp trong nghệ thuật múa

Bài diễn múa rồng Thanh long hý hỉ.
Bài diễn múa rồng Thanh long hý hỉ.

Theo tìm hiểu, nghệ thuật múa rồng vốn bắt nguồn từ văn hóa Trung Hoa. Từ khi du nhập vào Việt Nam, loại hình này được các võ sư thuộc các trường phái võ cổ truyền nước ta cải biên cho phù hợp với đặc thù truyền thống văn hóa Việt. Cũng giống như múa lân - sư, múa rồng cũng có những bộ pháp, tấn pháp, đòi hỏi người múa phải có sự dày công tập luyện. Tuy vậy, điểm khác biệt của múa rồng đòi hỏi những người tham gia múa phải có sự tập trung cao, phối hợp ăn ý, nhuần nhuyễn, bởi nếu như múa lân - sư chỉ cần 2 người (phần đầu và đuôi) thì múa rồng có số lượng người tham gia khá đông, từ 10 đến 20 người, tùy kích thước, độ dài của con rồng, chỉ cần một hoặc hai người lạc nhịp, hình rồng sẽ bị gãy khúc, bài múa cũng mất đi vẻ đẹp. Chất liệu để chế tạo những con rồng biểu diễn chủ yếu là vải tơ, giấy cứng hoặc các chất liệu khác tùy thuộc vào khả năng sáng tạo của người thợ, song phổ biến nhất vẫn là loại rồng được làm bằng vải tơ, nhẹ, khi biểu diễn hình tượng con rồng tạo thành cũng trở nên uyển chuyển, sống động đẹp mắt.

Một đội múa rồng tham gia biểu diễn dịp Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa 2023.
Một đội múa rồng tham gia biểu diễn dịp Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa 2023.

Theo quan niệm của người phương Đông, mỗi con rồng, các khớp xương được cấu thành từ các số lẻ như: Rồng 9 khúc, 13 khúc, 15 khúc và 17 khúc. Rồng càng dài thì độ khó trong các động tác loan, đảo, xếp hình của bài biểu diễn càng phức tạp. Do vậy, hiện nay, theo quy định luật biểu diễn lân - sư - rồng trong thể thao, các con rồng biểu diễn là rồng 9 khúc. Trong nghệ thuật múa rồng, có rất nhiều bài múa biểu diễn, tạo hình đặc sắc, như: Bàn long (múa rồng chạy vòng tròn), Thủy ba (múa rồng có hình dạng rồng dập dờn như sóng nước), Thanh long xuất trận (rồng xanh khí thế ra trận), Song long quá hải (hai con rồng vượt biển), Hoàng long chúc phúc (rồng vàng chúc phúc), Rồng thăng thiên (rồng bay lên trời thể hiện khí thế vươn lên)...; bên cạnh đó còn có một số động tác xếp hình như: Xếp hình số 8, hình chữ S, đóa sen, xếp thuyền (tĩnh, động)… Từ những bài biểu diễn ở trên, kết hợp với việc nắm vững kỹ thuật kinh, nghi, động, tĩnh và sự phối hợp ăn ý của những người tham gia múa, hình tượng con rồng trong các bài múa cũng trở nên linh hoạt, bay, uốn, lượn sống động như thật.

Biểu diễn múa rồng nghệ thuật đường phố.
Biểu diễn múa rồng nghệ thuật đường phố.

Trong văn hóa phương Đông, rồng là một loài linh vật trong tứ linh: Long (rồng), Lân (kỳ lân), Quy (rùa), Phụng (phượng hoàng), tượng trưng cho điềm lành, sự tốt đẹp. Chính vì lẽ đó, nghệ thuật biểu diễn múa rồng đã trở thành một nét văn hóa, nghệ thuật mang đậm bản sắc dân gian truyền thống của dân tộc. “Tại kỳ Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa lần đầu tiên (năm 2003), đội lân - sư - rồng Trung tâm Văn hóa tỉnh được vinh dự biểu diễn tiết mục múa rồng trên nền nhạc bài “Thanh long hý hỉ” do nhạc sĩ Hình Phước Liên sáng tác, phục vụ đông đảo người dân, du khách. Từ đó đến nay, hoạt động này trở thành một trong những nét văn hóa nghệ thuật độc đáo trong các dịp lễ hội lớn của tỉnh”, ông Đoàn Đức Phước nói.

A.N